Cảnh giác "khoảng trống miễn dịch" của trẻ từ 6 tháng - 3 tuổi

Nhiều cha mẹ phàn nàn về việc con bắt đầu thường xuyên bị ốm kể từ giai đoạn ăn dặm đến năm bé được 3 tuổi. Nguyên nhân của hiện tượng này chính là trẻ đang phải trải qua giai đoạn "khoảng trống miễn dịch". Vậy khoảng trống miễn dịch của trẻ là gì?

1. Hệ miễn dịch của trẻ trong 6 tháng đầu đời

Hệ miễn dịch đối với trẻ là vô cùng quan trọng. Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể trẻ bằng cách nhận diện kháng nguyên lạ (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các tế bào lạ...) xâm nhập vào cơ thể, từ đó sản sinh ra các kháng thể để tiêu diệt chúng.

Khi chào đời, miễn dịch bẩm sinh của bé còn rất non yếu, lượng kháng thể giúp bé chống chọi với các nguy cơ bệnh tật chính là kháng thể IgG mà bé nhận được từ mẹ và sau đó là nguồn IgG của sữa non. Cụ thể hơn, trong giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, các kháng thể từ người mẹ được truyền sang trẻ thông qua nhau thai, quá trình này được gọi là "miễn dịch thụ động". Các kháng thể có được từ miễn dịch thụ động sẽ giúp trẻ được bảo vệ một cách rất hữu hiệu ngay sau sinh.

Tuy nhiên, miễn dịch thụ động không tồn tại mãi mãi, miễn dịch thụ động cũng không tự tạo ra được sức đề kháng kéo dài vì kể từ khi bé chào đời, các kháng thể này sẽ bắt đầu giảm mạnh và mất dần trong khoảng 6 tháng tiếp theo. Vì vậy, ngay từ khi lọt lòng, trẻ cần được bú sữa mẹ ngay lập tức và bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất là 6 tháng đầu. Lúc này sữa mẹ đóng vai trò là nguồn cung cấp tiếp tục các kháng thể thụ động, giúp cơ thể trẻ duy trì được khả năng phòng chống bệnh tật do hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa thể tự sản xuất ra kháng thể, hay nói cách khác trẻ chưa có miễn dịch chủ động.

Xem ngay: “Xốc lại” hệ miễn dịch mùa lạnh

khoảng trống miễn dịch
Từ 6 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” của bé

2. Khoảng trống miễn dịch của trẻ là gì?

Khi trẻ được 6 tháng tuổi trở đi, các kháng thể IgG có được từ miễn dịch thụ động mà mẹ truyền sang trẻ trong 3 tháng cuối đã giảm đi rất nhiều nhưng trẻ chưa có miễn dịch chủ động, cần đến khi trẻ được 3 tuổi thì hệ miễn dịch của trẻ mới bắt đầu có khả năng tự sản sinh ra kháng thể bảo vệ cơ thể trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng.

Khoảng thời gian giao thoa từ khi trẻ 6 tháng tuổi đến độ tuổi lên 3 hay giai đoạn “bỏ trống” giữa hệ miễn dịch thụ động và chủ động chính là "khoảng trống miễn dịch". Do đó trong độ tuổi này, trẻ trở nên rất nhạy cảm đối với các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng từ môi trường bên ngoài, dẫn đến việc trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, dị ứng...

Thực tế từ 6 tháng đến 3 tuổi, trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, các bé cũng bắt đầu tiếp xúc với môi trường xung quanh nhiều hơn theo quá trình phát triển bình thường về thể chất và trí não, đây chính là cơ hội cho các tác nhân gây bệnh tấn công cơ thể trẻ. Tuy nhiên lúc này cơ thể bé lại rất khó chống chọi được các tác nhân này, đó cũng một là nguyên nhân góp phần làm bé thường xuyên ốm vặt trong giai đoạn mới bắt đầu ăn dặm trở đi.

Trẻ thiếu hụt kháng thể IgG trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch nếu không được chăm sóc tốt rất dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh thường xuyên, điều này lại gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến nguy cơ phát sinh nhiều bệnh, gặp tác dụng phụ và dễ gây kháng thuốc kháng sinh về sau.

Trẻ cần được cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh giúp bé có được sức khỏe ổn định, tạo tiền đề cho bé bước vào giai đoạn "khoảng trống miễn dịch" nhẹ nhàng. Ngoài ra, khi đến giai đoạn ăn dặm, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, cho bé ngủ đủ giấc, tăng cường vận động thể chất, giữ gìn vệ sinh và không nên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh.

Xem ngay: Cách nào cải thiện hệ miễn dịch?

khoảng trống miễn dịch
Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp con “bù đắp” khoảng trống miễn dịch

3. Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp con “bù đắp” khoảng trống miễn dịch

Vì nhiều nguyên nhân, trẻ thường được mẹ cho cai sữa khi được 1 tuổi hoặc thậm chí sớm hơn, lúc này trẻ không còn nhận được nguồn kháng thể dồi dào và tuyệt vời từ sữa mẹ. Trẻ cần một thời gian rất dài đến khi được 3 - 4 tuổi cơ thể trẻ mới tự sản xuất được kháng thể. Vì thế, việc bổ sung vitamin và khoáng chất hỗ trợ hệ miễn dịch cho trẻ trong giai đoạn này là rất quan trọng, giúp hệ thống củng cố và nhanh chóng lấp đầy khoảng trống miễn dịch.

Dinh dưỡng hợp lý là cách xây dựng cho trẻ một hàng rào miễn dịch tự thân, chế độ ăn dặm của trẻ là hợp lý khi cân đối được các nhóm chất: chất đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Theo đó, việc tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất là vô cùng quan trọng với bé, có 90 loại vi chất giúp hỗ trợ sự phát triển của trẻ như vitamin: A (400mcg/ngày), D (tối thiểu 600 IU/ngày, trung bình 1.000 IU/ngày), C (tuổi từ 1-6 cần 30mg/ngày), các vitamin nhóm B... và khoáng chất như: kẽm, sắt, selen, canxi, magie...

  • Sắt đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành protein, tạo miễn dịch và ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí thông minh, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cần cung cấp 7mg/ngày cho trẻ 1 - 3 tuổi, có thể thông qua: thịt (thịt đỏ), gan động vật (không lạm dúng để tránh dư vitamin A), trái cây sấy, ngũ cốc, các loại rau có màu xanh...
  • Kẽm là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển calci vào não, thiếu hụt kẽm sẽ khiến quá trình vận chuyển bị trở ngại, trẻ rất dễ sinh ra cáu gắt. Bên cạnh đó kẽm còn giúp tổng hợp hormone tăng trưởng, hormone insulin, hormon thymulin... cùng với tác dụng của các vitamin A, E, B6..; từ đó làm tăng cường hệ miễn dịch giúp chống các bệnh nhiễm khuẩn.
  • I-ốt cũng là dưỡng chất không thể thiếu, nếu trẻ thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động và phát triển của cơ thể như khiến trẻ chậm lớn, nói ngọng, bướu cổ, thiểu năng giáp, trẻ từ 1 - 3 tuổi cần 70mcg i-ốt mỗi ngày.
  • Vitamin nhóm B (1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 9, 12...) đóng vai trò khác nhau nhưng chúng đều tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng và giúp trẻ chống lại tâm trạng tiêu cực. Nhu cầu vitamin B1 phải đạt là 0,40mg/1.000kcal, B2 cần đạt 0,5 mg...

Bổ sung vitamin và khoáng chất tốt nhất là từ thức ăn,tuy nhiên không phải tất cả bé đều hấp thụ tốt và đủ lượng cần theo khuyến cáo, khi đó cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung có chứa vitamin A, C, D, kẽm, sắt, selen...

Cũng theo các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan