Vì sao tiểu đường type 1 dễ gặp ở trẻ em?

Tiểu đường được phát hiện ngày càng nhiều ở trẻ em, trong đó tiểu đường type 1 thường gặp hơn cả. Tiểu đường type 1 nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ.

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường là tên gọi khác của bệnh lý đái tháo đường - một tình trạng gia tăng đường máu trong cơ thể. Tiểu đường được chia làm hai loại chính là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2.

Tiểu đường type 1 là tình trạng đường máu tăng lên do tuyến tụy không đảm bảo sản xuất đủ Insulin cho cơ thể, trong khi Insulin là hormon có tác dụng điều hòa đường huyết. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 1 cần được điều trị duy trì với Insulin, đó chính là lý do mà tiểu đường type 1 còn được gọi là bệnh đái tháo đường phụ thuộc Insulin. Đây là loại tiểu đường thường gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tiểu đường type 2 xuất hiện do sự kháng Insulin của cơ thể. Tuyến tụy vẫn sản xuất Insulin, nhưng các tế bào trong cơ thể kháng tác dụng Insulin, dẫn đến Insulin hoạt động không hiệu quả. Lâu dần tuyến tụy bị suy kiệt và cũng rơi vào tình trạng thiếu Insulin.

Ngoài hai loại tiểu đường phổ biến trên, còn có một số loại tiểu đường khác như: tiểu đường sơ sinh (gặp ở trẻ < 1 tuổi), tiểu đường MODY (khởi phát ở người trẻ tuổi), hay tình trạng tiểu đường thứ phát sau các bệnh lý tổn thương tuyến tụy.

2. Vì sao tiểu đường type 1 dễ gặp ở trẻ em?

Trẻ bị tiểu đường được phát hiện nhiều nhất ở độ tuổi 5-7 tuổi, với số lượng trẻ trai mắc bệnh tương đương trẻ gái, và đa số trẻ mắc bệnh tiểu đường type 1.

Nguyên nhân tiểu đường type 1 rất phức tạp và vẫn còn nhiều tranh cãi. Có thể giải thích tình trạng tiểu đường type 1 ở trẻ là do sự thiếu hụt hoặc tắc Insulin dẫn đến đường máu không được kiểm soát. Tiểu đường type 1 xảy ra ở trẻ em có thể là sự một kết hợp giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường.

Các gen có khuynh hướng xuất hiện tiểu đường nếu được kích hoạt bởi yếu tố môi trường có thể khiến cho các tế bào beta của tụy bị tấn công, làm giảm sản xuất Insulin và dẫn đến bệnh tiểu đường. Thời gian tế bào beta của tụy bị phá hủy dao động khoảng từ vài tuần đến vài năm, bệnh nhân thường xuất hiện triệu chứng tiểu đường khi hơn 90% tế bào beta bị phá hủy.

Tiểu đường type 1 cũng được nhận thấy có liên quan với các yếu tố môi trường như thuốc lá, hóa chất, hay phơi nhiễm các loại virus: cúm, quai bị, rubella, coxsackie B4, cytomegalovirus (CMV),...

Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đã được đề cập trong cơ chế sinh bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ. Một số trẻ mắc tiểu đường type 1 ghi nhận có bố, mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tương tự, tuy nhiên không phải bố mẹ nào mắc tiểu đường type 1 đều sinh ra con mắc bệnh.

Bên cạnh tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 cũng có xu hướng tăng lên ở trẻ thanh thiếu niên, tuy nhiên đây không phải là loại tiểu đường phổ biến nhất ở trẻ. Nguyên nhân tiểu đường type 2 thường liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống. Thừa cân, béo phì và ít vận động là lý do thường gặp dẫn đến tiểu đường type 2 ở trẻ.

3. Triệu chứng bệnh tiểu đường ở trẻ em

Triệu chứng đặc trưng của bệnh tiểu đường là “ăn nhiều, uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều”. Tuy nhiên, không phải trẻ bị tiểu đường type 1 nào cũng biểu hiện đầy đủ các triệu chứng đó. Trẻ có thể khởi phát với những dấu hiệu mơ hồ, không rõ ràng, khiến phụ huynh chủ quan hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Một số triệu chứng có thể gặp trong bệnh tiểu đường ở trẻ em là:

  • Hay khát nước, khiến trẻ uống nhiều nước
  • Tiểu nhiều
  • Hay đói, khiến trẻ ăn nhiều
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Thay đổi cảm xúc
  • Dễ bị kích thích, hành vi bộc phát
  • Sụt cân
  • Dấu hiệu mất nước
  • Đau đầu hoặc nhìn mờ
  • Đau bụng, nôn mửa
  • Rối loạn tri giác
  • Biểu hiện suy giảm đề kháng của cơ thể: nhọt da, nhiễm trùng miệng, nhiễm nấm âm đạo ở trẻ gái chưa dậy thì,...
  • Biểu hiện thần kinh: tê rần ở chân, mất cảm giác,...

Đôi khi bệnh tiểu đường ở trẻ em có thể tình cờ được phát hiện qua các lần nằm viện của trẻ do các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiêu hóa,...

4. Chỉ số tiểu đường ở trẻ em

Chỉ số tiểu đường được sử dụng rộng rãi nhất ở các cơ sở y tế là Glucose máu. Trẻ được chẩn đoán tiểu đường khi có nồng độ Glucose tĩnh mạch lúc đói từ 7 mmol/l trở lên, hoặc nồng độ Glucose tĩnh mạch được lấy ở thời điểm bất kỳ từ 11,1 mmol/l trở lên. Ngoài ra, một số chỉ số khác giúp theo dõi đường huyết có thể kể đến như: HbA1C,... hay một số nghiệm pháp như nghiệm pháp dung nạp glucose máu đói,...

Sự hiện diện của Glucose trong nước tiểu cũng có thể là biểu hiện của bệnh tiểu đường ở trẻ em. Nước tiểu của người bình thường không có Glucose hoặc chỉ ở dạng vết trong một số trường hợp nhất định. Trẻ bị tiểu đường giai đoạn đầu chỉ ghi nhận sự gia tăng của Glucose máu, nếu đường máu không được kiểm soát thì lâu dần sẽ xuất hiện thêm Glucose niệu.

Như vậy, có thể thấy rằng việc chẩn đoán tiểu đường ở trẻ không quá khó, nhưng điều quan trọng là việc nhận biết các dấu hiệu bất thường để làm xét nghiệm sàng lọc bệnh.

5. Biến chứng bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em

Bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát đường máu tốt có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ cũng như khi trưởng thành.

Biến chứng cấp tính có thể gặp ở trẻ bị tiểu đường type 1 là nhiễm toan ceton. Trẻ bị nhiễm toan ceton do tiểu đường thường có biểu hiện mất nước, mệt mỏi, rối loạn nhịp thở,... và có thể dẫn tới hôn mê nhiễm toan ceton - một tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Về lâu dài, tiểu đường type 1 nếu không kiểm soát được đường máu thì có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Các biến chứng có thể gặp là:

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường: tổn thương mạch máu võng mạc, giảm thị lực, có thể dẫn đến mù lòa.
  • Bệnh thận đái tháo đường: suy thận, có thể tiến triển đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại vi: tê rần, đau nhức ngón chân, ngón tay hoặc rối loạn cảm giác.
  • Bệnh lý Bàn chân đái tháo đường: bàn chân chai, loét, nhiễm nấm,...
  • Bệnh lý tim mạch: tiểu đường type 1 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, đột quỵ, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.

6. Kiểm soát đường máu ở trẻ mắc bệnh tiểu đường type 1

Bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em dường như không thể ngăn ngừa được. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm ở các đối tượng nguy cơ hoặc có dấu hiệu khởi phát của bệnh để có kế hoạch điều trị và kiểm soát đường huyết ổn định, hạn chế biến chứng.

  • Tiểu đường type 1 là thể bệnh tiểu đường phụ thuộc Insulin, do đó trẻ cần tuân thủ việc điều trị Insulin với liều lượng và thời gian theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.
  • Xét nghiệm nhanh Glucose mao mạch có thể thực hiện tại nhà với sự hỗ trợ của phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ, nhằm theo dõi đường huyết và giúp cho việc chỉnh liều Insulin được chính xác.
  • Trẻ cũng cần được tái khám và làm các xét nghiệm định kỳ tại bệnh viện, phòng khám chuyên khoa để đánh giá việc kiểm soát đường huyết đã tốt chưa, tầm soát các biến chứng (nếu có), từ đó có kế hoạch điều trị tiếp theo.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Cần thực hiện chế độ ăn hạn chế tinh bột, đường, nước ngọt, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ. Tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và kiểm soát cân nặng.
  • Phát hiện sớm các dấu hiệu của biến chứng để đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Tóm lại, bệnh tiểu đường type 1 ảnh hưởng đến học tập, vui chơi và sinh hoạt hàng ngày của trẻ, bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Kiểm soát tốt đường huyết đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của trẻ và cả gia đình, có như vậy mới giúp trẻ sống chung với tiểu đường mà vẫn đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

236 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan