Phân độ khó thở thanh quản ở trẻ em

Khó thở là một triệu chứng hô hấp nguy hiểm ở trẻ, đặc biệt khó thở thanh quản thường diễn tiến nhanh và có thể đe dọa tính mạng của trẻ nếu không cấp cứu kịp thời. Cùng tìm hiểu phân độ khó thở thanh quản ở trẻ em qua bài viết dưới đây.

1. Vị trí giải phẫu và chức năng của thanh quản

Về đặc điểm giải phẫu, thanh quản nằm ngay dưới nắp thanh môn. Tổ chức dưới niêm mạc thanh quản tương đối lỏng lẻo, nhạy cảm, do đó thanh quản dễ co thắt, dễ phù nề.Thanh quản nam giới nhô ra nhiều hơn nữ giới nên dễ nhìn thấy thanh quản của nam giới hơn.

Về chức năng, thanh quản có 2 chức năng chính, bao gồm:

  • Chức năng phát âm: Thanh quản giúp phát ra âm thanh khi nói nhờ cơ chế mở ra/ khép lại tạo nên các rung động khác nhau.
  • Chức năng hô hấp: Thanh quản nằm giữa ngã ba hầu họng và đường xuống khí quản, có tác dụng dẫn khí và tham gia bảo vệ đường hô hấp dưới thông qua phản xạ ho, phản xạ co thắt để ngăn dị vật bên ngoài đi vào đường hô hấp dưới.

2. Chẩn đoán khó thở thanh quản ở trẻ em

Chẩn đoán khó thở thanh quản ở trẻ em chủ yếu dựa vào đánh giá lâm sàng với ba triệu chứng cơ bản, cổ điển sau:

  • Khó thở khi hít vào, khó thở chậm.
  • Tiếng rít thanh quản.
  • Co kéo cơ hô hấp, đặc biệt là co kéo hõm ức và rút lõm lồng ngực.

Bên cạnh đó, trẻ khó thở thanh quản cũng có thể xuất hiện các triệu chứng phụ sau:

  • Khàn tiếng, mất tiếng.
  • Đầu gật gù khi thở (thường ngửa đầu ra sau khi hít vào).
  • Sụn thanh quản nhô lên trong khi hít vào.
  • Nhăn mặt, phập phồng cánh mũi.

3. Phân độ khó thở thanh quản ở trẻ em

Việc đánh giá, phân độ khó thở thanh quản là vô cùng cần thiết để có thể xử trí kịp thời cũng như tiên lượng bệnh. Trẻ khó thở thanh quản cần được nhanh chóng đánh giá mức độ khó thở theo phân độ sau:

  • Khó thở thanh quản độ I:
    • Khàn tiếng, rè tiếng khi nói/ khóc.
    • Tiếng ho còn trong hoặc hơi rè.
    • Triệu chứng khó thở thanh quản thì hít vào chưa điển hình, tiếng rít thanh quản nhẹ/ chưa rõ, co kéo cơ hô hấp phụ ít.
    • Chưa ảnh hưởng toàn thân.
  • Khó thở thanh quản độ II:
    • Mất tiếng hoặc nói không rõ từ.
    • Ho ông ổng.
    • Biểu hiện khó thở thanh quản điển hình với tiếng rít thanh quản rõ, co kéo các cơ hô hấp mạnh.
    • Biểu hiện toàn thân: Kích thích, vật vã hoặc hốt hoảng, lo sợ.
  • Khó thở thanh quản độ III:
    • Mất tiếng hoàn toàn.
    • Không ho được hoặc ho không thành tiếng.
    • Khó thở dữ dội, rối loạn nhịp thở, có biểu hiện thiếu oxy nặng, có thể tím tái.
    • Ảnh hưởng toàn thân: Biểu hiện thần kinh như hôn mê, lờ đờ hay vật vã, rối loạn tim mạch, da tái nhợt, vã mồ hôi,..

4. Nguyên nhân khó thở thanh quản ở trẻ em

4.1. Nguyên nhân khó thở thanh quản cấp tính ở trẻ

Trẻ có thể bị khó thở thanh quản cấp tính trong các trường hợp:

  • Dị vật đường thở: Khi dị vật đi vào đường thở của trẻ sẽ dẫn đến hội chứng xâm nhập làm trẻ khó thở thanh quản.
  • Viêm thanh quản cấp: Tình trạng viêm nhiễm thanh quản do các loại vi khuẩn như Haemophilus influenzae, Streptococcus, Staphylococcus,... hoặc do các loại virus như: cúm, họ myxovirus,... có thể dẫn đến khó thở thanh quản ở trẻ.
  • Bạch hầu thanh quản: Viêm thanh quản bạch hầu có thể xuất hiện sau khi trẻ bị bạch cầu họng gây nên tình trạng khó thở thanh quản với đặc điểm khó thở từ từ, tăng dần, khi xuất hiện giả mạc gây tắc thì triệu chứng khó thở trở nên dữ dội.
  • Tétanie: Cơn Tétanie thường gặp ở trẻ còi xương có thể là nguyên nhân co thắt thanh quản cấp tính ở trẻ.
  • Viêm thanh quản do sởi: Trẻ mắc sởi với các biểu hiện: Ban sởi, viêm long đường hô hấp,... có thể kèm với tình trạng viêm thanh quản do sởi, gây khó thở thanh quản.
  • Áp xe sau họng: Trẻ bị áp xe sau họng thường không nuốt được và biểu hiện nhiễm trùng nặng, áp xe ở vùng này có thể chèn ép thanh quản làm cho trẻ khó thở.

4.2. Nguyên nhân khó thở thanh quản mạn tính ở trẻ

Bên cạnh các nguyên nhân gây khó thở thanh quản cấp tính, trẻ có thể có tình trạng khó thở thanh quản mạn tính do các bệnh lý như:

  • Thở rít thanh quản bẩm sinh: Tình trạng này có thể là hậu quả của mềm sụn thanh quản hay dị dạng sụn thanh quản, dẫn đến khó thở thanh quản mạn tính.
  • Hẹp thanh quản mạn tính: Chấn thương thanh quản hoặc hẹp thanh quản do u máu, dị dạng bẩm sinh có thể là nguyên nhân khó thở thanh quản mạn tính ở trẻ.
  • U nhú thanh quản: U nhú là loại u lành tính, nhưng nếu u nhú phát triển ở thanh quản có thể gây khó thở thanh quản từ từ.

5. Xử trí khó thở thanh quản ở trẻ em

Khó thở thanh quản nếu không được cấp cứu nhanh và kịp thời có thể gây suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Một số lưu ý khi xử trí khó thở thanh quản ở trẻ:

  • Cần đánh giá mức độ khó thở thanh quản.
  • Đánh giá trẻ có sốt hay không.
  • Đánh giá lại tình trạng của trẻ sau 10 - 15 phút điều trị hoặc sớm hơn nếu cần thiết.
  • Điều trị nguyên nhân.

Hướng điều trị khó thở thanh quản theo từng mức độ khó thở như sau:

  • Khó thở thanh quản độ I: Trẻ thường được điều trị với thuốc uống, liệu pháp corticoid đường uống thường được chỉ định (Dexamethason, Prednisolon).
  • Khó thở thanh quản độ II: Trẻ có chỉ định nhập viện để thở oxy, điều trị corticoid tĩnh mạch (trừ các trường hợp chống chỉ định corticoid toàn thân như: đang bị xuất huyết tiêu hóa, thủy đậu, lao,...). Adrenalin được cân nhắc sau 2 giờ điều trị mà vẫn không cải thiện. Nếu có tình trạng nhiễm trùng thì cần thiết điều trị kháng sinh. Bác sĩ có thể cân nhắc mở khí quản cho trẻ tùy trường hợp và diễn tiến khó thở.
  • Khó thở thanh quản độ III: Đây là tình trạng nguy kịch, trẻ được thở oxy nhằm đưa SpO2 > 95%. Khí dung Adrenalin được chỉ định, và có thể lặp lại nếu vẫn còn khó thở nhiều. Dexamethasone và kháng sinh tĩnh mạch cần thiết trong trường hợp này. Tùy trường hợp mà trẻ có thể được chỉ định mở khí quản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan