Công dụng thuốc Cystincap

Thuốc Cystincap có thành phần hoạt chất chính là L-Cystine thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh da liễu, thường được sử dụng trong các trường hợp tàn nhang, cháy nắng, viêm da, ...

1. Cystincap là thuốc gì?

Thuốc Cystincap được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội – Việt Nam và lưu hành trên thị trường với số đăng ký là VD– 26772 – 17. Thuốc Cystincap được phân loại vào nhóm thuốc điều trị bệnh da liễu, có thành phần hoạt chất chính là L-Cystine.

  • Dạng bào chế: Viên nang mềm, mỗi viên chứa 500mg L-Cystine và các tá dược khác của nhà sản xuất.
  • Quy cách đóng gói: Vỉ 15 viên, mỗi hộp gồm 1 vỉ, 2 vỉ hoặc 4 vỉ và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

2. Cystincap có tác dụng gì?

Công dụng:

  • L-cystin là một acid amin tự nhiên được tinh chế từ nhung hươu. L-cystin có tác dụng làm tăng chuyển hóa ở da và khử các gốc tự do.
  • Khi L-cystin có đủ trong tế bào hắc tố ở da sẽ tác dụng với dopaquinone để tạo thành cystinyldopa, chất này có tác dụng tăng chuyển hóa ở da, đưa hắc tố ra lớp da ngoài cùng và đào thải cùng lớp sừng. L-cystin tăng cường tổng hợp keratin, làm cứng chân tóc và móng. Ngoài ra, L-cystin ức chế enzym collagenase phá huỷ chất tạo keo làm hư hỏng giác mạc. Collagenase được tạo ra ở nơi tổn thương giác mạc do chấn thương, vi sinh vật, hóa chất.
  • Bên cạnh đó, L-cystin là tác nhân đóng vai trò chủ yếu trong nhiều bệnh lão hóa. Vì vậy, thuốc được sử dụng như một tác nhân chống lão hóa, tăng tuổi thọ.

Dược động học:

  • Hấp thu: L-cystin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 1 – 6 giờ uống thuốc.
  • Phân bố: Sau khi uống, thuốc được phân bố chủ yếu ở gan và hiện diện ở bề mặt cơ thể sau 5 giờ.
  • Chuyển hóa: L-cystin được chuyển hoá ở gan như với acid pyruvic và taurine.
  • Thải trừ: L-cystin được thải trừ chủ yếu qua mật, 21% liều lượng được thải trừ trong vòng 1 ngày sau khi uống.

3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Cystincap

Thuốc Cystincap được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Hỗ trợ điều trị tăng sắc tố da như nốt ruồi son, tàn nhang, cháy nắng, ...
  • Viêm da do thuốc
  • Ban da, mày đay, chàm, mụn nhọt, mụn trứng cá
  • Các triệu chứng khác như gãy móng, rụng tóc, tóc và móng dễ gãy chẻ, ...

Chống chỉ định: Tuyệt đối không sử dụng thuốc Cystincap trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Cystincap.
  • Rối loạn chức năng gan thận
  • Hôn mê gan
  • Cystin niệu
  • Kết hợp với Levodopa
  • Dị ứng đậu nành

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Cystincap

Để sử dụng thuốc Cystincap an toàn và hiệu quả, người bệnh chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ liều lượng, đường dùng, thời gian dùng thuốc. Không nên tự ý thay đổi liều lượng, đường dùng của Cystincap hoặc ngừng thuốc. Đồng thời, không nên sử dụng chung thuốc Cystincap với người khác hoặc đưa thuốc này cho người khác sử dụng ngay cả khi họ có cùng chẩn đoán.

Liều lượng:

  • Người lớn: 4 viên / ngày (tính theo viên 500mg), chia làm 2 lần. Thời gian điều trị từ 2 – 3 tháng (thời gian cần thiết để lông, móng, tóc mọc lại).
  • Đối với rụng tóc do nội tiết tố nam (chứng rụng tóc thường gặp, chiếm đến 90% và có thể gặp ở phụ nữ): Liều tham khảo là 4 viên / ngày x 2 tháng, sau đó nghỉ 1 tháng; hoặc có thể dùng 15 ngày mỗi tháng.

Cách dùng:

  • Thuốc Cystincap được bào chế dưới dạng viên nang mềm và dùng theo đường uống. Người bệnh nuốt viên thuốc với nhiều nước sau bữa ăn, không nhai hoặc nghiền nát để phá vỡ cấu trúc vỏ nang.

Xử trí khi quên liều thuốc Cystincap:

  • Nếu quên liều, có thể sử dụng liều khác ngay khi nhớ ra. Bỏ qua nếu đã đến gần lần dùng thuốc tiếp theo, tiếp tục dùng liều thuốc mới như bình thường.
  • Không gộp liều để bù cho liều đã quên.
  • Không nên để quên nhiều lần trong thời gian điều trị. Người bệnh có thể sử dụng thiết bị nhắc nhở để tránh quên dùng thuốc.

Xử trí khi quá liều thuốc Cystincap:

  • Chưa ghi nhận trường hợp quá liều thuốc Cystincap. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc thuốc an toàn tuyệt đối.
  • Người bệnh nên chủ động theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng xảy ra sau khi dùng thuốc. Nếu có bất thường gì, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn hợp lý.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Cystincap

Với liều thông thường, Cystincap được dung nạp tốt. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa từng người mà thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như phát ban, viêm dạ dày, táo bón, tiêu chảy, nôn mửa trong quá trình sử dụng.

Thông báo cho bác sĩ về các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc Cystincap.

6. Tương tác thuốc

Chưa có đầy đủ nghiên cứu về tương tác thuốc của Cystincap khi phối hợp với những thuốc và các sản phẩm khác. Lưu ý không dùng đồng thời Cystincap với các thuốc có chung thành phần hoặc công dụng để tránh quá liều.

Để đảm bảo an toàn và tránh xảy ra tương tác thuốc, hãy thông báo với bác sĩ về những thuốc, thực phẩm chức năng đang dùng để được kê đơn hợp lý.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Cystincap

  • Sử dụng thuốc trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú: Chưa có đầy đủ bằng chứng về việc sử dụng thuốc Cystincap cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, chỉ sử dụng thuốc trong trường hợp thật cần thiết và phải tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
  • Cystincap không gây phản ứng bất lợi lên hệ thần kinh nên dùng được cho người lái xe và vận hành máy móc.
  • Nếu sau 1 tháng điều trị, các triệu chứng không thuyên giảm, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để được đánh giá lại.

8. Bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Cystincap trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi khô ráo, thoáng mát (độ ẩm dưới 80%), tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mạnh, nhiệt độ dưới 30 độ C.
  • Để Cystincap tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi, tránh chúng không biết nuốt phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
  • Không dùng thuốc Cystincap đã hết hạn hoặc có biểu hiện thay đổi màu sắc, bao bì rách nát, không còn nguyên tem nhãn niêm phong.
  • Không vứt thuốc Cystincap vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.

Thuốc Cystincap có thành phần hoạt chất chính là L-Cystine thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh da liễu, thường được sử dụng trong các trường hợp tàn nhang, cháy nắng, viêm da, ... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

493 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan