Vì sao trẻ bị nghẹt mũi kéo dài?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Mai Phương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nghẹt mũi kéo dài ở trẻ nhỏ, vì thế các bậc cha mẹ cần có phương pháp theo dõi và chăm sóc trẻ, tránh để những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Trẻ bị nghẹt mũi kéo dài là do đâu?

Nghẹt mũi là tình trạng một hoặc cả hai lỗ mũi bị bít tắc do dịch nhầy hoặc có hiện tượng viêm nhiễm khiến trẻ bị khó thở, nhiều lúc phải thở bằng miệng. Nếu trẻ không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn và có thể dẫn đến biến dạng trên gương mặt.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nghẹt mũi kéo dài, đầu tiên có thể là do tình trạng viêm cấp tính tại mũi do nhiễm vi rút (như bệnh cảm cúm). Trong trường hợp này, ngoài nghẹt mũi, trẻ còn có biểu hiện hắt hơi, đau họng và ho.

Nguyên nhân thường gặp thứ hai là viêm mũi dị ứng. Trong đó, trẻ còn có các biểu hiện như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mắt. Đặc điểm đặc trưng để nhận dạng viêm mũi dị ứng là trẻ có hắt hơi liên tục và thường là nghẹt cả hai bên mũi. Bệnh xảy ra nhiều nhất trong mùa hoa nở hoặc biểu hiện dai dẳng quanh năm do nấm mốc, bọ nhà, dán, lông thú cưng, bụi, v.v.

Ngoài ra, trẻ có thể gặp tình trạng viêm khác như viêm mũi vận mạch, viêm mũi vị giác, viêm mũi nhiễm khuẩn.

Bé thường xuyên bị nghẹt mũi, phải làm sao?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nghẹt mũi ở trẻ

2. Nghẹt mũi kéo dài không được điều trị sẽ gây ra hậu quả gì?

Nghẹt mũi kéo dài không được điều trị sẽ có nguy cơ trở thành mãn tính và gây ra các biến chứng đường hô hấp. Mức độ nghiêm trọng của biến chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu trẻ bị ngạt mũi do nhiễm vi rút, biến chứng hay gặp có thể xảy ra là nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm xoang.

Nếu trẻ bị ngạt mũi do viêm nhiễm, trẻ có thể bị giảm khả năng nghe do viêm phù nề, đọng mủ làm tắc nghẽn đường lưu thông giữa mũi và tai. Viêm mũi kéo dài còn có thể gây viêm nhiễm ở mắt như viêm túi lệ, viêm màng tiếp hợp, viêm mí mắt. Nếu trẻ bị nghẹt mũi kéo dài, nguy cơ biến dạng khuôn mặt cũng có thể xảy ra, biểu hiện là hẹp hàm ếch, răng vẩu, cằm nhô ra, lồng ngực xẹp, v.v.

Ngoài ra, nghẹt mũi còn ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ như trẻ trở nên chậm chạp, kém linh hoạt, hay nhức đầu, khó tập trung, v.v. Nếu trẻ có biểu hiện nghẹt mũi lâu ngày và/hoặc kèm theo các triệu chứng dịch mũi có màu vàng, xanh, đau đầu, đau tai, sốt cao, ho nhiều, tức ngực thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bệnh ngay.

3. Phải làm sao khi trẻ bị nghẹt mũi kéo dài?

Nghẹt mũi kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, triệu chứng nghẹt mũi có thể biến mất nếu trẻ được điều trị đúng cách. Theo đó, các bậc cha mẹ có thể chăm sóc trẻ bị nghẹt mũi bằng các cách sau đây:

  • Xông hơi hoặc tắm cho trẻ bằng nước nóng sẽ giúp phần nào giảm triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ. Bởi khi hơi nước bay vào mũi sẽ làm loãng dịch nhầy. Biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, chỉ giảm nghẹt mũi trong thời gian ngắn.
  • Xịt nước muối cũng là một biến pháp giúp giảm viêm mũi và nghẹt thở. Phụ huynh có thể mua nước muối xịt mũi tại nhà thuốc hoặc pha chế tại nhà với nước ấm và muối sạch. Biện pháp này cũng giúp xả sạch dịch nhầy khỏi mũi xoang, làm đường mũi thông thoáng dễ thở. Để đảm bảo hiệu quả tốt, dung dịch xịt rửa phải vô khuẩn, ấm.
  • Chườm nóng với khăn ẩm là biện pháp tiếp theo mà các bậc phụ huynh nên dùng. Chườm nóng ở mức độ vừa phải tránh làm bỏng da trẻ. Chườm nóng như vậy có thể làm cảm giác tắc nghẽn và nặng ở mũi, mặt.
  • Hít tinh dầu cũng có thể làm giảm triệu chứng viêm mũi và dễ thở hơn. Thực hiện đơn giản bằng cách nhỏ vài giọt tinh dầu vào bát nước sôi và hít hơi nước.
  • Nếu nghẹt mũi do dị ứng thì có thể cho trẻ dùng thuốc dị ứng theo đơn của bác sĩ. Phụ huynh nên chú ý liều lượng và phân biệt tác dụng phụ bình thường và tác dụng phụ nghiêm trọng để kịp thời báo với bác sĩ.
  • Thuốc chống sung huyết cũng được sử dụng ở trẻ, có tác dụng gây co mạch, giảm sung huyết trong niêm mạc mũi và giảm nghẹt mũi. Có một số loại thuốc xịt mũi có thể sử dụng không cần kê đơn. Tuy nhiên, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán bệnh chính xác và dặn dò sử dụng thuốc đúng cách.
Khám nhi, khám trước tiêm phòng vacxin
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn chăm sóc bé

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên cho trẻ uống đủ nước, bởi khi cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ làm giảm độ đặc chất nhầy ở mũi, đẩy chất nhầy khỏi mũi, giảm áp lực trong xoang, giảm viêm.

Trẻ bị nghẹt mũi kéo dài có thể để lại nhiều biến chứng nếu như không được thăm khám và điều trị sớm. Nếu các phương pháp chăm sóc trẻ bị nghẹt mũi tại nhà không thuyên giảm thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để bệnh có những diễn biến nguy hiểm xảy ra.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

124.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan