Người suy nhược cơ thể nên ăn uống gì để mau hồi phục

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Suy nhược cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của người bệnh. Chăm sóc và điều trị cho người bị suy nhược cơ thể, nhất là việc thay đổi lối sống và xây dựng 1 chế độ ăn khoa học là điều đầu tiên được nhắc đến. Bạn đọc có thể theo dõi bài viết dưới đây để biết khi bị suy nhược cơ thể nên ăn gì?

1. Suy nhược cơ thể là gì ?

Suy nhược cơ thể là tình trạng rối loạn phức tạp với đặc trưng là sự mệt mỏi toàn thân, khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức dù đã nghỉ ngơi đầy đủ, kéo dài liên tục từ 6 tháng trở lên.

Hiện tượng này xảy ra báo động tình trạng sức khỏe của bạn đang giảm sút nghiêm trọng, cơ thể không còn khả năng tự điều chỉnh và hồi phục tự nhiên được nữa.

Suy nhược cơ thể có thể gặp ở bất cứ ai, những người ở độ tuổi 40 - 50, nhất là nữ giới có nguy cơ cao hơn gặp phải tình trạng suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, độ tuổi này ngày càng trở lên trẻ hóa.

Trước một tình trạng cơ thể bị suy nhược, việc trước tiên là cần xác định nguyên nhân gây nên tình trạng đó. Can thiệp vào đúng căn nguyên là cách nhanh và bền vững nhất để cải thiện sức khỏe.

Cùng với việc điều trị căn nguyên bênh, chế độ dinh dưỡng đúng và đầy đủ cùng với chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học sẽ mang lại kết quả to lớn cho việc hồi phục sức khỏe.

2. Chế độ dinh dưỡng khoa học cho người bị suy nhược cơ thể

2.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng bổ sung các dưỡng chất cần thiết

Khi xây dựng thực đơn, cần phải đảm bảo đầy đủ các nhóm chất trong khẩu phần ăn và phải phù hợp với độ tuổi cũng như thể trạng từng người.

Đầu tiên, người bệnh cần phải cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cơ bản, bao gồm:

2.1.1 Tinh bột

Tinh bột là nhóm chất cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể trong hầu hết các hoạt động sống bên cạnh việc phát triển trí não và hệ thần kinh... Do đó, chế độ ăn có đầy đủ tinh bột từ cơm, bún, bánh mì, khoai, ngô,... cần được đảm bảo cho người suy nhược.

2.1.2 Protein

Protein hay chất đạm là nguyên liệu chính gây dựng các tế bào, hệ cơ và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Đây là nguồn dinh dưỡng cực kỳ quan trọng đối với cơ thể vì hỗ trợ duy trì hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể. Protein có 2 nguồn chính là đạm động vật có trong những thực phẩm như thịt, trứng, cá, sữa,... và đạm thực vật từ các loại đậu như đậu nành, đậu xanh, đậu đen... Tuy nhiên, bạn nên cung cấp protein vừa đủ, hợp lý vì việc bổ sung quá nhiều protein có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cơ thể.

2.1.3 Chất béo

Đối với chất béo, các dạng chất béo không no như axit béo omega-3 có nhiều trong các loại cá biển (cá ngừ, cá thu, cá hồi...) hoặc dầu thực vật (dầu vừng, dầu ô liu, dầu đậu nành,...) cần được bổ sung đầy đủ. Đây là những dưỡng chất giúp não bộ linh hoạt và cải thiện tâm trạng tích cực.

2.1.4 Vitamin và khoáng chất

Các vitamin và khoáng chất thiết yếu tuy chỉ là 1 lượng nhỏ nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng trong chế độ dinh dưỡng nói chung và cho người suy nhược cơ thể nói riêng.

Vitamin nhóm B, nhóm C là 2 loại vitamin thiết yếu để duy trì hoạt động các tế bào trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch... thông qua đó, phục hồi, nâng cao sức khỏe của người bệnh.

Tùy từng cơ thể bệnh cần bổ sung các chất cần thiết khác: Cân bằng diện giải (Natri, Kali, Clo..), hoặc sắt...cùng với các vi chất khác như Magne, kẽm...

2.2 Các bữa ăn nên được chia thành nhiều bữa.

Những rối loạn trong cơ thể làm người bệnh không có cảm giác ngon miệng, kèm các triệu chứng khác thường gặp như buồn nôn khi ăn, nôn sau ăn, khó chịu đường tiêu hóa... Vì vậy họ không thể ăn được một lượng nhiều thức ăn một lần, cơ thể cũng không thể hấp thu được lượng lớn các chất dinh dưỡng. Nên chia nhỏ thượng thức ăn thành nhiều bữa, ít nhất là 3 bữa chính và 2 bữa phụ.

2.3 Đa dạng hóa các loại thực phẩm

Thay đổi các loại thực phẩm và cách chế biến đổi bữa một cách phù hợp nhằm tạo kích thích vị giác, tạo cảm giác ngon miệng.

2.4 Lựa chọn phương pháp bổ sung hỗ trợ phù hợp.

Trong một số trường hợp như người bệnh quá già yếu, những rối loạn do bệnh nền ảnh hưởng nặng đến thể trạng người bệnh, thì việc lựa chọn các phương pháp bổ sung dinh dưỡng phù hợp là cần thiết. Cung cấp chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch là cách hiệu quả để phục hồi. Dinh dưỡng bằng đường uống các chế phẩm đã được chế biến sẵn với chất lượng cao cũng là lựa chọn hay được áp dụng và hiệu quả.

3. Người bị suy nhược cơ thể nên ăn gì để mau hồi phục?

“Bị suy nhược cơ thể nên ăn gì?” là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong quá trình phục hồi sau suy nhược cơ thể, cải thiện sức khỏe, người bệnh nên chú ý bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm dưới đây:

3.1. Các loại cá

Cá là nguồn dinh dưỡng dồi dào, chất lượng và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là cá hồi, cá ngừ và cá thu,... Các loại cá giúp cung cấp lượng lớn protein, vitamin cho cơ thể cũng như hỗ trợ chống viêm cực kỳ tốt. Nhờ vậy, cơ thể không chỉ được đảm bảo dinh dưỡng mà quá trình chuyển hóa năng lượng cũng diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn, cơ thể có đủ năng lượng để sinh hoạt và làm việc, không còn phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi, uể oải hay thiếu sức sống nữa.

3.2 Các loại thịt đỏ

Các loại thịt đỏ không chỉ giàu protein mà còn chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin B12. Khi được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng này sẽ giúp cơ thể chống lại hiện tượng mệt mỏi, suy nhược. Các loại thịt đỏ như thịt dê, thịt bò thịt cừu và thịt heo,... không chỉ nhiều protein mà còn thơm ngon, dễ chế biến thành nhiều món ăn.

Bên cạnh nguồn đạm dồi dào, các loại thịt đỏ luôn có chứa một lượng lớn chất béo bão hoà, đây là yếu tố nguy cơ cho việc tăng lipid máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng lượng vừa đủ các loại thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày.

3.3. Ngũ cốc

Ngũ cốc bổ sung cho cơ thể lượng lớn chất xơ, vitamin và 1 số khoáng chất thiết yếu như magie, sắt và selen. Bạn nên sử dụng ngũ cốc hàng ngày để giúp cung cấp đủ năng lượng trong ngày và giúp bạn cảm thấy no lâu hơn để có thể hoạt động hiệu quả trong cả ngày. Một số loại ngũ cốc vừa nhiều dinh dưỡng vừa lành mạnh như yến mạch, gạo lứt,... có thể được sử dụng để thay thế cơm, bún và mỳ hàng ngày.

Theo nghiên cứu, trong khi một người bình thường nên bổ sung ít nhất 240 – 360g bột ngũ cốc/ ngày thì đối với người bị suy nhược cơ thể là 380 - 400g bột ngũ cốc/ ngày để đảm bảo cung cấp năng lượng và là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể.

3.4 Bổ sung rau, củ quả tươi

Các loại rau củ quả tươi như bắp cải, súp lơ xanh, khoai lang, cà rốt rất giàu vitamin và khoáng chất cho cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng, lấy lại năng lượng ở người bị suy nhược. Để cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng một cách tốt nhất, khi sử dụng các loại rau, bạn nên chế biến ở dạng hấp, luộc hoặc nấu canh.

4. Người bị suy nhược cơ thể nên uống gì để mau hồi phục?

Ngoài các loại thực phẩm thì người bị suy nhược cơ thể cũng cần bổ sung dinh dưỡng qua các loại đồ uống.

4.1 Các loại vitamin tổng hợp

Các loại Vitamin tổng hợp cũng là sự lựa chọn hiệu quả cho người bị suy nhược cơ thể, nhất là những người suy nhược nặng, cần bổ sung lượng lớn vitamin và khoáng chất trong thời gian ngắn. Ngoài ra, các loại Vitamin tổng hợp này không chỉ giúp bổ sung năng lượng mà còn giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.

4.2 Sữa giàu năng lượng

Sữa là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho người bị suy nhược cơ thể vì sữa giúp cải thiện sự hấp thu và giàu năng lượng cho sự hoạt động và làm việc suốt một ngày dài.

Suy nhược cơ thể nên ăn gì để mau hồi phục

Chỉ với 1 cốc sữa đã mang lại nguồn dinh dưỡng cần thiết bao gồm khoáng chất canxi, kali, kẽm, Vitamin B, C, D và các lợi khuẩn, từ đó thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe. Bên cạnh đó, sữa là thực phẩm dạng lỏng, có mùi vị thơm ngon rất thích hợp cho người mệt mỏi, chán ăn. Bổ sung sữa đúng cách sẽ giúp người bệnh ăn ngon, ngủ ngon, duy trì cân nặng phù hợp và hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Một số loại sữa trên thị trường còn có rất nhiều hàm lượng dinh dưỡng quý như: Đạm Whey, đạm Lactium, đạm thực vật, 27 loại Vitamin và khoáng chất, chất xơ và chứa đến 210 calo trong mỗi ly sữa. Ngoài ra, các vi chất như HMB, Arginine, BCAA, Canxi, cùng vitamin D3 và Magie cũng là những thành phần cần bổ sung trong quá trình hồi phục sức khỏe ở người bị suy nhược cơ thể.

4.3 Các loại nước ép trái cây, rau củ

Ngoài Vitamin và sữa thì các loại nước ép trái từ rau củ, trái cây cũng là sự lựa chọn phù hợp cho người suy nhược cơ thể. Các loại nước ép thường được khuyên dùng là ép cam, ép táo, bưởi, ổi và kiwi

Đây là nguồn dưỡng chất giàu Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa các vi khuẩn xâm nhập và tăng cường hoạt động chống oxy hóa của cơ thể. Bên cạnh đó, Vitamin C còn thúc đẩy cơ thể hấp thu dưỡng chất, giúp hạn chế tình trạng suy nhược cơ thể và nâng cao sức khỏe tổng thể. Lượng dùng nước ép mỗi ngày tùy thuộc vào từng loại quả, tuy nhiên có thể uống khoảng 1 -3 cốc nhỏ mỗi ngày và nên uống sau ăn 30 – 45 phút để hấp thu được tốt nhất.

Tuy nhiên, cần lưu ý là những người bị viêm loét dạ dày – tá tràng thì không thích hợp khi sử dụng các loại nước ép này vì nguy cơ làm tăng acid dịch vị khiến tình trạng đau dạ dày và viêm loét nặng nề hơn. Người mắc bệnh đái tháo đường cũng nên hạn chế sử dụng nước ép vì lượng đường trong các loại trái cây, củ quả có thể làm tăng đường huyết, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị.

4.4 Các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Suy nhược cơ thể nên ăn gì để mau hồi phục

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng là 1 sự lựa chọn hợp lý cho người suy nhược cơ thể cần được hồi phục. Đặc biệt, những sản phẩm chiết xuất từ các thảo dược thiên nhiên quý hiếm và có lợi cho sức khỏe như đông trùng hạ thảo, đẳng sâm, đinh lăng, chùm ngây,... cũng bổ sung nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Những thức uống này vừa thơm ngon, an toàn mà còn giúp cải thiện tình trạng chán ăn cũng như giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng khác được tốt hơn.

Suy nhược cơ thể nên ăn gì để mau hồi phục

Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thông qua một chế độ ăn đầy đủ và khoa học, những người bị suy nhược cơ thể cũng cần phải chú ý uống nhiều nước, đảm bảo uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp cho quá trình chuyển hóa của cơ thể đạt hiệu quả hơn. Cuối cùng, một chế độ sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi, vận động hợp lý cũng như hạn chế căng thẳng, luyện tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp khí huyết lưu thông, tăng cường sức mạnh mà còn giúp cải thiện tâm trạng và chứng suy nhược cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan