Cách xây dựng lòng tự trọng của trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ Lê Thu Phương - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ độ tuổi mẫu giáo có vẻ là một trách nhiệm khó khăn. Bởi ngay cả những người lớn tự tin nhất đôi khi cũng cảm thấy không tốt về bản thân. Sau đây là những gợi ý dạy trẻ về lòng tự trọng một cách lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi.

1. Yêu thương vô điều kiện

Hãy âu yếm, hôn và vỗ nhẹ vào lưng của trẻ, thường xuyên bày tỏ rằng bố mẹ yêu con nhiều như thế nào, bất kể con là ai hay làm gì. Lòng tự trọng của trẻ nảy nở khi bạn chấp nhận con người thật của bé, bất kể ưu hay khuyết điểm, mọi tính khí và khả năng của con.

Khi phải kỷ luật con mình, hãy nói rõ rằng hành vi của con là không thể chấp nhận được, chứ không phải bố mẹ ghét chính con. Ví dụ, thay vì nói: "Con nghịch quá! Tại sao không chịu ngoan ngoãn vậy?", bạn hãy nói: "Đẩy ngã bạn như thế là không hay, vì có thể làm đau bạn. Hứa với mẹ không đẩy bạn nữa nhé."

Yêu thương trẻ
Bày tỏ tình yêu với trẻ để giúp nâng cao lòng tự trọng của con

2. Toàn tâm toàn ý

Dành cho con trẻ một khoảng thời gian riêng với bố mẹ, không xao nhãng, không phân chia với anh chị em hoặc bất kỳ ai khác xung quanh. Cùng nhau đi dạo hoặc trò chuyện trực tiếp trong 30 phút trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp bé nâng cao nhận thức về giá trị bản thân lên một cách kỳ diệu, gửi đi thông điệp rằng con rất quan trọng đối với bố mẹ.

Bạn không cần phải thật sự rảnh rỗi mới nuôi dưỡng lòng tự trọng của con được. Bố mẹ chỉ cần dành một chút thời gian để ngừng đọc email khi con đang nói chuyện với mình, hoặc tắt TV và điện thoại để trả lời tất cả câu hỏi của con. Giao tiếp bằng mắt cũng là cách để chứng tỏ rằng bạn đang thực sự lắng nghe những gì con nói.

3. Đặt ra những giới hạn và nghiêm túc chấp hành

Cần biết rằng một số quy tắc gia đình sẽ giúp xây dựng lòng tự trọng của trẻ. Ví dụ, nếu bạn đã yêu cầu con phải ngồi ăn trên bàn ngay ngắn, đừng để trẻ đi lang thang trong nhà với chiếc bánh quy giòn và miếng trái cây cầm trên tay nữa.

Bạn có thể phải lặp đi lặp lại liên tục nhưng trẻ sẽ sớm bắt đầu sinh hoạt theo khuôn khổ mà bạn mong muốn. Chỉ cần rõ ràng và nhất quán, cũng như cho con thấy rằng bạn tin tưởng con và luôn mong đợi con làm điều đúng đắn.

Ăn đúng tư thế
Ăn đúng tư thế là một cách đặt ra những giới hạn và nghiêm túc chấp hành

4. Đưa ra các lựa chọn

Đối với một đứa trẻ 2 tuổi, nguyên tắc chung là đưa cho con 2 lựa chọn, bởi trẻ chưa thể quyết định quá nhiều ở độ tuổi này. Ví dụ, hãy hỏi con xem muốn mặc áo màu đỏ hay màu vàng; muốn ăn sáng với bột yến mạch hay ngũ cốc pha sữa.

Trẻ 3 - 4 tuổi có thể xử lý nhiều lựa chọn hơn. Việc cho con biết rằng bạn tin tưởng vào khả năng phán đoán của con sẽ giúp trẻ nâng cao giá trị bản thân hơn, cũng là cách dạy trẻ về lòng tự trọng.

5. Cho phép con mắc sai lầm

Nếu trẻ đặt chiếc dĩa quá gần mép bàn và bị rơi xuống, hãy cố gắng kìm chế, không quát mắng hay đánh con. Thay vào đó, hãy khuyến khích con nghĩ cách khắc phục để lần tới không tái phạm. Giúp con hiểu rằng ai cũng mắc sai lầm, và con không cần cảm thấy quá thất vọng về bản thân.

Với bố mẹ cũng vậy. Nếu bạn mắc sai lầm, hãy bình tĩnh và thừa nhận, sau đó tiếp tục cuộc sống. Trẻ cần biết rằng đôi khi hơi ngu ngốc, ẩu đả một chút cũng không sao. Khi giúp con khắc phục hậu quả êm xuôi, bé cũng dễ dàng chấp nhận những khuyết điểm của mình hơn.

6. Tạo cơ hội thành công nho nhỏ

Lấy một chiếc ghế đẩu để trẻ có thể dễ dàng rửa tayđánh răng tại bồn rửa. Tìm một nơi để đồ chơi và sách vừa tầm với của trẻ. Mua quần áo dễ mặc vào và cởi ra. Bằng cách hỗ trợ con tự chăm sóc các nhu cầu của bản thân, bạn sẽ nuôi dưỡng lòng tự trọng và tính độc lập của trẻ; con cũng sẽ tự hào về khả năng làm việc của mình.

7. Tôn vinh điều tích cực

Mỗi ngày, hãy ghi nhận những điều tốt mà con đã làm và cố tình để con nghe thấy. Ví dụ, nói với chồng của bạn rằng: "Hôm nay con đã rửa tất cả rau để nấu bữa tối" và nhìn con rạng rỡ với niềm tự hào.

Hãy cụ thể hơn, thay vì nói: "Giỏi / Ngoan", hãy nói: "Cảm ơn con đã kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi nhé." Bạn sẽ nâng cao cảm giác hoàn thành của trẻ bằng cách cho trẻ biết chính xác những gì bé đã làm đúng.

Tán dương trẻ
Ba mẹ hãy thương xuyên tán dương trẻ

8. Chấp nhận cảm xúc của con

Khi con bạn quấy khóc dữ dội vì phải rời sân chơi và về nhà, hãy cố gắng hết sức để nhìn nhận điều này theo quan điểm của trẻ. Đối với một đứa trẻ mới biết đi, rời khỏi công viên có thể cảm thấy giống như ngày tận thế.

Giúp con thoải mái với cảm xúc của mình bằng cách nói: "Mẹ biết con đang buồn vì phải về nhà." Bằng cách chấp nhận cảm xúc của con mà không phán xét, bạn sẽ cho thấy rằng bạn cũng coi trọng lời nói và suy nghĩ của con, từ đó dạy trẻ về lòng tự trọng.

9. Không so sánh

Tránh đưa ra những nhận xét như: "Tại sao con không ngoan như bạn A / giỏi như bạn B?" Những lời nhận xét kiểu này chỉ làm mất đi lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ thấy tồi tệ về bản thân. Ngay cả những so sánh tích cực, như nói rằng con giỏi nhất ở lĩnh vực nào đó, cũng có khả năng gây tổn hại cho một đứa trẻ, vì sau đó chúng phải cố gắng sống theo hình ảnh này.

Nếu để trẻ biết rằng bạn đánh giá cao con người độc nhất của trẻ, hơn là so sánh dựa trên những người khác, con sẽ có nhiều khả năng đánh giá cao bản thân hơn.

Giáo huấn trẻ
Việc so sánh giữa các trẻ của ba mẹ làm giảm đi lòng tự trọng của trẻ

10. Làm mẫu về lòng tự trọng của bạn

Một trong những cách tốt nhất để xây dựng và nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ là bố mẹ cũng phải chứng tỏ bản thân mình. Thể hiện sự tự hào về bản thân và những nỗ lực của bạn, đồng thời cố gắng hết sức không nói những câu như: "Mình thật ngu ngốc / tệ hại" mỗi khi bạn mắc lỗi.

11. Hãy khích lệ

Mọi đứa trẻ đều cần sự hỗ trợ từ những người thân yêu, cho con biết rằng: "Mẹ tin tưởng con. Mẹ thấy được sự cố gắng của con. Hãy tiếp tục!" Khuyến khích có nghĩa là ghi nhận sự tiến bộ, không chỉ là thành tích khen thưởng. Vì vậy, nếu trẻ đang gặp khó khăn trong việc cài nút áo của mình, thay vì lao vào làm hộ con, hãy nói: "Con đang rất cố gắng và sắp làm được rồi đó!" Điều đó khiến trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân ngay cả khi vẫn chưa thành thạo kỹ năng.

Như vậy, để dạy trẻ về lòng tự trọng ngay từ khi còn bé, điều quan trọng là bạn phải giúp con vượt qua những thất bại đầu đời, nuôi dưỡng cảm giác tự hào, tự tôn và tin tưởng vào khả năng của trẻ khi đối mặt với những thử thách mới trong cuộc sống.

Cha mẹ có thể dựa vào các cách trên để xây dựng lòng tự trọng ở trẻ, hình thành cho con những nhân cách tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

598 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan