Phẫu thuật nội soi điều trị tắc ruột phân su ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng.

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất ở lứa tuổi sơ sinh. Bệnh cảnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó tắc ruột phân su là một nguyên nhân hay gặp, bệnh nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời rất có thể dẫn đến tử vong do hoại tử ruột.

1. Tắc ruột phân su là gì?

Tắc ruột phân su là tình trạng phân su bị đặc quánh bất thường kết dính vào niêm mạc toàn bộ đoạn cuối hồi tràng gây ra tắc hoàn toàn ruột non, các dấu hiệu của bệnh thường biểu hiện ngay sau khi sinh. Hình thái đại thể toàn bộ hồi tràng teo nhỏ trong lòng đầy các kết thể phân su, phần hồi tràng ở trên đoạn tắc giãn to trong lòng đầy phân su lỏng.

Tình trạng kết dính phân su là do sự xuất hiện của chất nhầy bất thường, ngoài ở ruột chất nhầy này còn xuất hiện ở nhiều tuyến ngoại tiết khác như tụy, gan, phổi, ruột, tuyến mồ hôi, tuyến nước bọt, tuyến sinh dục, niêm mạc mũi. Tuy nhiên cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất là tụy và ruột, cho nên tắc ruột phân su có thể là dấu hiệu sớm của bệnh lý xơ nang tụy hệ thống.

Tắc ruột phân su có thể chưa có biến chứng nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Nhưng nếu phát hiện muộn có thể có những biến chứng như thủng ruột, xoắn ruột gây hoại tử ruột; nếu biến chứng trong thời kỳ mang thai gây ra teo ruột, viêm phúc mạc phân su. Những biến chứng nguy hiểm này có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh. Chính vì vậy khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ cần khám để được điều trị và theo dõi kịp thời.

Các biểu hiện của bệnh như:

  • Không đi ngoài phân su: Thông thường trẻ sẽ thải phân su sau sinh khoảng 6 đến 8 giờ, với tính chất thường là chất dẻo nhão màu đen và dính.
  • Nôn nhiều: Đây là dấu hiệu sớm của bệnh, thường xảy ra trong những giờ đầu sau sinh. Chất nôn thường có lẫn dịch mật vàng hoặc xanh, có khi nôn ra cả dịch ruột.
  • Bụng chướng: Thấy bụng của trẻ phình to hơn bình thường, có thể thấy các quai ruột nổi trên thành bụng. Tuy nhiên đây là dấu hiệu muộn, còn tùy thuộc vào vị trí tắc, nếu tắc ở vị trí cao trong đường tiêu hóa thì thường bụng không trướng mà đôi khi lại xẹp.
  • Một số trẻ thấy bất thường không có hậu môn hoặc thấy lỗ hậu môn bị bịt kín.

Các dấu hiệu này nếu thấy cần khám ngay để được theo dõi và tiến hành làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để được chẩn đoán sớm. Nhiều trường hợp trẻ được chẩn đoán trước sinh nhờ phương pháp siêu âm thai ở 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ thấy hình ảnh giãn hay tăng sáng các quai ruột.

Trẻ nôn trớ buổi đêm
Tắc ruột phân su khiến trẻ nôn nhiều

2. Phẫu thuật nội soi điều trị tắc ruột phân su ở trẻ sơ sinh

Là một cấp cứu ngoại khoa cần được điều trị sớm, nếu bệnh được phát hiện sớm chưa có biến chứng thì chỉ định điều trị phương pháp bảo tồn bằng cách thụt tháo và theo dõi từ 6-12 giờ, nếu thất bại sẽ chuyển sang phương pháp phẫu thuật.

Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật được chỉ định khi tắc ruột ở trẻ sơ sinh tới muộn, điều trị bảo tồn thất bại. Phẫu thuật nối ruột tận-tận có cắt vát đầu to (tampering operation). Cắt vát đầu ruột bị dãn to sao cho khẩu kính còn lại của đầu ruột bị dãn to trở thành tương đương với khẩu kính của đầu ruột nhỏ, khâu lại đường cắt vát rồi nối ruột tận-tận. phương pháp nối ruột nầy đã khắc phục được những nhược điểm mà các phương pháp nối ruột khác trong tắc ruột sơ sinh đã mắc phải, do đó hiện nay nó gần như là phẫu thuật được các phẫu thuật viên nhi chuyên dùng trong khâu nối ruột của tắc ruột sơ sinh. Nhược điểm: do phẫu thuật dùng nhiều đường khâu ruột nên sẽ có tăng nguy cơ xì dò ở vị trí của các đường khâu nầy. Cách cắt vát ruột nầy đã được một số tác giả gọi tên là phương pháp nối ruột theo kiểu “gọt bút chì”. So với phương pháp phẫu thuật mổ mở thì phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị tắc ruột ở trẻ sơ sinh có nhiều ưu điểm như:

  • Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn hơn do có các vết cắt ở bụng nhỏ.
  • Sẹo cả bên ngoài và bên trong nhỏ hơn so với mổ mở.
  • Phương pháp này ít đau hơn, trẻ không phải chịu đau nhiều.
  • Thời gian phải nằm viện ngắn hơn, do thời gian nằm viện ngắn hơn nên chi phí cho điều trị cũng giảm đáng kể.
  • Do ít xâm lấn, vết cắt nhỏ, nên thời gian phục hồi nhanh hơn.

Các lưu ý sau khi phẫu thuật:

  • Sau phẫu thuật trẻ được sử theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, sử dụng kháng sinh, bù nước và điện giải bằng đường tĩnh mạch.
  • Theo dõi những biến chứng sau mổ.

Phẫu thuật nội soi trong điều trị tắc ruột phân su ở trẻ có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với mổ truyền thống, sức khỏe của trẻ sơ sinh còn yếu nên mổ nội soi ít xâm lấn và nhanh hồi phục phù hợp hơn với trẻ.

Loạn sản phổi ở trẻ sơ sinh
Sau phẫu thuật, trẻ cần được theo dõi sát sao để tránh các biến chứng nguy hiểm

Tắc ruột phân su là nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Nên nếu trẻ sinh ra có những dấu hiệu bất thường của đường tiêu hoá cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được chẩn đoán xác định và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan