Làm thế nào khi trẻ bị dị ứng thuốc kháng sinh?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Thuốc kháng sinh là loại thuốc được kê toa phổ biến nhất ở trẻ em và cũng là loại thuốc có nhiều phản ứng bất lợi với trẻ nhất, trong đó có khoảng 25% là dị ứng với thuốc kháng sinh. Mặc dù những căn bệnh này thường không đủ nghiêm trọng để dẫn đến nhập viện, nhưng lại là mối lo ngại của phụ huynh. Trẻ bị dị ứng kháng sinh có số lần khám, kê đơn thuốc và chi phí thuốc cao hơn những đứa trẻ khác.

1. Thuốc kháng sinh là gì?

Kháng sinh (antibiotics) là những chất kháng khuẩn (antibacterial substances) được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, Actinomycetes) hay tổng hợp có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác.

Kháng sinh là một nhóm thuốc đặc biệt vì việc sử dụng chúng không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, đây là một nhóm thuốc quan trọng vì bệnh lý nhiễm khuẩn nằm trong số những bệnh đứng hàng đầu cả về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.

2. Tác dụng của thuốc kháng sinh là gì?

Thuốc kháng sinh là loại thuốc được sử dụng để chống lại một số bệnh nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của vi khuẩn.

Trước khi vi khuẩn có thể nhân lên và gây ra các triệu chứng, hệ thống miễn dịch thường có thể tiêu diệt chúng. Các tế bào bạch cầu (WBC) tấn công các vi khuẩn có hại và ngay cả khi các triệu chứng xảy ra, hệ thống miễn dịch thường có thể đối phó và chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, đôi khi, khi số lượng vi khuẩn có hại quá nhiều và hệ thống miễn dịch không thể chống lại tất cả thì thuốc kháng sinh rất hữu ích trong các trường hợp này.

Làm thế nào khi trẻ bị dị ứng thuốc kháng sinh?
Thuốc kháng sinh là loại thuốc mạnh mẽ chống lại một số bệnh nhiễm trùng

3. Xử lý khi trẻ bị dị ứng thuốc kháng sinh

Khi trẻ có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị dị ứng thuốc kháng sinh như: nổi mày đay, ban mẩn đỏ, ngứa hoặc sưng phù húp môi, mi mắt sau dùng kháng sinh bố mẹ cần ngừng ngay kháng sinh và đưa trẻ đi khám. Nếu trẻ có biểu hiện nặng hơn như: mệt, nôn ói, khó thở, thở rít, môi tím tái, da tái nhợt... đây có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ, cần cấp cứu ngay nên phụ huynh hoặc người chăm sóc hãy thực hiện ngay các bước như sau:

  • Gọi 115 hoặc số điện thoại cấp cứu của bệnh viện gần nhất.
  • Đảm bảo trẻ sẽ được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất.

4. Phòng ngừa dị ứng thuốc kháng sinh ở trẻ

Cách phòng ngừa tốt nhất là chỉ dùng kháng sinh khi thật cần thiết và có chỉ định của bác sĩ. Bố mẹ tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn đưa con đến gặp chuyên gia về dị ứng - bác sĩ chuyên điều trị các loại dị ứng. Chuyên gia về dị ứng có thể sẽ:

  • Tìm các tác nhân gây ra chứng dị ứng của bé, loại thuốc kháng sinh gây ra dị ứng.
  • Đề xuất các cách thức phòng tránh nguyên nhân gây ra các triệu chứng dị ứng.
  • Đưa ra kế hoạch điều trị.

Nếu trẻ bị dị ứng với thuốc kháng sinh, cách phòng ngừa tốt nhất là tránh dùng thuốc kháng sinh đó. Các bước mà phụ huynh có thể thực hiện để bảo vệ trẻ bao gồm:

  • Thông báo cho nhân viên y tế. Hãy chắc chắn rằng tình trạng dị ứng thuốc kháng sinh của trẻ được ghi rõ ràng trong hồ sơ bệnh án. Thông báo cho các nhân viên y tế khác, chẳng hạn như nha sĩ hoặc bất kỳ chuyên gia y tế nào khi bạn đến khám và điều trị bệnh.
Làm thế nào khi trẻ bị dị ứng thuốc kháng sinh?
Bố mẹ tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ
  • Đeo vòng tay. Đeo vòng đeo tay cảnh báo nhằm giúp cho nhân viên Y tế xác định tình trạng dị ứng thuốc kháng sinh của trẻ. Thông tin này có thể rất hữu ích trong trường hợp phải điều trị khẩn cấp.
  • Mang theo epinephrine. Nếu dị ứng của trẻ đã gây ra sốc phản vệ hoặc các phản ứng nghiêm trọng khác, bác sĩ có thể sẽ kê cho trẻ một ống tiêm tự tiêm và thiết bị (bơm epinephrine tiêm tự động). Phụ huynh sẽ được bác sĩ hoặc nhân viên y tế khác hướng dẫn cách sử dụng thiết bị tiêm tự động autoinjection (như Adrenaclick, AUVI-Q, EpiPen hoặc loại khác).

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: ncbi.nlm.nih.gov; Mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

63.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan