Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Dị ứng là một tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch. Rất nhiều người nhầm lẫn giữa dị ứng và cảm lạnh vì có những triệu chứng khá tương đồng.
1. Dị ứng ở trẻ em là gì?
Dị ứng là phản ứng của hệ thống miễn dịch với các tác nhân “lạ” khi tiếp xúc với cơ thể. Phản ứng dị ứng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau, gây nên các tình trạng như:
- Sốc phản vệ
- Mề đay, phù mạch
- Hen suyễn
- Viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng
- Viêm da tiếp xúc dị ứng
- Dị ứng thực phẩm
- Dị ứng với nọc độc côn trùng
- Dị ứng thuốc.
2. Nguyên nhân gây ra dị ứng
Trẻ em bị dị ứng khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Các chất có thể xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như hô hấp, ăn uống, tiêm, chích (bị côn trùng đốt/chích hoặc do tiêm thuốc) hoặc tiếp xúc qua da. Một số các chất gây dị ứng thường gặp:
- Phấn hoa từ cây cối, các loại cây cỏ, cỏ dại.
- Nấm mốc trong nhà và ngoài trời.
- Bụi nhà hoặc mạt bọ nhà (không nhìn thấy bằng mắt thường) trong chăn ga gối đệm, thảm và các vật dụng bằng vải khác.
- Lông hoặc da chết của các loại thú như mèo, chó, ngựa và thỏ.
- Một số loại thuốc và thức ăn.
- Nọc độc từ vết chích/đốt côn trùng.
Dị ứng thường có tính di truyền. Nếu cha/mẹ có dị ứng, con họ sẽ có nhiều khả năng cũng bị dị ứng. Nguy cơ này càng tăng khi cả cha và mẹ đều bị dị ứng.
3. Làm sao để phân biệt các triệu chứng của dị ứng với triệu chứng của cảm lạnh?
3.1 Triệu chứng của dị ứng có tác động đến mũi
- Các triệu chứng tại mũi do dị ứng khá giống với cảm lạnh: chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, tuy nhiên trong viêm mũi dị ứng hay gặp ngứa mũi nhiều có thể kèm theo mất vị giác.
- Các triệu chứng viêm mũi dị ứng thường tái diễn nhiều lần, tương tự nhau mỗi khi tiếp xúc mới các dị nguyên như: bụi nhà, lông chó mèo, nơi ẩm mốc,...
- Triệu chứng của viêm mũi do dị ứng thường kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, theo mùa (liên quan đến mùa phấn hoa) hoặc quanh năm (liên quan đến các dị nguyên như bọ nhà, nấm mốc)
- Và các triệu chứng toàn thân của viêm mũi dị ứng như: mệt mỏi, thiếu ngủ, giảm tập trung thường kéo dài khi bệnh không được điều trị ổn định.
3.2 Các triệu chứng cảm lạnh
- Nghẹt mũi.
- Nước mũi trong hoặc có màu và đặc, thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày, kèm theo sốt hoặc không, thường xảy ra vào một số thời điểm trong năm, chẳng hạn như mùa cảm cúm.
- Thỉnh thoảng hắt hơi
- Triệu chứng khác của cảm lạnh: buồn nôn, mệt mỏi, phờ phạc và biếng ăn.
4. Phòng ngừa dị ứng cho trẻ bằng cách nào?
Cách tốt là xác định và tránh các thứ mà bé bị dị ứng. Nếu con bạn có chứng dị ứng, hãy thử các cách thức sau:
- Đóng kín cửa sổ trong mùa phấn hoa, đặc biệt là trong các ngày gió, khô – đó là thời điểm có nhiều phấn hoa nhất.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ và khô ráo để giảm mốc meo và mối mọt.
- Tránh nuôi thú nuôi và trồng cây trong nhà.
- Tránh những thứ mà bạn biết sẽ gây ra các phản ứng dị ứng cho bé.
- Không để ai hút thuốc gần con bạn, đặc biệt là trong nhà và trong xe.
- Đưa trẻ đi khám tại bác sĩ chuyên khoa để tìm tác nhân gây ra dị ứng cho trẻ, có kế hoạch điều trị và phòng tránh nguyên nhân gây dị ứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.