Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Trần Thị Linh Chi - Phó Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nạo VA có nguy hiểm không? Khi nào cần nạo VA cho bé?... là những câu hỏi phổ biến của các bậc phụ huynh khi bác sĩ khuyên nạo VA cho trẻ. Bởi con ho và sốt, uống kháng sinh triền miên khiến các bậc cha mẹ lo lắng, tuy nhiên nếu nạo VA thì sợ ảnh hưởng đến sức đề kháng sau này.
1. Trước tiên cần hiểu VA là gì?
VA là tên viết tắt từ tiếng Pháp: Vegetations adenoids của mô lympho (tế bào của hệ miễn dịch tự nhiên) nằm ở vòm họng. VA có chức năng miễn dịch, nhận diện, bắt giữ và sản xuất các kháng thể tự nhiên chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn có hại trong đường hô hấp.
VA đặc biệt có tác dụng trong độ tuổi từ 6 tháng - 4 tuổi, khi mà trẻ sử dụng hết hệ kháng thể tự nhiên được di truyền từ mẹ trong thai kỳ và bắt đầu sống bằng hệ miễn dịch non yếu của chính mình.
Viêm VA xảy ra khi VA bị nhiễm trùng do vi khuẩn có hại xâm nhập.
Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?
Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Các giai đoạn và triệu chứng viêm VA
Mức viêm nhiễm của VA ở trẻ được chia thành 4 giai đoạn:
- Cấp độ 1: Viêm VA chiếm ít hơn 33% diện tích cửa mũi sau.
- Cấp độ 2: VA chiếm từ 33 - 66% diện tích cửa mũi sau.
- Cấp độ 3: VA chiếm từ 66- 90% diện tích cửa mũi sau.
- Cấp độ 4: VA chiếm hết diện tích cửa mũi sau và lan sang hố mũi.
VA phình to chiếm diện tích ở cửa mũi khiến trẻ bị ngạt mũi kéo dài, khó thở, thở khò khè, ngáy ngủ hoặc nguy hiểm hơn với chứng ngưng thở do bít tắc lỗ mũi. Thường được điều trị bằng việc sử dụng xịt thông mũi, rửa mũi bằng nước bằng nước muối hoặc thuốc kháng viêm. Tuy nhiên, sau một thời gian lại tái phát.
VA bị nhiễm trùng với biến chứng làm chảy mũi kéo dài, dịch mũi không màu hoặc màu vàng, xanh, thường xuyên bị sốt. Những dấu hiệu này lặp đi lặp lại kéo dài.
Ho kéo dài hoặc chữa khỏi lại tái phát, gây khàn tiếng do viêm VA chảy xuống đường hô hấp gây viêm thanh quản. Một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa do vi khuẩn từ VA đi vào đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói và tiêu chảy thường xuyên.
3. Khi nào cần nạo VA cho bé?
Thực tế viêm VA không phải loại bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên nếu trường hợp VA bị viêm nhiễm tái phát nhiều lần trong năm thì chúng lại trở thành ổ trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn có hại.
Ban đầu khi chưa nặng hoặc chưa biến chứng, bé sẽ được điều trị nội khoa, phối hợp uống các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm. Thực hiện hút sạch dịch mũi và rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Quá trình điều trị diễn ra từ 3 - 4 tuần.
Nạo VA cho bé được chỉ định khi:
- VA bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm), mỗi lần kéo dài cả tháng, những lần này phải do sự chẩn đoán chính xác từ bác sĩ.
- Gây biến chứng viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm xoang và gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, gây tiêu chảy thường xuyên.
- VA phình quá to gây nghẹt mũi kéo dài, không đỡ khi điều trị nội khoa, có chứng ngưng thở khi ngủ ở bé, khó nuốt và khó nói. Với trường hợp này, khi bác sẽ nội soi sẽ cho kết quả viêm VA ở cấp độ 3 và 4. VA đã bít tắc hết cửa mũi sau của bé.
- Chống chỉ định nạo VA trong trường hợp:
- Tuyệt đối không nạo VA với người có bệnh liên quan đến máu, bệnh tim nặng, bệnh lao đang tiến triển.
- Chống chỉ định tạm thời trong trường hợp:
- Đang bị viêm nhiễm cấp mũi họng.
- Đang nhiễm 1 số loại virus như cúm, sởi, sốt xuất huyết...
- Bệnh nhân bị dị ứng, hen phế quản, hở hàm ếch,
- Đang uống hoặc đang tiêm phòng dịch.
4. Nạo VA có nguy hiểm không?
Nạo VA không nguy hiểm bởi đây là kỹ thuật phẫu thuật phổ biến và an toàn. Đồng thời cũng không làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ. Bởi VA chỉ là 1 trong nhiều tế bào miễn dịch đường hô hấp của trẻ. Ngoài VA còn nhiều hệ miễn dịch khác như Amidan khẩu cái, amidan đáy lưỡi, amidan ở lỗ vòi nhĩ và nhiều hệ thống miễn dịch tự nhiên khác nằm dưới lớp niêm mạc hô hấp.
Nạo viêm VA không nguy hiểm khi tiến hành tại cơ sở y tế uy tín
Tuy nhiên, kỹ thuật nạo VA vẫn có thể gây nguy hiểm khi tiến hành phẫu thuật :
Có hiện tượng chảy máu sau khi nạo: Đây là biến chứng thường gặp ở nạo VA. Chảy máu vùng nạo sẽ diễn ra nhiều vào ngày đầu tiên sau khi nạo. Xuất hiện 5 - 7 ngày sau đó, khi lớp phủ vảy phủ vết thương vùng viêm bong ra. Bé tuân thủ theo chế độ của bác sĩ sẽ ít có nguy cơ này. Trường hợp chảy máu nhiều có thể phải truyền máu nếu mất máu quá nhiều (hiếm gặp).
Có thể bị nhiễm trùng ở vị trí phẫu thuật do dụng cụ y tế chưa được vô trùng hoặc do không tuân thủ theo chế độ kiêng khem của bác sĩ sau khi phẫu thuật.
Trẻ có sức khỏe yếu có thể dị ứng với thuốc gây mê, khiến trẻ bị rối loạn hô hấp.
Một số trẻ bị đổi giọng vì quá nhiều không khí thoát ra từ mũi. Một số trẻ bị đồ ăn lỏng hoặc đặc thoát ra qua mũi. Những trường hợp này chỉ diễn ra ngắn là kết thúc. Tuy nhiên nếu hiện tượng này kéo dài từ 4 - 6 tuần thì cần gặp ngay bác sĩ để có liệu pháp thích hợp.
Thành mũi hoặc miệng bị đóng kín 1 phần hoặc toàn bộ do sẹo phủ kín, phải phẫu thuật lại (trường hợp cực kỳ hiếm).
Nạo VA không quá phức tạp và an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn và giảm thiểu nguy cơ biến chứng khi nạo, bạn nên tìm cơ sở y tế uy tín với cơ sở hạ tầng tiên tiến và đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là 1 trong những địa chỉ y tế uy tín nhiều năm trong khám và chữa các bệnh lý về tai mũi họng, trong đó có viêm VA. Khách hàng khi tiến hành nạo VA tại Vimec sẽ được các bác sĩ giỏi trực tiếp tiến hành phẫu thuật. Được trải nghiệm dịch vụ mang đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.