Trẻ sơ sinh tăng bao nhiêu kg trong 1 tháng đầu tiên là đủ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ 1 tháng tuổi là một trong những giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Đây là lúc bé tập làm quen với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ và có những đặc điểm tăng trưởng về thể chất riêng biệt. Vậy trẻ 1 tháng tuổi tăng bao nhiêu cân là đủ?

1. Đặc điểm nổi bật của trẻ 1 tháng tuổi

Khoảng thời gian 1 tháng sau khi chào đời rất quan trọng, giúp bé thích nghi với cuộc sống khác biệt hoàn toàn so với trong bụng mẹ, do đó việc chăm sóc trẻ cũng vất vả hơn rất nhiều cho cả mẹ và bé.

Về mặt sinh lý bình thường khi còn ở trong bụng mẹ, bào thai sẽ phát triển theo tư thế cuộn tròn, do đó trẻ 1 tháng tuổi sau khi chào đời hầu hết vẫn chưa thể duỗi thẳng cơ thể mà tay, chân, cổ vẫn còn hình dáng hơi cong cong. Tuy nhiên, các bà mẹ không nên quá lo lắng vì trẻ 1 tháng tuổi sẽ dẫn dẫn duỗi thẳng ra trong quá trình phát triển của cơ thể để trở về tư thế thẳng bình thường.

Trẻ 1 tháng tuổi theo bản năng sẽ bắt đầu biết bám và tìm đường đến nguồn dinh dưỡng cho mình, đó chính là bầu vú mẹ để mút sữa. Một số động tác khác dần hình thành như khả năng cầm nắm, bé có thể nắm lấy bất cứ thứ gì đặt trong lòng bàn tay mình như ngón tay của mẹ chẳng hạn. Bên cạnh đó trẻ 1 tháng tuổi cũng thường xuyên và rất thích xòe rộng bàn tay.

Một số biểu hiện có vẻ bất thường nhưng thật sự là sinh lý của trẻ như trẻ sơ sinh thường có nhiều biểu hiện giật mình, duỗi thẳng tay chân và sau đó nhanh chóng co tròn lại.

Giấc ngủ của trẻ 1 tháng tuổi rất quan trọng, đa số thời gian trong ngày của các bé là dành để ngủ. Khi ngủ chính là lúc cơ thể bé tăng trưởng về chiều cao, cân nặng cũng như não bộ. Mỗi ngày bé ngủ khoảng 15 đến 16 tiếng, chỉ khi bé đói mới thức giấc hoặc khó chịu trong người bé sẽ quấy khóc và không chịu ngủ.

Ngoài ra các giác quan như vị giác, thính giác, khứu giác, thị giác của trẻ 1 tháng tuổi đều phát triển rõ rệt so với lúc trước còn trong bụng mẹ: bé thích mở mắt nhìn những gì đang diễn ra, thích nghe tiếng mẹ và mọi người nói, mũi có thể ngửi được mùi sữa mẹ và phân biệt được cay, đắng, chua...

2. Tiêu chuẩn tăng cân ở trẻ sơ sinh

Nhiều bà mẹ thắc mắc trẻ 1 tháng tuổi tăng bao nhiêu cân là đủ? Các mẹ nên quan sát và theo dõi cân nặng và so sánh với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO để biết con mình tăng cân đạt tiêu chuẩn không.

Hiện tượng sụt cân sinh lý thường xảy ra trong trong tuần đầu tiên khi vừa chào đời. Sau đó khi bước sang tuần 2 - 3, cân nặng của trẻ 1 tháng tuổi sẽ lại tăng đều và có sự phát triển một cách bứt phá so với lúc mới sinh.

Do đó, khi bé xuất hiện hiện tượng giảm cân đột ngột, hoặc tăng cân chậm hơn so với bạn bè đồng lứa, mẹ cũng không cần quá lo lắng vì nó không đi ngược lại tiêu chuẩn tăng cân của trẻ sơ sinh.

Cân nặng trẻ 3 tháng tuổi
Sụt cân ở tuần đầu chào đời là hiện tượng sinh lý vô cùng tự nhiên ở trẻ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu chuẩn tăng cân ở trẻ sơ sinh được xem là bình thường thông qua các tiêu chí sau:

  • Cân nặng của trẻ sơ sinh thường giảm từ 5 -10% trong tuần đầu tiên và nhanh chóng tăng đều trở lại trong những tuần sau đó.
  • Bé sơ sinh có thể tăng từ 1 - 1.2kg/tháng trong 3 tháng đầu. Càng về sau, cân nặng của bé sẽ càng tăng chậm, khoảng 600gr mỗi tháng trong giai đoạn bé từ 4-6 tháng tuổi và khoảng 300 - 400gr trong giai đoạn sau đó.
  • Trong vòng 12 tháng, chiều dài của trẻ có thể tăng 1.5 lần và chu vi vòng đầu tăng 11cm.

Đây là tiêu chuẩn tăng cân ở trẻ sơ sinh nói chung. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có một nhịp độ phát triển khác nhau nên tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh cũng không thể giống nhau hoàn toàn được.

3. Một số cách giúp trẻ 1 tháng tuổi tăng cân

3.1 Cho bé bú đúng cách

Với trẻ 1 tháng tuổi, sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng duy nhất và quan trọng nhất cho sự phát triển của trẻ. Do đó, để trẻ đáp ứng nhu cầu trẻ 1 tháng tuổi tăng bao nhiêu cân thì mẹ cần cho bé bú đầy đủ, đúng cách để giúp bé bổ sung năng lượng cần thiết cho sự phát triển đầy đủ của cơ thể.

Các bé sơ sinh nên được cho bú mẹ mỗi 2-3 giờ/lần hoặc nhiều hơn tùy theo nhu cầu của bé. Khi ở giai đoạn lớn hơn, khoảng cách giữa các cữ bú có thể giãn cách hơn.

Trẻ bú mẹ
Cho trẻ bú mẹ đúng cách cũng giúp cải thiện cân nặng đáng kể

3.2 Tạo giấc ngủ cho bé

Khi bé ngủ chính là lúc cơ thể trẻ 1 tháng tuổi đang phát triển. Khi ngủ, cơ quan tuyến yên của cơ thể sẽ tiết hormone giúp bé phát triển cả về chiều cao cũng như cân nặng. Vì vậy, ở giai đoạn trẻ 1 tháng tuổi sẽ cần ngủ rất nhiều, trung bình 15-16 giờ và có thể lên tới 20 giờ mỗi ngày.

Cha mẹ nên chăm sóc giấc ngủ cho bé, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để bé có giấc ngủ ngon và đầy đủ. Khi ngủ không đủ giấc sẽ làm bé quấy khóc, khó chịu và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cân nặng của trẻ.

3.3 Chế độ ăn của mẹ

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt, vì vậy để có được nguồn sữa đầy đủ dưỡng chất thì bắt buộc chế độ ăn của bà mẹ phải đầy đủ các chất dinh dưỡng và di chuyển sang cơ thể bé qua sữa mẹ khi bé bú.

Trong chế độ ăn uống, các mẹ nên uống nhiều nước, ăn đủ rau xanh, thịt cá, trứng, sữa để tăng dinh dưỡng vào sữa mẹ, giúp bé sẽ có nhiều dưỡng chất và tăng cân nhanh hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

639K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan