Sốt siêu vi có lây không và dấu hiệu là gì?

Nhiều người không biết bệnh sốt siêu vi là gì? Sốt siêu vi có lây không? Điều này vô tình khiến bản thân mắc bệnh mà không biết. Thực tế, sốt siêu vi hay còn được gọi với tên khác là sốt virus là bệnh lây truyền, do nhiễm phải các loại virus (siêu vi trùng) khác nhau như virus Rhinovirus, Adenovirus, Coronavirus, Enterovirus, Virus cúm....Vậy sốt siêu vi có lây không?

Nội dung video được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Sốt siêu vi là một loại bệnh cấp tính, thường gặp ở trẻ em và người lớn tuổi do hệ miễn dịch yếu, biểu hiện sốt siêu vi rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác, bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp và đường tiêu hóa, thông qua các hoạt động như giao tiếp, ăn uống, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch mũi của bệnh nhân. Đa phần virus lây truyền qua dịch tiết được bắn ra khi nói chuyện, hắt hơi, ho, sổ mũi. Cũng chính vì vậy mà virus có thể lây lan và bùng phát thành dịch một cách nhanh chóng. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền gián tiếp qua các vật dụng ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, hay cầm nắm đồ chơi đối với trẻ em. Những vật dụng này có thể dính dịch tiết có chứa virus gây bệnh, khi chúng ta vô tình chạm phải sẽ bị lây bệnh.

Về cơ bản, dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ em và người lớn không có sự khác biệt nhiều, đều gây triệu chứng sốt cao, đau đầu, ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mắt, đau họng, nôn, tiêu chảy....Tuy nhiên, biểu hiện sốt siêu vi ở trẻ em thường nặng hơn ở người lớn.

Khi nhận thấy dấu hiệu sốt siêu vi thì người bệnh có thể điều trị tại nhà được, vì đây là bệnh lành tính, có thể áp dụng hạ sốt, tăng cường dinh dưỡng, bù nước cho người bệnh. Tuy nhiên, với biểu hiện sốt siêu vi ở trẻ em mà sốt cao liên tục trên 2 ngày thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và xác định có thực sự là dấu hiệu sốt siêu vi hay không, có biến chứng chưa?

Trường hợp điều trị sốt siêu vi tại nhà thì có thể sử dụng hạ sốt bằng paracetamol, chườm nước ấm, không để người bệnh đang có biểu hiện sốt siêu vi ở trong phòng quá kín...

Người có dấu hiệu sốt siêu vi cần ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng, bù nước, ăn thức ăn lỏng để cơ thể nhanh chóng hồi phục. Người bệnh không cần kiêng cữ quá làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Bệnh sốt siêu vi có thể lây từ người sang người. Chính vì vậy, khi người lớn có dấu hiệu sốt siêu vi thì không nên tiếp xúc với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Còn khi trẻ nhỏ có biểu hiện sốt siêu vi thì cần cho bé nghỉ học và không đến những nơi đông người để không làm lây lan bệnh cho người khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan