Có nên cho trẻ phơi nắng?

Tỷ lệ ung thư da vẫn đang tiếp tục gia tăng, ngay cả ở trẻ nhỏ. Cha mẹ cần hết sức cảnh giác trong việc bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời mọi lúc. Theo Tổ chức Ung thư Da, da bị bỏng nắng ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư hắc tố sau này. Có nên cho bé phơi nắng và nên cho trẻ tắm nắng bao lâu luôn là thắc mắc của nhiều cha mẹ.

Da trẻ mỏng manh và sản xuất ít melanin - một sắc tố bảo vệ da. Tia cực tím (UV) tiếp cận các tế bào sắc tố của da, sản xuất ra các tế bào melanin, được gọi là tế bào hắc tố, và gây tổn thương DNA cho da. Kem chống nắng chỉ là một trong những biện pháp bảo vệ chống lại tác hại của bức xạ tia cực tím. Các biện pháp như ở dưới bóng râm và mặc quần áo chống nắng cho trẻ cũng quan trọng không kém.

1. Ánh nắng mặt trời có hại cho trẻ em không?

Trẻ em có làn da nhạy cảm, dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với bức xạ cực tím (UV) của mặt trời, ngay cả trong những ngày nhiều mây hoặc u ám. Cho trẻ phơi nắng quá nhiều có thể gây cháy nắng, say nắng / kiệt sức vì nhiệt, ung thư da, đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác. Trong những tháng mùa hè ấm áp, làn da nhạy cảm của trẻ cũng có thể bị bỏng khi chạm vào các bề mặt nóng như mặt đường, cầu trượt kim loại ngoài trời hoặc cửa ô tô.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với bức xạ UV cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và giảm hiệu quả của một số loại vắc xin.

Mặt trời gây lão hóa sớm và gây hại cho da. Với hoạt động vui chơi ngoài trời, phần lớn chúng ta tiếp xúc với tia UV trước 18 tuổi. Khi trưởng thành, nhiều người trong chúng ta đã hấp thụ quá nhiều tia UV gây ung thư da. Bằng cách bảo vệ trẻ em khỏi bị cháy nắng và tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư da của chúng ở tuổi trưởng thành.

Ung thư da là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất đối với thanh niên từ 15-29 tuổi. Một số chuyên gia đổ lỗi cho việc sử dụng kem chống nắng không phù hợp, nói rằng mọi người không thoa đủ kem dưỡng da hoặc không thoa lại thường xuyên theo yêu cầu.

Ung thư da có thể phát triển ở bất kỳ loại da nào. Hãy hết sức cẩn thận với những trẻ có nước da trắng và / hoặc tóc vàng hoặc đỏ. Chúng được xem là đối tượng dễ bị bỏng và có nhiều nguy cơ phát triển ung thư da nhất sau này trong cuộc đời. Hầu hết các tia UV có hại của mặt trời đều có thể xuyên qua lớp mây mù, vì vậy hãy nhớ bảo vệ con bạn ngay cả khi trời nhiều mây hoặc không cảm thấy nóng.

2. Bố mẹ nên cho trẻ tắm nắng bao lâu?

Trong một số trường hợp, ánh sáng mặt trời tốt cho cơ thể và cần thiết cho sức khỏe của xương. Một số nhà nghiên cứu về vitamin D đã gợi ý rằng khoảng 5 đến 30 phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất hai lần một tuần đối với mặt, cánh tay, chân hoặc lưng mà không có kem chống nắng giúp cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể. Những người bị hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cần được đảm bảo bổ sung thêm vitamin D từ chế độ ăn uống của họ hoặc sử dụng các viên uống bổ sung để đạt được nhu cầu khuyến nghị.

Ánh nắng mặt trời giúp trẻ hấp thu nhiều vitamin D cần thiết cho sự phát triển của hệ xương và răng. Tuy nhiên, cần cố gắng để trẻ hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Đây là lúc cường độ bức xạ cực tím từ ánh nắng mặt trời mạnh nhất. Khi phải ở ngoài trời trong khung giờ này, hãy tìm cây cối và những khu vực có bóng mát tự nhiên khác để trẻ em chơi. Nếu có thể, hãy sử dụng ô che nắng nếu không thể tìm thấy chỗ râm mát.

có nên cho trẻ phơi nắng
Giải đáp có nên cho trẻ phơi nắng?

3. Một số phương pháp bảo vệ trẻ trước bức xạ mặt trời

Phụ huynh hãy nhớ bảo vệ làn da của các con bằng quần áo và kem chống nắng.

3.1. Về quần áo

  • Nên lựa chọn các loại quần áo rộng rãi, thích hợp.
  • Chất liệu cotton chặt chẽ giúp bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời.
  • Nếu bạn có thể nhìn xuyên qua quần áo một cách dễ dàng, thì tia UV cũng có thể xuyên qua.
  • Áo sơ mi dài tay và quần dài là trang phục tốt nhất để bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời.
  • Nên đội mũ rộng vành không có dây buộc, đặc biệt là mũ che kín cổ.
  • Tránh các loại mũ bóng chày không che được tai hoặc sau gáy.
  • Bố mẹ có thể cân nhắc mua cho trẻ những bộ đồ bơi nhẹ, chống nắng và mũ được thiết kế đặc biệt để bơi lội và vui chơi ngoài trời.

3.2. Kem chống nắng

  • Kem chống nắng cũng là một biện pháp bảo vệ trẻ trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Các bác sĩ da liễu đặc biệt khuyên bạn nên dùng kem chống nắng có khả năng bảo vệ khỏi tia UVA và UVB, với chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên nếu bạn và con bạn ra nắng. Đừng quên sử dụng son dưỡng môi có SPF 30. Đảm bảo sử dụng các sản phẩm được Hiệp hội Da liễu phê duyệt.
  • Đối với một số ít trẻ em, các hóa chất trong một số loại kem chống nắng có thể gây phát ban hoặc bỏng da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Phụ huynh nên thử thoa một ít kem chống nắng trên một vùng da nhỏ trước khi thực sự sử dụng sản phẩm ở các vùng da khác trên cơ thể hoặc sử dụng kem chống nắng gốc khoáng có chứa kẽm hoặc titan để giảm thiểu nguy cơ phản ứng da.
  • Bôi kem chống nắng 30 phút trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để da hấp thụ và ít bị chà xát hoặc rửa trôi. Bôi kem chống nắng theo hướng dẫn trên bao bì và bôi lại sau mỗi vài giờ, sau khi bơi hoặc sau thời gian hoạt động vui chơi. Những người bơi lội và những người đổ mồ hôi nhiều nên sử dụng kem dưỡng da không thấm nước.
  • Đối với trẻ em mặc đồ tắm, hãy nhớ bôi kem chống nắng lên và dưới mép của bộ đồ để bảo vệ các vùng nhạy cảm, chẳng hạn như đùi trên và ngực. Đặc biệt chú ý đến tai, gáy, bàn chân và mặt sau của đầu gối.
  • Hãy cẩn thận khi thoa kem chống nắng gần mắt. Nó có thể gây khó chịu, kích ứng vì vậy hãy tránh mí mắt trên và dưới.
  • Kem chống nắng, giống như nhiều sản phẩm khác, đều có thời hạn sử dụng và trở nên kém hiệu quả theo thời gian. Kiểm tra hạn sử dụng của hộp đựng kem chống nắng và loại bỏ nếu chúng quá hạn sử dụng.
  • Không nên dùng kem chống nắng cho trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi vì trẻ có thể dụi vào mắt và miệng.
có nên cho trẻ phơi nắng
Kem chống nắng cũng là một biện pháp bảo vệ trẻ trước tác hại của ánh nắng mặt trời

3.3. Các biện pháp khác

Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi đặc biệt nhạy cảm với bức xạ tia cực tím và nhiệt. An toàn nhất là để trẻ dưới 12 tháng không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong khoảng thời gian có cường độ bức xạ cao. Cố gắng tìm hoặc tạo bóng râm cho bé nếu cho bé ra ngoài trời. Sử dụng xe đẩy có tấm che nắng nếu có thể. Nếu em bé của bạn phải ở ngoài nắng, bạn có thể thoa kem chống nắng cho những vùng da nhỏ không được che bởi quần áo hoặc mũ.

Đừng để bé bị mất nước hoặc quá nóng. Đảm bảo rằng em bé của bạn được cung cấp đủ nước trong thời tiết nóng bức bằng cách cho bé bú sữa mẹ hoặc thứ gì đó để uống mỗi giờ hoặc lâu hơn. Điều quan trọng là đừng bao giờ để con bạn một mình trong xe trong thời tiết oi bức.

Ngoài ra, các tia UV cũng gây hại cho mắt của trẻ tương tự như làn da. Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 10 tuổi đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến mắt do tia UV. Da trên mí mắt và xung quanh mắt của chúng mỏng manh và dễ bị tổn thương hơn da của người lớn. Và cho đến khoảng 10 tuổi, thủy tinh thể của mắt trẻ em trong suốt, cho phép sự xuyên thấu của năng lượng mặt trời lớn hơn và do đó các thay đổi về mắt gây ra tia UV cũng nguy cơ lớn hơn. Tiếp xúc võng mạc với tia UV có liên quan đến đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng, cả hai nguyên nhân gây suy giảm thị lực.

Tác hại của tia UV hình thành theo thời gian, vì vậy nên bắt đầu bảo vệ mắt của trẻ khỏi ánh nắng mặt trời càng sớm để giảm thấp nguy cơ mắc các bệnh về mắt trong tương lai. May mắn thay, kính râm có khả năng bảo vệ cả vùng da quanh mắt và mắt. Các tiêu chuẩn về kính râm đã được cải thiện và hầu hết các nhãn hiệu đều có hiệu quả trong việc sàng lọc hoặc phản xạ tia cực tím. Tìm kính râm có khả năng bảo vệ từ 99 đến 100% tia UVA và UVB. Tròng kính lớn, kính vừa vặn và thiết kế ôm sát là thiết kế phù hợp để bảo vệ mắt cho trẻ trước ánh nắng mặt trời. Nên bắt đầu đeo kính râm cho những đứa trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.

4. Nguy cơ bỏng da khi cho trẻ phơi nắng

Trẻ em phơi nắng quá lâu có thể gặp phải tình trạng bỏng da. Khi bị cháy nắng, trẻ thường bị đau và cảm giác nóng rát. Các triệu chứng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn sau vài giờ kể từ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Một số bé xuất hiện dấu hiệu bị ớn lạnh. Bởi vì ánh nắng mặt trời đã làm khô da và có thể trở nên ngứa và căng. Da bị cháy nắng bắt đầu bong tróc khoảng một tuần sau khi bị cháy nắng.

Phụ huynh cần thận trọng chăm sóc các bé, khuyến khích trẻ không gãi hoặc lột lớp vảy da lỏng lẻo này vì da bên dưới vết cháy nắng có nguy cơ bị nhiễm trùng. Một số biện pháp xử trí khi trẻ bị cháy nắng:

  • Cho trẻ tắm nước mát (không lạnh) hoặc nhẹ nhàng chườm mát và chườm ướt lên da để giúp giảm đau và làm nóng da.
  • Bôi gel lô hội nguyên chất (có ở hầu hết các hiệu thuốc) lên bất kỳ vùng da bị cháy nắng nào.
  • Cho trẻ uống thuốc chống viêm như ibuprofen hoặc dùng acetaminophen để giảm đau và ngứa. (Không cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên uống aspirin.)
  • Diphenhydramine không kê đơn cũng có thể giúp giảm ngứa và sưng tấy.
  • Bôi kem dưỡng ẩm để bù nước cho da và trị ngứa.
  • Nếu cháy nắng nghiêm trọng và xuất hiện các mụn nước, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
  • Không gãi, làm vỡ hoặc nặn mụn nước, vì có thể bị nhiễm trùng và gây sẹo.
  • Giữ trẻ tránh xa ánh nắng mặt trời cho đến khi vết cháy nắng được chữa lành. Bất kỳ việc tiếp xúc nào với ánh nắng mặt trời sẽ chỉ làm cho vết bỏng trở nên tồi tệ hơn và làm tăng cảm giác đau.

Ngoài lưu ý về việc nên cho trẻ tắm nắng bao lâu, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng cho các con.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan