Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Đoàn Thị Hồng Hạnh - Trưởng khoa Xét nghiệm, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Xét nghiệm một mẫu phân giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý ảnh hưởng đến tiêu hóa. Những bệnh lý này có thể bao gồm nhiễm trùng, tình trạng hấp thụ dinh dưỡng kém, hoặc ung thư. Xét nghiệm phân góp phần chẩn đoán một số bệnh lý đường tiêu hóa.
1. Xét nghiệm phân là gì?
Xét nghiệm phân không phải xét nghiệm thường quy mà chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ. Đối với xét nghiệm phân, Dụng cụ dùng để lấy phân chuẩn là lọ lấy phân được cung cấp sẵn (có thìa nhựa bên trong). Sẽ có hai loại: loại tiệt khuẩn dùng để làm xét nghiệm nuôi cấy tìm vi khuẩn gây bệnh và loại không vô khuẩn dùng để làm các xét nghiệm khác và sau đó gửi đến phòng xét nghiệm. Khi làm xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi và các xét nghiệm sinh hóa, vi sinh để phân tích màu sắc, hình dạng, độ đặc quánh, sự hiện diện của chất nhầy, tìm chất ẩn trong phân bao gồm: Máu, chất béo, các sợi thịt, mật, các tế bào bạch cầu, và các loại đường... để phát hiện, chẩn đoán các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Xét nghiệm phân là một loạt các xét nghiệm được thực hiện trên một mẫu phân để giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của bạn. Những bệnh lý này có thể bao gồm nhiễm trùng (chẳng hạn như nhiễm ký sinh trùng, virus hoặc vi khuẩn), tình trạng hấp thụ chất dinh dưỡng kém, hoặc ung thư.
2. Kết quả trong xét nghiệm phân cho biết điều gì?
- Xác định các bệnh về đường tiêu hóa, gan mật, và tuyến tụy. Một số enzym có thể được kiểm tra trong phân để giúp xác định chức năng tuyến tụy của bạn;
- Tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng ảnh hưởng trên đường tiêu hóa của bạn, bao gồm tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy ra máu, chướng bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, đầy hơi, đau bụng, chuột rút, và sốt;
- Phát hiện ung thư đại tràng bằng cách kiểm tra tìm máu lẫn trong phân;
- Phát hiện ký sinh trùng, chẳng hạn như giun kim hoặc Giardia;
- Tìm ra những nguyên nhân gây ra nhiễm trùng, chẳng hạn như do vi khuẩn, nấm, hoặc virus;
- Kiểm tra khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa của bạn (ví dụ tìm hội chứng kém hấp thu). Đối với xét nghiệm này, tất cả các mẫu phân sẽ được thu thập trong khoảng thời gian 72 giờ và sau đó tiến hành kiểm tra chất béo (và đôi khi là sợi cơ) trong phân. Xét nghiệm này được gọi là xét nghiệm thu thập phân 72 giờ hoặc xét nghiệm tìm mỡ trong phân;
- Việc xét nghiệm phân cũng giúp cho các bác sĩ có thể điều trị đúng bệnh đúng thời điểm, tránh trường hợp điều trị sai bệnh, dùng sai thuốc, giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.
3. Những điều nên biết trước khi tiến hành xét nghiệm phân?
- Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm phân như là các loại thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tiêu chảy, thuốc cản quang, bismuth (một loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, được dùng để điều trị loét dạ dày tá tràng, thuốc sắt, vitamin C, thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs), và magie.
- Không để phân nhiễm máu như chu kỳ kinh nguyệt, máu do nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ, các tổn thương bên ngoài hậu môn hay các chất khác từ khăn hoặc giấy vệ sinh
- Sau khi lấy mẫu, cần gửi đến phòng xét nghiệm trong vòng một giờ
- Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
4. Hướng dẫn đọc kết quả
- Có chất béo trong phân: Nồng độ chất béo trong phân cao có thể là do các bệnh như viêm tụy, bệnh celiac, xơ nang (một bệnh lý di truyền nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, nhất là trên hệ tiêu hóa và hệ hô hấp), hoặc các rối loạn khác có ảnh hưởng đến sự hấp thu chất béo.
- Độ pH của phân thấp: Độ pH thấp có thể do sự hấp thụ carbohydrate hay chất béo kém. Phân có độ pH cao có thể là do tình trạng viêm ở ruột (viêm đại tràng), ung thư, hoặc do sử dụng kháng sinh.
- Có máu ở trong phân: Phát hiện máu trong phân có thể do chảy máu ở đường tiêu hóa.
- Có bạch cầu trong phân: Các tế bào bạch cầu trong phân có thể do viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng, hoặc do vi khuẩn.
- Tìm thấy virus trong phân như Rotavirus. Rotavirus là một tác nhân phổ biến gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Nếu đang bị tiêu chảy, xét nghiệm có thể được tiến hành để tìm ra vi rút trong phân.
- Lượng đường trong phân. Lượng đường khử cao trong phân có thể là do bạn có một số vấn đề tiêu hoá đường. Lượng đường khử thấp có thể do bệnh celiac, xơ nang, hoặc suy dinh dưỡng. Các loại thuốc như colchicine (chữa bệnh gout) hoặc thuốc tránh thai cũng có thể gây ra tình trạng lượng đường khử thấp.
- Cấy phân. Xét nghiệm này kiểm tra những vi sinh vật bình thường vốn không có mặt trong phân hoặc những vi sinh vật có mặt trong phân với số lượng quá lớn. Nuôi cấy sẽ xác định loại vi sinh vật nào xuất hiện và xác định xem liệu chúng có phải là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy hay không
- Có Chất độc của Clostridium Difficile trong phân. Clostridium Difficile là một vi khuẩn gây tiêu chảy mạn. Vi khuẩn này cùng với những vi khuẩn khác có thể xuất hiện bình thường trong ruột nhưng bắt đầu tăng số lượng sau điều trị với kháng sinh. Sự quá sản này gây nên tiêu chảy.
- Có trứng và ký sinh trùng. Xét nghiệm này sẽ xem xét dấu hiệu của ký sinh trùng sống trong ruột. Những ký sinh trùng này thường thấy ở những người ngoại quốc sống tại các quốc gia không có điều kiện vệ sinh thực phẩm và nước uống, những người đã từng đi qua những khu vực này, những người ăn thịt tái sẽ bị nhiễm ký sinh trùng và những người bơi trong nước bẩn. Xét nghiệm này xem mẫu phân dưới kính hiển vi để tìm ký sinh trùng hoặc trứng của chúng.
Nhìn chung, kết quả xét nghiệm phân có thể trả lời ngay (test nhanh tìm máu trong phân) hoặc trong vài giờ (tìm ký sinh trùng) hoặc vài ngày đến vài tuần (nếu cấy phân tìm vi khuẩn hoặc virus).
Để đăng ký khám xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách hàng có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: