Đặc điểm hệ hô hấp trẻ em - Phần 1

Bài viết được viết bởi ThS.BS Ma Văn Thấm - Bác sĩ Nội Nhi, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Hệ hô hấp gồm: mũi, hầu, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, phổi, lồng ngực và các cơ hô hấp. Trung tâm hô hấp và các thần kinh dẫn truyền cùng góp phần quan trọng trong hệ hô hấp.

1. Đặc điểm về giải phẫu, cấu tạo

1.1. Mũi

  • Trẻ nhỏ: lỗ mũi và ống mũi hẹp, khoang hầu nhỏ và ngắn. Do đó không khí thở vào không được lọc sạch và sưởi ấm đầy đủ.
  • Niêm mạc mũi mềm, nhiều mạch máu nên dễ chấn thương, xây xát gây chảy máu.
  • Chức phận hàng rào niêm mạc mũi kém, do khả năng sát trùng của niêm dịch kém, nên mũi trẻ dễ bị viêm nhiễm.
  • Tổ chức hang ở lớp dưới niêm mạc: ở trẻ nhỏ ít phát triển, còn từ 5 tuổi đến dậy thì lại phát triển mạnh. Nên trẻ dễ bị chảy máu cam.
  • Lúc mới sinh đã có xoang hàm, còn xoang sàng phát triển chưa rõ rệt cho đến 2 tuổi. Xoang tránxoang bướm phát triển từ 2 tuổi cho đến tuổi dậy thì. Vì vậy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ít bị viêm lan tỏa tới các xoang.

1.2. Họng, hầu

  • Hẹp, ngắn có hướng thẳng đứng.
  • Có hình phễu, sụn mềm và nhẵn.
  • Họng phát triển mạnh trong năm đầu và tuổi dậy thì.
  • Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi: họng trẻ trai và gái dài bằng nhau, từ 3 tuổi trở đi, họng trẻ trai dài hơn họng trẻ gái.
  • Vòng bạch huyết Waldayer: phát triển mạnh lúc 4 - 6 tuổi cho đến tuổi dậy thì. Ở trẻ dưới 1 tuổi, tổ chức bạch huyết ít phát triển, thường chỉ thấy V.A phát triển, mà chưa thấy phát triển Amidan khẩu cái. Từ 2 tuổi trở lên Amidan khẩu cái mới phát triển rõ và có thể nhìn thấy được.
Vòng bạch huyết waldayer
Hình ảnh mô tả vòng bạch huyết Waldayer

1.3. Thanh khí phế quản

1.3.1. Thanh quản

  • Hình phễu, mở rộng ở phía trên, ở trẻ bú mẹ: thanh quản nằm ở vị trí cao hơn 2 đốt sống so với người lớn. Thanh quản phát triển từ từ, đến tuổi dậy thì mới phát triển mạnh.
  • Dưới 6 - 7 tuổi: khe thanh âm hẹp, dây thanh đới ngắn. Do đó giọng nói của trẻ em cao hơn. Từ 12 tuổi trở đi thanh đới trẻ trai dài hơn trẻ gái, nên giọng nói trẻ trai trầm hơn.

1.3.2. Khí quản

  • Khí quản trẻ em dưới 6 tháng có hình phễu. Trẻ sơ sinh khí quản dài 4cm, rộng 0,5cm. Trẻ dưới 5 tuổi dài 5,5cm, rộng 0,7 cm.
  • Niêm mạc của khí quản nhẵn, nhiều mạch máu và tương đối khô vì các tuyến của niêm mạc chưa phát triển.
  • Sụn khí quản mềm, dễ bị co dãn.

1.3.3. Phế quản

  • Vị trí chỗ khí quản phân đôi:

+ Sơ sinh: đốt sống lưng III - IV

+ Trẻ 2 - 6 tuổi: đốt sống lưng IV - V

+ Trẻ 12 tuổi: đốt sống lưng V - VI

Nhánh phế quản phải rộng và tiếp tục thẳng theo hướng đi của khí quản, nên dị vật dễ rơi vào hơn.

1.3.4. Đặc điểm chung thanh khí phế quản trẻ em

  • Lòng tương đối hẹp
  • Tổ chức đàn hồi ít phát triển
  • Vòng sụn mềm, dễ biến dạng
  • Niêm mạc có nhiều mạch máu

Do những đặc điểm trên, trẻ em dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, niêm mạc thanh khí phế quản dễ bị phù nề, xuất tiết và dễ bị biến dạng trong quá trình bệnh lý.

1.4. Phổi

Đặc điểm cấu tạo của phổi trẻ em có ý nghĩa quan trọng đối với tình trạng bệnh lý hô hấp. Sự phát triển của phổi trẻ em chia làm 2 quá trình: tăng về khối lượng, diện tích hô hấp của phổi và biệt hoá các tổ chức phổi.

hệ hô hấp trẻ
Vị trí và cấu tạo của phổi thuộc hệ hô hấp ở trẻ nhỏ

1.4.1. Phổi trẻ em lớn dần theo tuổi

* Trọng lượng phổi trẻ em

  • Trẻ sơ sinh: 50 - 60g (khoảng 1/34 - 1/54 trọng lượng cơ thể trẻ)
  • Trẻ 6 tháng: gấp 3 lần so với lúc mới đẻ
  • Trẻ 12 tuổi: tăng gấp 10 lần so với lúc mới đẻ
  • Người lớn: nặng hơn phổi trẻ sơ sinh 20 lần

* Khối lượng phổi trẻ em: trong quá trình phát triển tăng lên rất nhanh.

  • Trẻ sơ sinh: 65 - 67 ml
  • Trẻ 12 tuổi: tăng gấp 10 lần so với lúc đẻ

* Kích thước phế nang: tăng dần theo tuổi.

  • Sơ sinh: 0,05 - 0,07 mm
  • Trẻ 5 - 7 tuổi: 0,12 mm
  • Trẻ 12 - 15: 0,17 mm
  • Người lớn: 0,20 mm

Do đó diện tích hô hấp cũng tăng lên: trẻ sơ sinh 6m2, người lớn 50 m2.

1.4.2. Về mặt cấu tạo

  • Đơn vị cấu tạo cơ bản: túi phổi (Acini), mỗi túi phổi gồm khoảng 20 - 25 phế nang và phế quản phế nang. Sự phát triển của phổi từ sơ sinh đến 8 tuổi chủ yếu là do tăng số lượng phế nang, còn thời kỳ sau tăng về kích thước các phế nang.
  • Phổi trẻ em ít tổ chức đàn hồi, do đó dễ bị xẹp phổi, khí phế thũng, giãn phế nang khi bị viêm phổi, ho gà..
  • Phổi trẻ em nhất là trẻ nhỏ có nhiều mạch máu, các mạch bạch huyết và sợi cơ nhẵn. Nên phổi trẻ em có khả năng co bóp lớn, tái hấp thu dịch trong phế nang nhanh hơn.
  • Rãnh liên thuỳ phổi trẻ nhỏ không rõ rệt, phổi phải có 2 rãnh, phổi trái có 1 rãnh. Các rãnh này dần dần sẽ rõ và sâu hơn.

1.4.3. Rốn phổi

  • Gồm phế quản gốc, thần kinh, mạch máu, hạch bạch huyết. Những hạch này có mối liên hệ với các hạch khác ở phổi. Do đó mọi quá trình viêm nhiễm ở phổi đều có thể gây phản ứng đến các hạch rốn phổi.
  • Rốn phổi phải cao hơn rốn phổi trái (rốn phổi phải ngang với D5 - D6, còn rốn phổi trái ngang với D6 - D7).
  • Hạch bạch huyết ở rốn phổi:

+ Gồm: nhóm khí quản, khí phế quản, phế quản phổi, ở chỗ khí quản phân đôi.+ Những nhóm hạch ở rốn phổi có liên quan với hạch bạch huyết ở trung thất, thượng đòn nên rất dễ bị viêm nhiễm.

Rốn phổi
Hình ảnh vị trí của rốn phổi

1.5. Màng phổi

  • Màng phổi trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ: rất mỏng, dễ bị dãn ra khi thở vào sâu hoặc khi bị tràn dịch, tràn khí màng phổi.
  • Khoang màng phổi do 2 lá màng (lá thành và lá tạng tạo nên), khoang màng phổi ở trẻ nhỏ dễ thay đổi vì các lá thành của màng phổi dính vào thành ngực chưa chắc. Sự tích lũy các chất dịch do các quá trình viêm tạo nên trong màng phổi dễ gây ra hiện tượng chuyển dịch các cơ quan trong trung thất.

1.6. Lồng ngực

Hình thể và cấu tạo lồng ngực trẻ em thay đổi theo tuổi và có những đặc điểm sau:

  • Trẻ sơ sinh: lồng ngực ngắn, hình trụ. Đường kính trước sau bằng đường kính ngang. Xương sườn nằm ngang và thẳng góc với cột sống. Cơ hoành nằm cao, cơ liên sườn chưa phát triển đầy đủ.
  • Khi trẻ biết đi: Lồng ngực có sự thay đổi (dẹt lại), đường kính ngang lớn gấp 2 lần đường kính trước sau. Các xương sườn chếch xuống dưới, cơ hoành hạ thấp dần, cơ liên sườn, cơ lồng ngực phát triển dần.

Sự phát triển lồng ngực còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, đặc biệt là việc tập luyện của trẻ, cũng như phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, nhất là bệnh còi xương sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lồng ngực.

Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

>> Xem tiếp: Đặc điểm hệ hô hấp trẻ em - Phần 2

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan