Bé gái 10 tuổi đã có kinh nguyệt, liệu còn cao được nữa không?

Dậy thì sớm là khi các dấu hiệu dậy thì của trẻ xảy ra ở độ tuổi sớm hơn so với sinh lý thông thường. Nguyên nhân gây ra dậy thì sớm thường khó phát hiện được, một số trường hợp đặc biệt có thể do nhiễm trùng, rối loạn hormone, khối u, bất thường hoặc chấn thương não. Vậy bé gái 10 tuổi đã hành kinh còn cao nữa không?

1. Các giai đoạn dậy thì của trẻ gái

Tuổi dậy thì là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành và biến chuyển về mặt sinh lý của cơ thể con người cũng như hoàn thiện khả năng sinh sản của cơ thể. Đối với trẻ gái, dậy thì được xác định kể từ thời điểm xuất hiện kinh nguyệt (trung bình khoảng 10-11 tuổi). Thông thường trẻ sẽ trải qua 5 giai đoạn dậy thì như sau:

  • Giai đoạn 1 (8-11 tuổi): Đây là giai đoạn chưa có dấu hiệu dậy thì nào đáng kể, đến cuối giai đoạn này vùng dưới đồi bắt đầu giải phóng hormone GnRH, tuyến yên cũng sản xuất 2 loại hormone là LH (điều chỉnh chức năng buồng trứng ở nữ giới) và FSH (kích thích nang trứng).
  • Giai đoạn 2 (8-14 tuổi): Đây là điểm khởi đầu của sự phát triển khi hormone bắt đầu gửi tín hiệu đi khắp cơ thể với các biểu hiện như ngực nhú, xuất hiện lông mu, mùi cơ thể, cao lớn hơn.
  • Giai đoạn 3 (9-15 tuổi): Đây là giai đoạn xuất hiện thay đổi rõ ràng nhất về thể chất như ngực lớn lên, lông mu nhiều và xoăn, âm đạo tiết dịch.
  • Giai đoạn 4 (10-16 tuổi): Đây là giai đoạn phát triển thể chất mạnh mẽ nhất với sự xuất hiện kinh nguyệt, núm vú phân biệt rõ với quầng thâm xung quanh
  • Giai đoạn 5 (12-19 tuổi): Đây là giai đoạn cuối cùng đánh dấu sự hoàn thiện về thể chất cũng như chức năng sinh sản của cơ thể.

2. Bé gái 10 tuổi đã hành kinh còn cao nữa không?

10 tuổi có kinh nguyệt ở bé gái khiến nhiều các bậc cha mẹ lo lắng. Như đã phân tích các giai đoạn ở tuổi dậy thì của một bé gái bình thường thì 10 tuổi có kinh nguyệt cũng là hoàn toàn bình thường. Nhưng tuổi xuất hiện kinh nguyệt lần đầu rất quan trọng, có ảnh hưởng đến chiều cao chính thức của trẻ. Khoảng thời gian từ khi bắt đầu dậy thì cho đến khi xuất hiện kinh nguyệt càng kéo dài tạo điều kiện cho đỉnh tăng trưởng kéo dài “bù đắp lại” phần giảm tăng trưởng do cốt hóa xương sớm.

  • Trong quá trình phát triển, có 2 mốc thời gian quyết định thời điểm con gái ngừng phát triển là khi bắt đầu dậy thì và kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Thông thường, tuổi dậy thì của bé gái bắt đầu từ 8-14 tuổi. Khi bắt đầu dậy thì, chiều cao của bé gái sẽ tăng rất nhanh khoảng 8 cm/năm. Trong đó, độ tuổi 11 là thời điểm hầu hết các bé gái được mong đợi sẽ phát triển nhanh nhất, mặc dù điều này thường khác nhau đối với từng trẻ.
  • Sau khi có kinh nguyệt lần đầu tiên, sự tăng trưởng chiều cao không dừng lại hoàn toàn mà chỉ diễn ra chậm hơn. Các bé gái có thể cao thêm từ 2,5-10 cm trong 1-2 năm tiếp theo. Theo nghiên cứu, sau khi có kinh nguyệt thì chiều cao bé gái sẽ tăng trung bình khoảng 7 cm hoặc lớn hơn đối với bé gái có kinh sớm. Ví dụ như các trẻ bắt đầu có kinh nguyệt năm 10 tuổi có thể tăng chiều cao trung bình 10 cm còn trẻ bắt đầu có kinh năm 15 tuổi lại chỉ tăng chiều cao trung bình 5 cm.

3. Làm thế nào để tăng chiều cao sau tuổi dậy thì?

Thực tế, không có phương thuốc thần kỳ nào giúp tăng chiều cao, nên biện pháp tăng chiều cao sau khi có kinh nguyệt ở trẻ gái chủ yếu là thay đổi lối sống và chăm sóc bản thân. Nếu trẻ gái vẫn chưa có kinh dù đang trong độ tuổi trung bình nên có kinh nguyệt thì cách tốt nhất để tăng chiều cao là có một chế độ dinh dưỡng gồm tất các các nhóm thực phẩm nhằm phát triển chiều cao tối đa. Một số phương pháp giúp tăng chiều cao sau khi có kinh nguyệt, đó là:

  • Dinh dưỡng hỗ trợ tăng chiều cao: Nên bổ sung vào khẩu phần ăn những thực phẩm chứa dưỡng chất có tác dụng giúp xương chắc khoẻ như canxi, magie và vitamin D. Protein cũng là chất dinh dưỡng không thể thiếu giúp phục hồi tổn thương mô. Một số nghiên cứu còn cho rằng, men vi sinh cũng thúc đẩy sự phát triển của trẻ em.
  • Các thực phẩm nên ăn gồm trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc, thịt, cá, trứng, sản phẩm bơ sữa. Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hoà, chất béo chuyển hóa
  • Quản lý thời gian ngủ: Các tuyến yên tiết ra hormon tăng trưởng (HGH) vào ban đêm có tác dụng làm dài và dày xương, do đó việc gián đoạn giấc ngủ hoặc thiếu ngủ sẽ cản trở hoạt động của hormone dẫn tới trẻ không thể gia tăng chiều cao. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ em từ 6-13 tuổi nên ngủ đủ 9-11 giờ mỗi ngày, thiếu niên từ 14-17 tuổi nên ngủ đủ 8-10 giờ mỗi ngày.
  • Ngủ đúng tư thế: việc giữ tư thế đúng khi ngủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài cột sống và tăng chiều cao sau khi có kinh nguyệt. Nếu bạn thường xuyên ngủ sai tư thế có thể làm căng cột sống và cổ, dẫn đến còi cọc.
  • Tắm nắng đúng cách: Đây cũng là cách tăng chiều cao khi có kinh nguyệt hiệu quả, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có tác dụng tổng hợp vitamin D dưới da, chủ yếu là vitamin D3. Điều này sẽ hỗ trợ việc hấp thu canxi toàn diện của cơ thể, giúp tăng trưởng chiều cao
  • Tập thể dục thường xuyên: Việc vận động cơ thể thường xuyên giúp tăng cường cơ bắp và xương, duy trì trọng lượng hợp lý và thúc đẩy sản xuất HGH. Các bé gái trong độ tuổi đi học nên tập thể dục ít nhất 1 giờ mỗi ngày, có thể là các bài tập rèn luyện sức bền với cường độ và tác động vừa phải. Tập yoga cũng là một cách tăng chiều cao sau khi có kinh nguyệt giúp căn chỉnh toàn bộ cơ thể, tăng cường cơ bắp, thúc đẩy giữ tư thế tốt và cải thiện nhịp thở.
  • Chú ý tư thế đừng, ngồi: cách ngồi và đứng cũng ảnh hưởng rất lớn đến chiều cao của bé gái. Ngồi gù lưng hoặc đứng chùng lưng sẽ làm thay đổi các đường cong tự nhiên của cột sống, từ đó thay đổi hình dạng tự nhiên của lưng và gây đau cổ. Trẻ nên được hướng dẫn giữ thẳng lưng khi đi bộ, chú ý đến tư thế đứng, giữ hai chân hơi xa nhau với bàn tay gần cơ thể.
  • Sử dụng sản phẩm hỗ trợ tăng chiều cao: chỉ có một số trường hợp đặc biệt mới cần sử dụng cách tăng chiều cao này khi có kinh nguyệt. Ví dụ như trẻ gặp vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tăng trưởng cần một loại thực phẩm bổ sung chứa HGH tổng hợp theo chỉ dẫn bác sĩ. Trong tất cả các trường hợp khác, các bé nên tránh các chất bổ sung với những hứa hẹn về việc tăng chiều cao.

Việc tăng chiều cao sau tuổi dậy thì ở trẻ gái luôn là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm. Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã phần nào giải đáp giúp bạn thắc mắc bé gái 10 tuổi đã hành kinh còn cao nữa không? Nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào, các bậc phụ huynh có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa của Vinmec để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan