Dấu hiệu thoát vị bẹn ở bé gái

Thoát vị bẹn là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ, tỉ lệ ở bé trai cao hơn so với bé gái. Với bé gái, khi bệnh xuất hiện cũng khá nguy hiểm, gây nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trong bài viết dưới đây, các bạn có thể tìm hiểu dấu hiệu nhận biết thoát vị bẹn ở bé gái và giải pháp khắc phục tình trạng này hiệu quả.

1. Thoát vị bẹn bé gái là hiện tượng gì?

Thoát vị bẹn là một dị tật bẩm sinh nguyên nhân do ống phúc tinh mạc chưa đóng kín, góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui xuống ống và từ đây tạo thành một khối phồng ở vùng bẹn. Khối phồng này sẽ thường được gọi là thoát vị bẹn nếu xuất hiện ở bé trai và thoát vị ống nuck ở bé gái.

2. Dấu hiệu nhận biết thoát vị bẹn ở bé gái sơ sinh

Để nhận biết thoát vị bẹn ở trẻ gái, một số biểu hiện điển hình gồm có:

  • Bệnh thường có biểu hiện ban đầu là xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn. Khối phồng này sẽ lan đến vùng mu-môi lớn ở bé gái.
  • Kích thước khối phồng có sự gia tăng khi trẻ vận động mạnh, quấy khóc, chạy nhảy, ho và thường tự biến mất khi trẻ nằm yên.
  • Khi nhấn vào phần ống bẹn thường sẽ sờ được khối thoát vị. Trong trường hợp khối thoát vị bị nghẹt không thể quay về ổ niêm mạc, điều này là nguyên nhân khiến vùng u phồng có thể bị sưng đau kèm theo việc xuất hiện của những cơn đau quặn bụng dữ dội.
  • Trẻ có cảm giác khó chịu dẫn đến quấy khóc nhiều, buồn nôn và nôn.

3. Bé gái bị thoát vị bẹn có nguy hiểm không?

Bệnh thoát vị bẹn cần phải được phát hiện và can thiệp bằng phương pháp ngoại khoa để được điều trị hoàn toàn. Trong trường hợp không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thoát vị bẹn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ như:

  • Nghẹt ruột, rối loạn tiêu hóa: Khi gặp phải tình trạng này, trẻ thường có cảm giác ăn uống không ngon miệng gây chán ăn, chậm lớn, đặc biệt là việc đi vệ sinh diễn ra không thuận lợi.
  • Tắc ruột, hoại tử ruột: Trong trường hợp ruột hoặc mạc treo ruột bị kẹt lại trong túi thoát vị không thể trở lại được. Tình trạng này có thể dẫn đến việc hoại tử và thường sẽ phải cắt bỏ một phần.
  • Ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản: Ở bé gái, thoát vị bẹn có thể gây hoại tử buồng trứng và là nguyên nhân dẫn đến vô sinh.

4. Cần làm gì khi trẻ bị thoát vị bẹn?

Với tình trạng thoát vị bẹn ở bé gái, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Thông thường, các giải pháp được các bác sĩ chỉ định gồm có:

4.1. Tiến hành thăm khám lâm sàng ở bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh

Trẻ sẽ được các bác sĩ thăm khám lâm sàng để kiểm tra khối thoát vị cũng như đánh giá cơ bản về tình trạng sức khỏe của bé. Bố mẹ cũng được hỏi một số câu hỏi liên quan như có bao giờ nhìn thấy khối thoát vị bẹn không? Bé có thường có dấu hiệu đau hay quấy khóc gì không? Bé sinh đủ tháng hay sinh thiếu? Bé có bệnh nền hoặc gia đình có bố, mẹ hay anh chị em ruột bị thoát vị bẹn hay không?

4.2. Thực hiện phương pháp thăm khám cận lâm sàng

Sau khi thăm khám lâm sàng xong, với những trẻ được nghi ngờ là thoát vị bẹn. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu cơ bản, siêu âm bẹn, chụp X-quang phổi.

4.3. Thực hiện phẫu thuật thoát vị bẹn với 2 phương pháp

Để khắc phục tình trạng thoát vị bẹn bé gái, giải pháp duy nhất được áp dụng hiện này đó chính là tiến hành phẫu thuật, cụ thể:

Mổ mở ở vị trí vùng bẹn

Với cách thức này, các bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ khoảng 2cm ngay tại các nếp gấp da của bụng, sau đó tìm và phẫu thuật để thắt ống phúc tinh mạc.

Cách thức này thường mang đến tỉ lệ thành công cao nhưng lại có nhược điểm là dễ để lại sẹo sau mổ. Bên cạnh đó, tỷ lệ bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện và tỉ lệ tái phát sau mổ mở thoát vị bẹn có thể đạt mức từ 0,8-3,8%.

Sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi trị thoát vị bẹn

So với mổ mở, mổ nội soi được ứng dụng nhiều hơn trong các trường hợp phẫu thuật thoát vị bẹn ở trẻ em và người lớn.

Ưu điểm của phương pháp này là rất an toàn, ít gây sang chấn mạch máu nên ít ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của bé gái sau này.

Ngoài ra, nếu như mổ mở để lại vết rạch có thể dài tới hơn 2cm và để lại sẹo thì mổ nội soi lại đảm bảo tính thẩm mỹ cao hơn. Thông thường, quá trình thực hiện sẽ tạo vết rạch rất nhỏ chỉ 2mm và sau khi mổ hầu như không nhìn thấy vết sẹo này.

Khi mổ nội soi, với camera nội soi trong ổ bụng, các bác sĩ cũng đảm bảo không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện. Trong trường hợp phát hiện có thoát vị bẹn bên đối diện, khi đó các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ngay trong cùng một lần mổ.

5. Lưu ý khi phẫu thuật thoát vị bẹn ở bé gái

Trong trường hợp trẻ được chỉ định phẫu thuật thoát vị bẹn, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

  • Trẻ phải nhịn ăn khoảng 6 giờ trước khi phẫu thuật để đảm bảo dạ dày rỗng khi gây mê cũng như giảm nguy cơ trào ngược do hít phải dịch dạ dày trong quá trình thực hiện phẫu thuật.
  • Trẻ không nên uống sữa, uống nước ngọt, nước có gas, nước có màu khi chuẩn bị phẫu thuật.
  • Thông báo với bác sĩ các loại thuốc bé đang sử dụng, tiền sử bệnh lý của trẻ cũng như yếu tố dị ứng nếu có.
  • Trò chuyện trước với bé để con giữ tinh thần thoải mái trước khi phẫu thuật.

Về cơ bản, thoát vị bẹn ở trẻ gái không quá nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời. Trong trường hợp thấy con có các biểu hiện nghi ngờ thoát vị bẹn, cha mẹ hãy cho bé thăm khám để được chẩn đoán, điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan