Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh và Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Trào ngược axit dạ dày là hiện tượng axit trong dạ dày chảy ngược lên cổ họng. Đây không chỉ là bệnh ở người trưởng thành mà trẻ em cũng thường xuyên mắc phải.
1. Các triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em thường gặp là gì?
- Trẻ em bị trào ngược dạ dày thường hay ói, ọc sữa, có trường hợp sữa ọc qua mũi hoặc miệng.
- Trẻ biếng ăn, hay quấy khóc vô cớ, quấy đêm nhiều.
- Trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng.
- Ở trẻ lớn, trẻ sẽ hay ợ nóng và còn có cảm giác đau xương ức.
- Trào ngược dạ dày ở trẻ khiến trẻ thường xuyên ho, khò khè, bị viêm phổi nhiều lần, có khi trẻ bị khó thở, tím tái, nguy hiểm nhất là ngừng thở, nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Cách xử lý trào ngược dạ dày ở trẻ em
Xử lý trào ngược dạ dày ở trẻ em là tùy thuộc vào tuổi của trẻ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
- Với trẻ lớn, hãy cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ để giúp dạ dày thích nghi dần với lượng thức ăn của mỗi bữa.
- Với trẻ nhỏ còn bú bình, hãy luôn giữ núm vú đầy sữa khi cho trẻ bú để tránh nuốt không khí vào. Cha mẹ nên lưu ý khi lựa chọn núm vú bình sữa cho trẻ, tránh những núm vú có lỗ to để sữa chảy nhanh, dễ khiến trẻ bị sặc.
- Thêm một lượng nhỏ ngũ cốc vào sữa mẹ hoặc sữa công thức có thể giúp tăng độ đặc của sữa, góp phần ngăn chặn dịch axit trong dạ dày chảy ngược lên thực quản.
Bên cạnh đó, tư thế cho bú cũng rất quan trọng giúp hẹn chế tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ. Khi cho trẻ bú, nên để đầu trẻ cao hơn khoảng 30 độ so với mặt phẳng nằm. Với tư thế này, thực quản sẽ cao hơn dạ dày nên khi bú, ăn cũng như khi ngủ, sữa, thức ăn sẽ bị hạn chế trào ngược lên thực quản.
- Sau khi trẻ bú xong nên bế bé lên theo thế thẳng đứng để sữa đi xuống dạ dày nhanh. Lúc này, cha mẹ cũng đồng thời vỗ nhẹ lưng trẻ từ trên xuống để giúp trẻ ợ hơi. Sau khi trẻ ợ hơi được, từ từ đặt trẻ nằm xuống với tư thế đầu cao hơn mặt phẳng giường khoảng 30 độ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hạn chế và tránh các yếu tố làm tăng áp lực lên ổ bụng của trẻ như: trẻ bị ho, bón, hoặc mặc quần áo, mang tã lót cho trẻ quá chặt. Tránh để trẻ trong môi trường nhiều khói thuốc lá, khói bếp.
- Cha mẹ thường xuyên massage cho trẻ để cải thiện chức năng hô hấp và tiêu hóa, giúp làm giảm trào ngược axit dạ dày. Massage vùng bụng của trẻ bằng dầu oliu hoặc dầu dừa (ấm) theo chiều kim đồng hồ sẽ giúp kích thích dây thần kinh phế vị trong não, một trong những dây thần kinh liên quan đến hệ tiêu hóa và hô hấp. Ngoài ra, massage cũng khiến cơ thể trẻ hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu ý không massage cho trẻ ngay sau khi ăn.
- Bên cạnh massage, giúp trẻ vận động thông qua một số động tác tập thể dục như co duỗi chân sẽ giúp làm giảm các vấn đề về hệ tiêu hóa của trẻ như trướng bụng, đầy hơi. Thực hiện động tác bằng cách đặt trẻ nằm ngửa, giữ chân trẻ ở tư thế gập, nhẹ nhàng di chuyển hai chân trẻ giống như đang đạp xe. Cha mẹ lưu ý, không nên cho bé ăn ngay sau khi tập.
Trong trường hợp sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp nêu trên nhưng không làm giảm trào ngược dạ dày ở trẻ thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám, tư vấn và điều trị.
Cha mẹ khi đưa trẻ đến thăm khám tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ cần cung cấp cho bác sĩ về triệu chứng của trẻ, đồng thời tiến hành thăm khám lâm sàng. Nếu trẻ khỏe mạnh, tăng trưởng đều đặn và đạt tiêu chuẩn, thì những khám xét sâu hơn thường sẽ không cần thiết.
Trong trường hợp cần khám xét sâu hơn, bác sĩ có thể chỉ định những kĩ thuật và xét nghiệm sau:
- Siêu âm: phương pháp này giúp phát hiện tình trạng hẹp môn vị ở trẻ.
- Xét nghiệm máu, nước tiểu: xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp định hướng hoặc nhận diện các nguyên nhân gây ra tình trạng nôn tái diễn và chậm tăng cân.
- Đo pH thực quản: để đo mức độ acid ở thực quản trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ vào thực quản trẻ qua đường miệng hoặc mũi. Ống này được nối với thiết bị đo nồng độ acid. Trẻ có thể cần phải nhập viện để chuẩn bị cho việc thực hiện kĩ thuật này.
- Chụp Xquang: những hình ảnh thu được sau khi chụp Xquang có thể giúp phát hiện các bất thường trong ống tiêu hóa, chẳng hạn như tắc nghẽn ống tiêu hóa. Trước khi chụp Xquang trẻ có thể cần uống thuốc cản quang (barium).
- Nội soi đường tiêu hóa trên: một ống nội soi mềm (trang bị camera và nguồn sáng) sẽ đưa từ miệng xuống thực quản, dạ dày và phần đầu tiểu tràng của trẻ. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ có thể lấy các mẫu mô để làm xét nghiệm. Đối với trẻ nhỏ, quá trình nội soi đường tiêu hóa trên thường được tiến hành sau khi đã gây mê.
3. Chữa trào ngược dạ dày thực quản bằng một số thực phẩm và thảo dược thiên nhiên
Ngoài những cách xử trí nêu trên, có một số thực phẩm và thảo dược thiên nhiên cũng có tác dụng hỗ trợ chữa trào ngược dạ dày.
3.1 Bạc hà cay
Từ lâu bạc hà được biết đến là một loại thảo dược có tác dụng làm mát hệ tiêu hóa và giúp làm giảm các triệu chứng trào ngược axit dạ dày, giảm viêm và hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Cha mẹ có thể trộn một vài giọt dầu bạc hà với một muỗng dầu oliu để massage vùng bụng của trẻ (có thể thực hiện 2 lần/ngày). Ngoài ra, các bà mẹ đang cho con bú cũng có thể uống trà bạc hà 2-3 lần/ngày.
3.2 Dầu dừa
Dầu dừa cũng có tác dụng giúp giảm viêm do trào ngược axit dạ dày. Thành phần axit lauric có trong dầu dừa giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ tốt hơn, giống như tác dụng của sữa mẹ. Cho trẻ dùng dầu dừa bằng cách thêm khoảng nửa muỗng dầu dừa nguyên chất vào nước ấm hoặc ngũ cốc cho trẻ.
Ngoài ra, cũng có thể trộn dầu dừa và dầu gừng để massage nhẹ nhàng vùng bụng của trẻ.
3.3 Giấm táo
Giấm táo là một trong những bài thuốc giúp chữa trào ngược dạ dày ở trẻ em. Pha một ít giấm táo tươi với cốc nước ấm và cho bé uống đều đặn sẽ làm tăng khả năng miễn dịch của trẻ. Bên cạnh đó, cũng có thể cho thêm mật ong hữu cơ vào giấm táo và nước ấm, tuy nhiên mật ong được khuyến cáo là không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
3.4 Hoa cúc
Ngoài tác dụng giảm đau bụng, tính an thần có trong hoa cúc còn giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Pha một cốc nước nóng với nửa muỗng hoa cúc khô, để nguội, sau đó cho trẻ uống hàng ngày sẽ giúp giảm triệu chứng trào ngược axit dạ dày.
Khi cha mẹ thấy trẻ có hiện tượng trào ngược axit dạ dày, cha mẹ hãy nên theo dõi kỹ để phân biệt đó là trào ngược sinh lý hay bệnh lý, đồng thời tìm cách chữa trị phù hợp.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong