Tinh hoàn bên to bên nhỏ ở trẻ sơ sinh

Tinh hoàn bên to bên nhỏ ở trẻ sơ sinh là hiện tượng khá thường gặp trong thời gian gần đây, gây nhiều hoang mang lo lắng cho các bố mẹ. Đây có thể là hiện tượng sinh lý bình thường, tuy nhiên cũng có thể tìm ẩn bệnh lý nguy hiểm. Các bậc phụ huynh cần chú ý sự phát triển của con mình để phát hiện sớm và đưa đến bác sĩ kịp thời.

1. Hiện tượng tinh hoàn bên to bên nhỏ ở trẻ sơ sinh là gì ?

Tinh hoàn bên to bên nhỏ hay tinh hoàn không đều hoặc tinh hoàn lệch là hiện tượng kích thước 2 bên tinh hoàn không bằng nhau, có thể bên cao bên thấp, thậm chí một số trường hợp tinh hoàn một bên chỉ chưa bằng một nửa bên còn lại.

Nếu trẻ sơ sinh tinh hoàn bên to bên nhỏ mà không kèm theo bất kỳ triệu chứng bất thường nào như bìu sưng tấy, ửng đỏ hoặc tím, trẻ quấy khóc, bỏ bú,... thì đây là hiện tượng bình thường. Nguyên nhân là do sự phát triển không đều của 2 bên tinh hoàn, hoặc trong khi một bên tinh hoàn đã xuống bìu, bên còn lại vẫn còn nằm trên đường đi từ ổ bụng. Điều cần làm là theo dõi sự phát triển của 2 bên tinh hoàn.

Nếu tinh hoàn bên to bên nhỏ do bệnh lý thì nguyên nhân thường là tinh hoàn phát triển ngoài bìu hay tinh hoàn lạc chỗ. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như ung thư tinh hoàn hay vô sinh nam.

2. Các bệnh lý thường gặp nếu trẻ sơ sinh có tinh hoàn bên to bên nhỏ

Tinh hoàn trẻ sơ sinh bên to bên nhỏ có thể liên quan đến một số bệnh lý sau:

2.1. Tinh hoàn ẩn

Đây là bệnh lý hay gặp và là mối lo hàng đầu đối với trẻ sơ sinh khi tinh hoàn bên to bên nhỏ. Tinh hoàn ẩn là hiện tượng tinh hoàn một hoặc hai bên không xuống bìu mà nằm trong ổ bụng. Như đã biết, nhiệt độ trong cơ thể là quá cao cho sự phát triển của tinh hoàn, nếu tinh hoàn nằm trong ổ bụng sẽ gây tổn thương chức năng sinh lý và sinh dục của bộ phận này. Để phát hiện sớm thì bố mẹ và người chăm sóc cần kiểm tra tinh hoàn 2 bên. Nếu phát hiện không thấy tinh hoàn ở một hoặc 2 bên cần đưa trẻ đi khám ngay.

2.2. Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn hay xảy ra ngay sau sinh ở trẻ đẻ non hoặc có thể sau vài tháng, vài năm sau sinh, nhất là sau một đợt trẻ ho, rặn nhiều. Đây là hiện tượng các tạng hay ruột trong ổ bụng xuống vùng bẹn của trẻ theo ống bẹn do ống bẹn chưa đóng. Bố mẹ có thể thấy một khối u mềm nằm trên nếp bẹn của trẻ và thay đổi kích thước: nhỏ khi trẻ nằm hoặc phình to hơn khi trẻ khóc, rặn. Đối với trường hợp này thì phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất. Phẫu thuật giúp đóng ống bẹn và đưa các tạng của trẻ về đúng vị trí giải phẫu.

2.3. Tràn dịch màng tinh hoàn

Đây là tình trạng dịch trong bụng sẽ tích tụ dần ở túi bìu do ống bẹn không đóng lại được. Bố mẹ sẽ quan sát thấy một bên tinh hoàn căng to hơn nhưng không đau. Tình trạng này có thể biến mất một cách tự nhiên khi dịch được hấp thu. Tuy nhiên, nếu tràn dịch màng tinh hoàn tồn tại sau 1 tuổi thì cần phẫu thuật hút sạch dịch cho trẻ, sau đó tiến hành thắt lỗ thông ống bẹn.

2.4. Nang thừng tinh

Bố mẹ có thể quan sát thấy có khối tròn hoặc bầu dục nằm ở vùng bìu. Khối này thường trơn láng, không đau và nằm cạnh dưới tinh hoàn nên bố mẹ thường nghĩ là tinh hoàn bên to bên nhỏ. Điều trị trong trường hợp này là phẫu thuật cắt bỏ nang thừng tinh khi trẻ lớn.

3. Biến chứng của tinh hoàn bên to bên nhỏ nếu không được điều trị

Trẻ sơ sinh có tinh hoàn bên to bên nhỏ có thể gặp các biến chứng cấp và mạn nếu không điều trị kịp thời

3.1. Biến chứng cấp tính

Xoắn tinh hoàn: Đây là tình trạng thừng tinh bị tắc nghẽn đột ngột do tinh hoàn tự xoay quanh trục, từ đó làm giảm hoặc tắc hoàn toàn lượng máu đến tinh hoàn. Trẻ sẽ đột ngột đau dữ dội một bên tinh hoàn, bìu sưng to đỏ hoặc tím. Cơn đau có thể tự hết nếu trẻ thay đổi tư thế và tinh hoàn được tháo xoắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng xoắn quá lâu, tinh hoàn có thể tổn thương vĩnh viễn.

3.2. Thoát vị bẹn nghẹt

Các tạng hoặc ruột trong ổ bụng bị thoát vị vào ống bẹn không thể đẩy ra được dẫn đến bị thiếu máu nuôi gây tổn thương. Trẻ sẽ quấy khóc, đau nhiều, chướng bụng, nôn, khối vùng bìu sưng đau dữ dội. Nếu để muộn có thể dẫn đến hoại tử tạng thoát vị, tổn thương tinh hoàn, viêm phúc mạc.

Ngoài các biến chứng cấp tính, tình trạng tinh hoàn bên to bên nhỏ do nguyên nhân bệnh lý nếu không được điều trị sẽ để lại nhiều biến chứng lâu dài cho trẻ.

3.3.Màng tinh hoàn bị tổn thương

Tinh hoàn trẻ sơ sinh bên to bên nhỏ do tràn dịch màng tinh hoàn, thậm chí làm tổn thương màng tinh vì khi đó tinh dịch, máu và các chất trong ổ bụng tích tụ khiến tinh hoàn trở nên nặng và chảy xệ. Màng tinh phải căng giãn để chứa các chất dịch ứ đọng.

3.4. Suy giảm chất lượng tinh trùng

Tinh hoàn nếu không được đưa về đúng vị trí sẽ trở nên giảm chất lượng, lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của các bé trai. Điển hình là tình trạng này có thể dẫn đến tinh trùng ít, chất lượng tinh trùng giảm thấp.

3.5. Ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn thường hiếm gặp ở nam giới. Tuy nhiên trong trường hợp trẻ sơ sinh có tinh hoàn bên to bên nhỏ do nguyên nhân bệnh lý, có thể làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn cho trẻ. Vì tinh hoàn trong ổ bụng không đảm bảo nhiệt độ cho sự phát triển, khiến tinh hoàn teo dần và có thể chuyển thành ác tính.

4. Chẩn đoán tinh hoàn bên to bên nhỏ ở trẻ sơ sinh

Để chẩn đoán và điều trị sớm tinh hoàn bên to bên nhỏ ở trẻ sơ sinh thì điều đặc biệt quan trọng là sự kiểm tra thường xuyên của bố mẹ. Theo đó, cha mẹ cần kiểm tra ngay từ khi trẻ sinh ra và thường xuyên kiểm tra trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu bố mẹ phát hiện trẻ có tinh hoàn bên to bên nhỏ, hoặc chỉ có một bên hoặc không có tinh hoàn trong bìu, hoặc các trường hợp tinh hoàn trẻ sưng đau, đỏ cần đưa trẻ đi khám ngay.

Một số xét nghiệm cần thiết sẽ được tiến hành để giúp chẩn đoán trường hợp trẻ sơ sinh có tinh hoàn bên to bên nhỏ.

  • Siêu âm bìu: giúp xác định trường hợp tinh hoàn ẩn
  • Cắt lớp vi tính hoặc nội soi ổ bụng giúp chẩn đoán trong trường hợp không sờ thấy tinh hoàn trong bìu hoặc siêu âm không thấy.

Một số xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện giúp cho việc chẩn đoán như xét nghiệm nhiễm sắc thể, xét nghiệm nội tiết hay chất chỉ điểm ung thư,...

5. Điều trị tinh hoàn bên to bên nhỏ ở trẻ sơ sinh như thế nào?

  • Phương pháp điều trị thông thường và triệt để nhất là phẫu thuật. Phương pháp này giúp đưa tinh hoàn về đúng vị trí và cố định trong bìu, giúp cho tinh hoàn được phát triển trong nhiệt độ thích hợp.
  • Thời điểm phẫu thuật thích hợp nhất là khi trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi. Đây là giai đoạn giúp cải thiện tốt nhất chức năng của tinh hoàn và giảm nguy cơ ung thư hóa.

Ngoài ra, còn một số phương pháp điều trị bằng thuốc hay bằng hocmon. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chuẩn bị cho trẻ đủ điều kiện phẫu thuật.

Tinh hoàn bên to bên nhỏ ở trẻ sơ sinh là bất thường bộ phận sinh dục cần được sớm phát hiện và điều trị để đảm bảo chức năng sinh dục cho các bé trai và giảm nguy cơ ung thư hóa. Vì thế, khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

53.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan