Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Tuyết Nga - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn đốt từ người bệnh truyền sang cho người lành. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, đã xảy ra trên 100 nước với số ca nhiễm bệnh lên đến 50-1000 ca mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.
1. Tại sao bệnh sốt xuất huyết lại nguy hiểm?
Virus Dengue gây giảm lượng tiểu cầu trong máu. Tiểu cầu là thành phần giúp máu tự đông lại khi thoát ra khi thành mạch làm máu ngừng chảy. Nếu lượng tiểu cầu thấp có thể gây chảy máu không cầm được, nếu chảy máu ở nội tạng bạn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Sốt xuất huyết còn làm tăng tính thấm thành mạch làm huyết tương trong máu thoát ra ngoài, gây hiện tượng máu cô, dẫn đến giảm khối lượng máu lưu hành, tụt huyết áp và sốc.
2. Vậy báo hiệu của bệnh sốt xuất huyết sẽ như thế nào?
Ở thể bệnh nhẹ, bệnh nhân có triệu chứng:
- Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
- Có thể có nổi mẩn, phát ban.
Ở thể bệnh nặng, bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Bệnh sốt xuất huyết nếu không để ý sẽ dễ lẫn với những bệnh sốt thông thường, sẽ rất nguy hiểm vậy dựa vào dấu hiệu nào để phân biệt.
3. Phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường
Bệnh sốt xuất huyết thường sẽ diễn biến qua ba giai đoạn:
- Trong 2-3 ngày đầu: Bệnh nhân sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau mỏi người... Lúc này triệu chứng sốt xuất huyết dengue giống như các sốt do virus khác và chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm. Sốt là phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh, mức độ sốt cao hay thấp tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể mạnh hay yếu, nhiệt độ vượt quá 37.5 độ C là bị sốt, do đó một số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể chỉ sốt nhẹ nên không để ý.
- Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7: Bệnh nhân bắt đầu lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, có thể gây sốt xuất huyết nổi mẩn đỏ ở các mức độ khác nhau. Một số bệnh nhân bắt đầu có các chảy máu bất thường do giảm tiểu cầu: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt nhiều bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen...
- Từ ngày thứ 7: Các triệu chứng trên sẽ hồi phục, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa. Triệu chứng ngứa có thể tồn tại một vài ngày.
Đối với sốt phát ban, sốt siêu vi khác:
- Bệnh nhân sốt cao nhưng là sốt từng cơn, kèm các triệu chứng viêm ở đường hô hấp trên như: Ho, chảy nước mũi, đau họng, đau nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban...
- Có thể thấy, với các đặc điểm sốt cao kèm đau nhức cơ, đau đầu, phát ban..., dễ nhận ra hầu như sốt xuất huyết dengue rất giống với các dạng sốt siêu vi hay sốt phát ban thông thường khác. Để phân biệt được bệnh cần theo dõi triệu chứng và các dấu hiệu đặc biệt: các nốt nổi mẩn đỏ trong sốt phát ban sẽ biến mất nhanh sau khi thực hiện căng da. Nếu vết ban đỏ vẫn còn hoặc biến mất rất chậm thì có thể là sốt xuất huyết nổi mẩn đỏ.
- Cách tốt để phân biệt các loại sốt là đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm công thức máu trong bệnh sốt xuất huyết dengue sẽ thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, xét nghiệm kháng nguyên Test Dengue (+) dương tính. Còn đối với các loại sốt còn lại hầu như công thức máu bình thường, xét nghiệm kháng nguyên sốt xuất huyết Test Dengue (-) âm tính.
- Điều đáng lưu ý nhất là với sốt phát ban hoặc sốt do virus thông thường, khi lui sốt nghĩa là bệnh đã khỏi dần. Tuy nhiên với sốt xuất huyết dengue thì khi lui sốt là bắt đầu bước vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần phải đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm theo dõi hàng ngày để phát hiện sớm những biến chứng và xử trí kịp thời.
4. 3 giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết
Giai đoạn 1: Các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường: người bệnh bị sốt cao 39 – 40 độ C một cách đột ngột trong 1 hoặc 2 ngày đầu. Cần phải đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag ngay và nhanh chóng điều trị nếu nhận kết quả dương tính.
Giai đoạn 2: Từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, giai đoạn rất nguy hiểm, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy: xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi; chảy máu cam; chảy máu chân răng.
Những biến chứng nặng hơn sẽ xuất hiện: bệnh nhân có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường.
Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
5. 6 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết
- Chảy máu: Xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường/chảy máu âm đạo;
- Nôn liên tục;
- Đau bụng dữ dội;
- Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật;
- Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm;
- Khó thở.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường, cũng nên đến bệnh viện để được xử trí càng sớm càng tốt.
Các trường hợp có tiểu cầu hạ thấp cũng cần vào viện để theo dõi, tránh nguy cơ chảy máu, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng.
6. 2 biến chứng chết người của sốt xuất huyết
- Hạ tiểu cầu: biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.
- Cô đặc máu: biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.
7. Phòng bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là do muỗi truyền nên các giải pháp phòng bệnh chủ yếu là ngăn chặn không để cho muỗi đốt và đảm bảo môi trường sạch sẽ để không cho muỗi sinh sôi phát triển, cụ thể như sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,... để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
- Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. không để trẻ chơi ở chỗ tối, thoa kem chống muỗi.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến nga Sốt xuất huyết và thường xuyên thay rửa, loại bỏ các ổ nước đọng.
- Ngoài những hướng dẫn trên, bạn hãy lưu ý luôn theo dõi sát thân nhiệt, báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu sốt lên, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong