Sức mạnh phát triển của trẻ 5-6 tuổi

Trẻ 5 - 6 tuổi là giai đoạn chuẩn bị cho sự thay đổi môi trường của trẻ. Lúc này, trẻ cần chuyển hoạt động từ chơi là chủ yếu sang học để làm quen dần với môi trường tiểu học sau nay. Trẻ cũng cần được tập làm nhiệm vụ hàng ngày, phát triển khả năng ghi nhớ, quan sát.

1. Cấu trúc não bộ của trẻ 5-6 tuổi

Trong 3 năm đầu đời, kích thước não bộ của trẻ đã phát triển bằng 80% não bộ của người lớn. Và đến năm trẻ 5 -6 tuổi, bộ não của trẻ đã có thể phát triển gần bằng não người lớn về cả kích thước cũng như khối lượng. Theo các nghiên cứu, dù hầu hết sự phát triển của não bộ diễn ra trong khoảng 3 năm đầu sau sinh nhưng những năm tiếp theo đó, não bộ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng khả năng hoạt động của các tế bào thần kinh một cách mạnh mẽ. Điều đó kích thích và khiến trẻ học rất nhanh, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi. Trẻ không chỉ học những kiến thức cơ bản mà còn có thể hiểu về những quy tắc xã hội, khái quát hóa các đồ vật giống nhau, biết cách chơi các môn thể thao và các trò chơi có quy tắc như cá ngựa, cờ vua, có thể thực hiện một số công việc, sự sáng tạo, thậm chí trẻ còn học được cách xây dựng kế hoạch đơn giản....

Không hẳn là với sự phát triển mạnh mẽ của não bộ như vậy mà trẻ có thể sống và làm việc như một người trưởng thành. Tuy nhiên sự phát triển não bộ ở lứa tuổi này giúp trẻ khám phá, dung nạp và ứng dụng các kiến thức vào cuộc sống một cách triệt để.

2. Đặc điểm tâm lý của trẻ 5-6 tuổi

Theo A.X Macarenco, một nhà giáo dục nổi tiếng của Nga: “ Nền tảng của giáo dục chủ yếu được xây dựng từ khi trước 5 tuổi, nó chiếm đến 90% chất lượng của cả quá trình giáo dục”. Và giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn kiến tạo những cấu trúc về mặt cơ thể và tâm lý, còn giai đoạn từ 3 – 5 tuổi là giai đoạn tiếp nhận những kỹ năng và kiến thức làm nền tảng cho sự hình thành nhân cách và năng lực. Vì thế, khi trẻ được 5 tuổi thì bé đã có khả năng tiếp thu một lượng kiến thức không nhỏ.

Với khả năng tiếp thu như vậy, nên trẻ luôn cần những môi trường cung cấp đủ kiến thức để trẻ thỏa sức khám phá và trải nghiệm. Đồng thời, lúc này não bộ, đặc biệt là vùng trán phát triển mạnh, giúp trẻ biết lên và sắp xếp kế hoạch, được tự chủ về những hoạt động mình làm. Trẻ thích được tham gia trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau, có thể là những lớp học vẽ, những buổi dã ngoại cùng cô giáo hoặc cùng gia đình, những buổi thực hiện khoa học, những hoạt động trải nghiệm thực tế...

Ở giai đoạn giao thoa giữa một em bé với một “sinh viên lớp Một”, trẻ thể hiện những đặc điểm như:

  • Khả năng tư duy logic bắt đầu xuất hiện, biết đúng sai/ phân biệt và lập luận nếu không phù hợp với quan điểm của trẻ, hoặc khi thấy những nội dung mâu thuẫn với nhau.
  • Trí tưởng tượng phong phú, duy trì việc chơi qua tưởng tượng và đóng vai nhiều và thay đổi chủ đề phân vai rất đa dạng
  • Khả năng giao tiếp phát triển khá hoàn chỉnh, trẻ có thể nói những câu đầy đủ, đôi khi phức tạp cũng như hiểu được những câu nói dài của người khác. Nhiều trẻ cũng chủ động tìm và xây dựng những mối quan hệ mới với những người khác.

Trẻ 5-6 tuổi có thể dễ dàng tiếp nhận mọi từ ngữ, cả những từ ngữ tích cực/lẫn tiêu cực mà trẻ nghe được. Do đang trong quá trình học ngôn ngữ nên vô tình, trẻ sẽ ứng dụng toàn bộ vốn từ nghe được vào cuộc sống của mình.

Đây là một trong những thời điểm ghi nhận khả năng giải quyết vấn đề của trẻ hình thành như một bản thể độc lập. Thông qua việc bắt chước và tiếp thu những hành vi/cách ứng xử của những người xung quanh, trẻ tạo cho mình cách xử lý riêng với từng việc. Điều này thể hiện khi trẻ đói, hoặc khi cần thuyết phục người khác cho đi chơi, hoặc trẻ muốn xem tivi...

Xem ngay: Lợi ích của tương tác xã hội thể hiện qua nhóm trẻ

3. Một số test tâm lý để đánh giá kỹ năng sống của trẻ 5-6 tuổi

3.1. Test Denver

Đây là trắc nghiệm đánh giá phát triển tâm vận động của trẻ, thể hiện qua 4 lĩnh vực phía dưới. Trẻ đến độ tuổi 5 tuổi cần thực hiện được những hoạt động dưới đây

Cá nhân xã hội: trẻ có thể thực hiện một số hoạt động chơi bài hoặc những trò chơi lần lượt, các trò chơi có quy tắc như cờ vua, đoán số, tìm số còn thiếu; làm quen với việc tự đi vệ sinh và lau rửa sau khi xong, bắt đầu biết dọn cơm và chuẩn bị bữa ăn cùng bố mẹ. Nếu được hướng dẫn, trẻ còn có thể tự tắm và mặc/cởi quần áo, dù còn chưa sạch hẳn như người lớn.

Chúng ta có thể liệt kê một số việc có thể hướng dẫn trẻ như:

  • Cùng bố mẹ lên danh sách những việc cần làm trong ngày và thực hiện theo bảng đó
  • Tự tắm rửa và thay quần áo khi bố mẹ bận
  • Chăm sóc chó mèo với một số việc đơn giản như cho ăn, cho đi dạo...
  • Trông nhà khi bố mẹ đi vắng
  • Có thể học cách dùng bếp điện để đun nóng đồ ăn, nếu được hướng dẫn
  • Có thể tự lấy đồ ăn và nước uống khi có nhu cầu mà không cần người lớn nhắc nhở

Vận động tinh: Trẻ cần biết vẽ tranh với hình người có đầy đủ bộ phận cơ thể, bắt chước vẽ những hình dạng phức tạp (vẽ nhà cao tầng, cây cối, những sự vật thực tế), phối màu theo sở thích, làm quen với việc cắt những hình đơn giản và dán chúng lại thành những bức hình có ý nghĩa...

Ngôn ngữ: Từ 4 tuổi trẻ sử dụng ngôn ngữ đã linh hoạt hơn. Các con vừa lĩnh hội những từ ngữ mới, lại vừa ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Lúc này, nhận thức của trẻ về bản thân, về thế giới xung quanh, về sự giống và khác nhau giữa các sự vật, về các đặc điểm đối lập của sự vật, biết nhìn nhận một sự vật từ nhiều hướng... nên trẻ thể hiện ra ngôn ngữ cũng tốt hơn. Ví dụ như trẻ cần biết kể lại một câu chuyện dài đã nghe thấy, cần hiểu được mối quan hệ nhân – quả đơn giản của một vấn đề, có thể chỉ ra những đặc diểm của ít nhất bảy sự vật mà trẻ không nhìn thấy trực tiếp thông qua việc định nghĩa về vật đó (như là quả chuối, trần nhà, cái hồ...)

Vận động thô: Sau 3 tuổi, vận động thô của trẻ không chỉ dừng ở việc đi – đứng – chạy –nhảy mà trẻ còn cần biết kiểm soát cơ thể, có sự chỉ huy của não bộ để sắp xếp – cân nhắc và điều phối các hoạt động vận động cho phù hợp với những trò chơi mà trẻ tham gia. Ví dụ: Giữ thăng bằng để nhảy lò cò, giữ thăng bằng để đứng trên 1 chân khoảng 6 - 10 giây, có thể đi nối gót mà không bị ngã, có thể nhảy chụm chân với khoảng cách 30 - 50 cm mà không bị ngã, có thể đi bộ khoảng 4-5 km mà không cần nghỉ và duy trì tập thể dục hàng ngày.

3.2. Test ASQ

Test ASQ nhằm sàng lọc các mặt phát triển, xem trẻ có chậm trễ ở những khía cạnh nào để có những hỗ trợ kịp thời. Trong test ASQ dành cho trẻ từ 60 tháng (5 tuổi), trẻ cần đạt được các mục trong 5 lĩnh vực sau:

Giao tiếp: Trẻ có thể thực hiện ít nhất 3 chỉ dẫn không liên quan tới nhau, sử dụng cụm 4-5 từ thường xuyên để thể hiện nhu cầu hoặc kể chuyện, biết sử dụng thì quá khứ để nói về hành động “đã” xảy ra, sử dụng các tính từ so sánh khi phân biệt các sự việc như là “nhẹ hơn”, “đẹp hơn”, lặp lại các câu nói dài mà không bị sai, trả lời được các câu hỏi đơn giản về tình trạng của bản thân...

Vận động thô: Không chỉ cần cơ bắp khỏe mạnh là vận động tốt, mà giai đoạn này, não bộ còn cần tham gia vào quá trình vận động, để trẻ thực hiện được các hoạt động cần giữ thăng bằng. Ví dụ: Nhảy lò cò, nhảy chân sáo, ném bóng thật cao và bắt được bóng...

Vận động tinh: Sự khéo léo của đôi bàn tay thể hiện ở việc trẻ có thể vẽ theo nhiều hình khối hoặc chữ viết, có thể kẻ theo đường thẳng hoặc vẽ được hình người, có thể dùng kéo cắt vào đường cho trước...

Giải quyết vấn đề: Là lĩnh vực liên quan đến khả năng hiểu và nhận thức của trẻ như: hiểu được các câu hỏi và từ trái nghĩa, nhận biết mặt chữ số và chữ cái, đếm tổng được số lượng bất kỳ...

Cá nhân xã hội: Khả năng độc lập trong việc tự thực hiện các công việc gia đình và tự phục vụ. Ví dụ: Múc thức ăn sang các bát khác nhau, biết tự dùng nhà vệ sinh, biết chờ đợi đến lượt của mình và trả lời được các thông tin đơn giản của bản thân

3.3. Test Raven màu

Trắc nghiệm Raven màu gồm các bộ khuôn hình có các hình vẽ chưa đầy đủ, đòi hỏi trẻ phải quan sát để tìm ra mối liên hệ giữa các hình, tìm ra quy luật biến đổi của các khung hình và tìm đúng hình ghép còn thiếu. Trắc nghiệm này dành cho trẻ từ 4 - 12 tuổi. Đây là một dạng trắc nghiệm phi ngôn ngữ - nhằm đánh giá trí tuệ logic hình ảnh của trẻ. Không phải tự nhiên mà một đứa trẻ 4 tuổi đã được chọn làm độ tuổi bắt đầu của trắc nghiệm trí tuệ này. Khoảng độ tuổi 4 -5 tuổi, khả năng quan sát, nhận biết đúng sai, khả năng suy luận để tìm ra nhân quả của trẻ đã bắt đầu hình thành. Trẻ đã có thể có cái nhìn rộng hơn về sự vật: biết được các đặc điểm của một sự vật, biết được một vài mối quan hệ của chúng đối với các sự vật khác, bắt đầu nhận biết sự khác lạ trong một bức tranh... Như vậy, việc trắc nghiệm trí tuệ có thể đo được khả năng tư duy hình ảnh của trẻ, đã ghi nhận về khả năng phán đoán và lập luận của trẻ lứa tuổi này.

Ngoài những kỹ năng được ghi rõ trong các trắc nghiệm về sự phát triển tâm lý, khả năng tự lập và nhận thức của trẻ 5 – 6 tuổi còn thể hiện qua những công việc cụ thể như sau:

Về kỹ năng tiền tiểu học

  • Trẻ có thể tham gia học online khoảng 30 phút mỗi ngày mà không cần nhắc nhở về độ tập trung
  • Trẻ có thể học đếm tổng đến 100 và hơn thế nữa
  • Trẻ thuộc bảng chữ cái và làm quen dần với việc ghép chữ
  • Làm quen với việc học tiếng Anh và có thể tiếp thu rất nhanh các từ mới
  • Có thể tự ngồi viết bài/ làm toán với độ khó tăng dần mà không cần người lớn nhắc nhở
  • Ngồi yên để nghe truyện trong 30 phút

Về khả năng tưởng tượng sáng tạo

  • Có thể tự chơi một mình với dụng cụ là những đồ vật thường ngày như quần áo, chăn màn... và xây dựng câu chuyện về công chúa, hoàng tử, một nhà bếp tiện nghi, một bối cảnh trường học
  • Có thể liên kết với những đứa trẻ cùng tuổi để chơi đóng vai rất nhiều bối cảnh (đi chợ, đi siêu thị, tiệc cưới, đi xe buýt, bệnh viện, trường học...) và duy trì cuộc chơi khoảng 2 tiếng đồng hồ mà không chán.
  • Có thể thuyết trình về một đồ vật/sự vật/sự việc với ít nhất là 3 – 5 câu
  • Đặt nhiều câu hỏi khác nhau về sự vật/sự việc/lí do/cách thức với bất kì sự việc nào mà trẻ thấy trong cuộc sống.

4. Nên khuyến khích trẻ 5-6 tuổi như thế nào?

Giai đoạn trẻ 5-6 tuổi, bố mẹ nên trao quyền nhiều hơn để trẻ được trải nghiệm và sống độc lập. Một số cách thức có thể tham khảo như sau:

  • Giới thiệu với trẻ về công dụng, chức năng của các đồ dùng trong nhà, và tạo điều kiện để trẻ được sử dụng chúng
  • Luôn cần đến sự trợ giúp của trẻ, sai việc và nhờ trẻ giúp trong tất cả các tình huống
  • Khen trẻ mỗi khi trẻ tự giác thực hiện các công việc ở nhà
  • Cho trẻ tham gia vào các hoạt động chung của gia đình, giải thích những việc cần làm và cần nói rõ những lý do với trẻ
  • Cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao, tùy theo sức khỏe của trẻ.
  • Nói với trẻ những điều tích cực về những việc trẻ làm, khen ngợi và ghi nhận sự cố gắng của trẻ.

Hi vọng qua bài viết này, cha mẹ sẽ có thêm những kiến thức cần thiết để chỉ dẫn cho con mình và giúp trẻ 5-6 tuổi thích nghi được với các thử thách trong cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan