Trẻ có thể suy giảm miễn dịch do thiếu kẽm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phạm Lan Hương - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thiếu kẽm ở nước ta còn khá cao từ 25-40%, tùy theo địa phương và nhóm tuổi. Một trong những hậu quả của thiếu kẽm ở trẻ em được đề cập nhiều nhất là sự suy giảm miễn dịch.

1. Trẻ suy giảm miễn dịch do thiếu kẽm

Kẽm là một vi chất dinh dưỡng cần thiết có mặt trong nhiều loại tế bào của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong các chức năng phát triển, sinh sản... của tế bào.

Kẽm tham gia duy trì sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của cơ thể, do là thành phần cấu tạo của hơn 300 enzyme khác nhau trong các phản ứng sinh học quan trọng như enzym tiêu hóa, tổng hợp protein và các hormone tăng trưởng, hormone sinh dục.

Kẽm rất cần thiết cho sự tăng trưởng thể chất; một số chức năng của hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết, não, cơ, xương, sự trưởng thành giới tính. Thiếu kẽm thường kèm theo thiếu chất dinh dưỡng khác do làm suy giảm khả năng tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa, từ đó gây ra nhiều rối loạn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bên cạnh đó kẽm giúp duy trì, bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Vì vậy tình trạng thiếu kẽm sẽ gây biếng ăn do làm rối loạn vị giác, làm chậm quá trình phát triển và tăng trưởng bình thường ở trẻ.

Kẽm còn là chất xúc tác không thể thiếu của ARN-polimeraza, đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi ADN, tổng hợp protein, thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp và điều hòa chức năng của trục hormone dưới đồi như IGF-I, GH (Growth hormone), đây là những hormone tăng trưởng và kích thích tăng trưởng.

Hệ thần kinh trung ương cũng có chứa nhiều kẽm, chiếm khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong toàn bộ cơ thể. Các tế bào thần kinh (synap) sẽ hấp thụ kẽm một cách chủ động.

Hệ miễn dịch đặc biệt nhạy cảm với hàm lượng kẽm của cơ thể. Nghiên cứu khoa học cho thấy tình trạng thiếu kẽm gây suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch trong cơ thể, bao gồm cả tế bào lympho T, tế bào lympho B và đại thực bào.

2. Các nguyên nhân gây thiếu kẽm ở trẻ em

Kẽm có trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em ở các nước đang phát triển như Việt Nam đều được ăn rất ít những loại thực phẩm có chứa nhiều kẽm và có tỷ lệ kẽm được hấp thu cao như thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm, cua... Các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thường chứa ít kẽm trừ phần mầm của các loại hạt.

Lượng kẽm cơ thể có thể hấp thu hàng ngày là khoảng 5mg/ngày. Tỉ lệ hấp thu này phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như hàm lượng kẽm trong thức ăn, nguồn gốc thức ăn và sự có mặt của các chất ức chế hay các chất kích thích quá trình hấp thu kẽm.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu kẽm:

  • Chế độ ăn thiếu kẽm, người ăn chay trường, người có thói quen ăn kham khổ, người được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch kéo dài.
  • Tiêu hóa hấp thu kém như do tiêu chảy mạn tính, hội chứng ruột ngắn, viêm ruột, điều trị thiếu máu thiếu sắt kéo dài.
  • Bị mất kẽm do: Tiêu chảy cấp, bị bỏng, xuất huyết, ra nhiều mồ hôi, thiếu máu huyết tán, chấn thương, phẫu thuật, dùng thuốc lợi tiểu kéo dài, hội chứng thận hư, dẫn lưu hoặc rò rỉ dịch phần ruột trên và thẩm phân.

Nguy cơ thiếu kẽm dễ xảy ra lúc cơ thể gia tăng nhu cầu kẽm như: Khi mang thai, trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng nhưng thiếu cung cấp; trẻ sinh ra nhẹ cân, mẹ bị nghén nặng khi mang thai, thời kỳ cho con bú và dưỡng bệnh.

Hệ miễn dịch trẻ còn yếu
Nguyên nhân trẻ suy giảm miễn dịch do thiếu kẽm rất phổ biến hiện nay

3. Các biểu hiện thường gặp của tình trạng thiếu kẽm

  • Trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ bị thiếu kẽm sẽ có các biểu hiện như chán ăn, chậm tăng trưởng, cơ teo nhão, giảm tiêu thụ năng lượng. Thiếu kẽm sẽ gây ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác khiến cho trẻ không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Trẻ dễ bị run, kích thích, khàn giọng.

Thiếu kẽm gây ra các tình trạng viêm da quanh các lỗ tự nhiên, viêm da vùng mặt trước chi dưới, mụn bỏng ở da, mụn mủ, dày sừng; viêm lưỡi, viêm niêm mạc miệng; loạn dưỡng móng, viêm mé móng, tóc giòn dễ gãy, ngọn tóc nhọn, hói đầu... Nhiễm trùng dễ tái diễn do trẻ suy giảm miễn dịch do thiếu kẽm.

  • Trẻ lớn : Thiếu kẽm còn có thêm các triệu chứng khác như ăn bậy (thường là ăn đất), rối loạn vị giác và khứu giác, chậm tăng chiều cao, suy nhược, trẻ thay đổi tính tình, suy yếu hoạt động của não. Trẻ bị rối loạn về tâm - thần kinh với các biểu hiện như: Thờ ơ, vô cảm, mất điều hòa lời nói, tăng động.

Trẻ thiếu kẽm có biểu hiện sợ ánh sáng, mù đêm, viêm mí mắt và có thể chậm dậy thì, thiểu năng sinh dục. Thông qua các nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm các rối loạn do thiếu kẽm gây ra ở trẻ em như nôn ói, không ăn thịt cá, rối loạn giấc ngủ như trằn trọc, khó ngủ, hay khóc đêm...

4. Nên bổ sung kẽm sớm cho trẻ trong những trường hợp nào?

Bạn nên bổ sung kẽm cho trẻ khi có nguyên nhân do thiếu cung cấp và có các biểu hiện báo động sớm tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em như sau:

  • Rối loạn tiêu hóa: Trẻ chán ăn, giảm ăn, giảm bú kéo dài, nôn trớ kéo dài, hôi miệng, táo bón...
  • Suy giảm miễn dịch: Trẻ bị nhiễm trùng (hô hấp, tiêu hóa, da...) tái diễn nhiều lần.
  • Rối loạn thần kinh: Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, ngủ ít, trằn trọc khó ngủ, thức giấc, hay khóc đêm, thờ ơ lãnh đạm, suy giảm trí nhớ.
  • Trẻ sơ sinh nhẹ cân.
  • Trẻ chậm tăng trưởng thể chất, nhão cơ.

Nhu cầu kẽm hằng ngày ở trẻ sơ sinh cho đến một tuổi được khuyến nghị ở Mỹ là 5mg, trẻ từ 1 - 10 tuổi là 10mg, đối với nữ thanh niên và phụ nữ cần 12mg, với phụ nữ có thai là 15mg, phụ nữ cho con bú là 19mg trong sáu tháng đầu và 16mg trong sáu tháng tiếp theo, còn với nam thanh niên và đàn ông là 15mg.

Khi bị thiếu kẽm, cần sử dụng liều điều trị. Bạn nên kết hợp bổ sung kẽm với các chất dinh dưỡng có nguy cơ thiếu hụt đi kèm như sắt, magie, canxi, vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B và sử dụng chế độ ăn giàu kẽm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, nấm mèo, các loại đậu, rau củ.

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn bổ sung kẽm tốt và dễ hấp thu nhất đó chính là sữa mẹ. Nhưng lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, phụ nữ đang cho con bú cần duy trì lượng kẽm trong sữa cũng như bổ sung kẽm cho sự phát triển của trẻ trong tương lai bằng việc sử dụng nhiều các loại thực phẩm giàu kẽm như hàu, sò, tôm đồng, lươn, gan heo, sữa, thịt bò...

Đối với các trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên thì có thể bổ sung kẽm thông qua thức ăn. Để có thể trẻ hấp thụ kẽm tốt, bạn nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ các loại trái cây tươi giàu vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi...

Bổ sung kẽm cho trẻ bằng một số loại thực phẩm
Trẻ suy giảm miễn dịch do thiếu kẽm có thể bổ sung kẽm qua sữa mẹ hoặc thức ăn

Trẻ cần được bổ sung kẽm hàng ngày tuỳ theo độ tuổi để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Ngoài ra, thiếu kẽm có thể dẫn đến rối loạn thần kinh, dễ cáu gắt ở trẻ, ảnh hưởng kết quả học tập và sinh hoạt; nên cha mẹ cần tìm hiểu về vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan