Vì sao trẻ hay ho về đêm?

Ho là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ ho về đêm nhiều sẽ khiến các bậc phụ huynh lo lắng mất ăn mất ngủ. Vậy vì sao trẻ hay ho về đêm và cách điều trị như thế nào? Ngay sau đây là những thông tin hữu ích cho bạn.

1. Trẻ ho về đêm vì sao?

Nguyên lý của phản ứng ho là: Khi đường hô hấp bị viêm nhiễm, bề mặt đường thở có nhiều vi khuẩn, phản ứng viêm tiết ra dịch nhầy (chứa vi khuẩn, bạch cầu, mủ, các chất gây viêm,...) khiến cơ thể sinh ra phản ứng tự vệ là ho để loại bỏ đờm, nhớt, vi khuẩn ra ngoài, làm sạch đường thở.

Trẻ em ho về đêm thường do một số nguyên nhân như:

  • Hoạt động của hệ thần kinh thực vật: Ở người, hệ thần kinh thực vật chia làm hệ giao cảm và hệ phó giao cảm. Hệ giao cảm trội hơn thì ít ho, hệ phó giao cảm trội hơn thì sẽ gây ho nhiều. Vào ban đêm, hệ giao cảm nghỉ ngơi, ít hoạt động để nhường cho hệ phó giao cảm nên cơ chế thần kinh này đã kích thích trẻ ho về đêm nhiều hơn;
  • Yếu tố vi khí hậu: Nhiệt độ, độ ẩm không khí,... đều biến đổi về đêm. Vào thời điểm giao mùa, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm có thể lên tới 10°C. Nhiệt độ thấp, không khí khô khiến trẻ có cơ địa mẫn cảm với thời tiết sẽ bị ho nhiều hơn. Đặc biệt, trẻ cũng hay lên cơn suyễn về đêm;
  • Hormone thượng thận: Hormone thượng thận (trên đầu 2 quả thận) có khả năng kháng viêm, giảm stress, giảm dị ứng và làm giảm ho gián tiếp. Về đêm, tuyến thượng thận nghỉ ngơi, lượng cortisol giảm xuống nên trẻ bị ho nhiều hơn;
  • Ho gà: Một số trẻ bị ho, đi kèm tiếng thở hổn hển sau khi ho có thể được chẩn đoán mắc ho gà. Với những trẻ đã tiêm vắc-xin phòng ho gà, biểu hiện bệnh nhẹ, không gây ảnh hưởng. Với những trẻ có hệ miễn dịch kém thì bệnh có thể gây cơn ho dữ dội, gây nguy hiểm tới tính mạng;
  • Trẻ viêm đường hô hấp: Với những trẻ bị viêm đường hô hấp, khi ngủ, tư thế nằm đầu thấp khiến nước mũi thường bị chảy ngược xuống họng qua lỗ mũi sau, khiến bé ho, dễ nôn ói. Bên cạnh đó, nhiều trẻ bị ngạt mũi, phải há miệng thở khiến không khí lạnh và khô đi vào phổi qua đường miệng, không được giữ ấm và loại bỏ bụi như khi đi qua đường mũi khiến bé ho nhiều về đêm;
  • Phòng ngủ không sạch sẽ: Nếu không chú ý vệ sinh phòng ngủ thường xuyên thì nơi đây sẽ tích tụ nhiều bụi bẩn, tóc, lông thú cưng... Khi chăn, ga, gối, đệm ám bụi bẩn, trẻ sẽ vô tình hít phải khi ngủ, gây ho nhiều và hắt hơi, ngứa mũi khó chịu;
  • Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Nếu trẻ mắc bệnh này, khi ngủ luồng khí trào ngược từ dạ dày đi lên thực quản sẽ mang theo axit dịch vị. Lượng axit này có thể tác động lên hệ thần kinh ở đường khí quản, khiến khí quản căng lên, kích thích phản xạ ho;
  • Nguyên nhân khác: Một yếu tố không thuộc về cơ chế bệnh chính là ban đêm cha mẹ nằm cạnh con, chú ý hơn tới tiếng ho của bé nên sốt ruột hơn khi bé ho, nôn ói,...
trẻ ho về đêm
Tình trạng trẻ ho về đêm nhiều sẽ khiến các bậc phụ huynh lo lắng

2. Trẻ ho về đêm phải làm sao?

Nếu trẻ bị ho nhiều về đêm, các bậc phụ huynh có thể tham khảo những hướng dẫn sau:

2.1 Trị ho cho trẻ đúng cách

Cha mẹ có thể cho bé dùng các loại siro trị ho, trị viêm họng có nguồn gốc thảo dược như: Lá hẹ hấp mật ong, lá húng chanh hấp mật ong, siro ho từ tinh dầu thiên nhiên, quất ngâm đường phèn, cao lá thường xuân,... Trong thành phần các siro trên đều có mật ong - chất có đặc tính kháng khuẩn, chống lại tác nhân gây nhiễm trùng. Đây là các loại thảo dược có tác dụng long đờm, giảm ho, kháng viêm, kháng khuẩn, làm ấm họng, an toàn cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, với những bé bị nôn trớ khi ho thì nên chọn sản phẩm có tinh dầu gừng để làm ấm họng, giảm nôn trớ cho bé.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên nhỏ 5 - 10 giọt nước muối sinh lý 0,9% vào mũi cho trẻ (dùng trước khi đi ngủ hoặc vào nửa đêm khi trẻ bị ho). Nước muối sinh lý nhỏ mũi (không cần kê đơn) được xem là an toàn cho trẻ nhỏ, dễ dàng mua tại các hiệu thuốc. Sử dụng ống nước muối sinh lý dạng bơm, tép nhỏ mũi sẽ giúp làm lỏng dịch nhầy, loại bỏ dịch nhầy, thông và sạch đường thở, giúp bé giảm ho và ngủ ngon giấc hơn.

Lưu ý: Mật ong không an toàn cho trẻ dưới 1 tuổi (có nguy cơ gây ngộ độc). Do đó, các bậc phụ huynh chỉ nên sử dụng mật ong cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, dùng với lượng nhỏ.

2.2 Không nên cho trẻ ăn sát giờ đi ngủ

Tình trạng trẻ ho về đêm hay xảy ra ở những bé ăn uống sát giờ đi ngủ. Bởi thức ăn kịp tiêu hóa khi kết hợp với dịch vị tiết ra nhiều hơn trong lúc ngủ gây ứ, trướng dạ dày. Sau một thời gian dài ăn uống vào ban đêm liên tục, các cơ ở đầu trên của dạ dày bị suy yếu, không khép kín, tạo điều kiện để các chất dịch ứ trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản, rỉ vào họng, tràn vào thanh quản gây ho sặc, nôn trớ.

2.3 Cho trẻ uống đủ nước

Cung cấp đủ nước cho cơ thể rất quan trọng khi bé bị ốm. Nước giúp giữ cho đường thở luôn ẩm, không bị khô, kích ứng. Nếu trẻ không uống sữa hoặc không ăn nhiều thực phẩm có nước thì cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước hơn bình thường. Ngoài việc bổ sung nước, cha mẹ cũng có thể cho bé ăn các món súp lỏng, uống nước trái cây để tăng lượng nước đưa vào cơ thể.

trẻ ho về đêm
Cho bé ăn cháo loãng, các món dễ tiêu để chăm sóc trẻ ho về đêm

2.4 Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng

Tăng độ ẩm không khí bằng máy tạo ẩm sẽ giúp đường thở của bé không bị khô, đồng thời làm lỏng dịch nhầy trong mũi họng của trẻ, từ đó làm dịu cơn ho và giảm nghẹt mũi. Cha mẹ lưu ý là chọn máy làm ẩm không khí an toàn, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Có thể đặt máy trong phòng ngủ của trẻ suốt đêm hoặc đặt ở phòng chơi của bé vào ban ngày.

2.5 Lưu ý khác khi chăm sóc trẻ

Để chăm sóc trẻ ho về đêm, cha mẹ nên lưu ý:

  • Cho bé ăn cháo loãng, các món dễ tiêu, hạn chế những thức ăn kích thích gây ho nhiều như tôm, cua, ghẹ,...;
  • Giữ bé tránh xa những môi trường ô nhiễm khói thuốc, bụi đường, phấn hoa, lông thú vật,...;
  • Khi trẻ ngủ, nên kê cao gối của bé, giữ đầu và vai cao hơn thân mình để ngăn ngừa đờm nhớt, nước mũi chảy xuống họng;
  • Vệ sinh phòng ngủ thường xuyên, nên định kỳ thay chăn, ga, gối, đệm cho bé. Đây là lưu ý rất quan trọng với những trẻ bị viêm xoang, hen suyễn hoặc cơ địa dễ dị ứng;
  • Massage nhẹ nhàng cho trẻ để bé thư giãn, giảm ho, dễ đi vào giấc ngủ hơn;
  • Giữ ấm cơ thể bé khi con ngủ, không để hở bụng, hở cổ, gan bàn chân...tránh bé bị nhiễm lạnh gây ho nhiều. Có thể xoa dầu tràm vào gan bàn chân của bé hoặc đi tất cho bé để giữ ấm cơ thể.

Dấu hiệu trẻ ho về đêm có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh hen suyễn hoặc nhiều bệnh khác (tùy tần suất, thời gian ho, đặc điểm cơn ho). Vì vậy, với những bé bị ho đêm trên 7 ngày, đi kèm các triệu chứng như sổ mũi, ho sâu, đau bụng, khó thở, ho có đờm đặc, sốt cao, ho ra máu, co giật, trẻ bỏ ăn, khó nuốt,... cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị chính xác. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng các loại kháng sinh cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nhìn chung, trẻ ho về đêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu trẻ ho nhiều kèm theo các triệu chứng khác, cha mẹ ghi lại triệu chứng, tần suất các cơn ho rồi đưa bé đi thăm khám, điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

285.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan