Peel da có phải là tẩy da chết không?

Peel da và tẩy da chết là 2 phương pháp làm đẹp có một số điểm giống nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn có những điểm khác biệt rõ ràng. Hiểu rõ về peel da và tẩy da chết sẽ giúp bạn có thể lựa chọn được phương pháp chăm sóc da phù hợp nhất cho mình.

1. Các khái niệm liên quan về peel da và tẩy da chết

1.1 Peel da là gì?

Peel da là phương pháp tẩy tế bào da chết bằng hình thức lột, bóc những tế bào da chết, bị lão hóa. Quá trình peel da có sử dụng các loại hóa chất để loại bỏ đi lớp tế bào chết trên da, hình thành một làn da mới đẹp hơn. Peel da có 2 hình thức là:

  • Peel da dạng lột: Là hình thức sử dụng mặt nạ dưỡng da để lột đi lớp da chết trên da. Để loại bỏ phần da chết đó, cần sử dụng các sản phẩm dạng gel lỏng. Đây là phương pháp làm sạch da khá đơn giản, dễ thực hiện. Bạn chỉ cần thoa đều lớp gel lên da mặt, chờ vài phút để gel khô rồi lột ra.
  • Peel da dạng kì: Là hình thức sử dụng các loại mỹ phẩm chuyên dụng dạng nước hoặc gel. Khi thoa lên mặt, phần gel sẽ vón cục lại gồm bụi bẩn, da chết và bã nhờn trên da. Sau đó, bạn chỉ cần kì nhẹ để loại bỏ hết các chất bẩn, hoàn tất quá trình peel da.

Dù ở dạng kì hay dạng lột, peel da vẫn là phương pháp tẩy da chết nhẹ nhàng, giúp bạn có một làn da đẹp và tươi sáng hơn. Peel da phù hợp với hầu hết mọi loại da, mang lại cảm giác êm ái, nhẹ nhàng, không gây đau rát cho người có da mỏng, nhạy cảm hoặc da bị kích ứng. Vì vậy, bạn nên sử dụng phương pháp peel da khoa học 1 lần/tuần.

1.2 Tẩy da chết là gì?

Tẩy da chết là phương pháp loại bỏ các tế bào chết nằm ở lớp ngoài cùng của da. Các tế bào chết này chủ yếu là bã nhờn và bụi bẩn, có thể khiến da bạn bị lão hóa. Có 2 hình thức tẩy da chết là:

  • Tẩy da chết vật lý: Là cách chăm sóc da tự nhiên, không có sự can thiệp của những sản phẩm có chất hóa học. Bạn chỉ cần dùng bột ngũ cốc, đường hoặc các hạt thực vật nhỏ và tác động một lực nhẹ nhàng lên da để loại bỏ các tế bào chết, bã nhờn và bụi bẩn trên da là được.
  • Tẩy da chết hóa học: Là phương pháp loại bỏ tế bào chết trên da nhờ những sản phẩm có chứa chất hóa học như Salicylic Acid, Glycolic Acid, Lactic Acid và các enzym. Phương pháp này giúp làm sạch da hiệu quả và nhanh chóng.

Tùy mỗi loại da sẽ có cách thức tẩy tế bào chết khác nhau. Với da thường, việc tẩy tế bào chết nên thực hiện 1 - 2 lần/tuần để kích thích chu kỳ tái tạo tế bào da mới diễn ra nhanh hơn, giúp bạn có được làn da khỏe mạnh và trắng sáng. Với người sở hữu làn da nhạy cảm thì nên thực hiện tẩy tế bào chết bằng những nguyên liệu tự nhiên và lựa chọn hình thức tẩy da chết vật lý.

Peel da
Tẩy da chết giúp loại bỏ tế bào chế ở lớp ngoài cùng của da

2. Phân biệt điểm giống và khác nhau giữa peel da và tẩy da chết

Peel da và tẩy da chết hóa học, vật lý là 2 phương pháp chăm sóc da khác nhau. Cả 2 phương pháp có những điểm tương đồng và khác biệt như:

2.1 Điểm giống nhau

  • Chăm sóc da dựa vào chu kỳ thay da sinh học tự nhiên của cơ thể con người.
  • Tác động lên da giúp làm bong tróc lớp tế bào da cũ, làn da được thay mới.

2.2 Điểm khác biệt

  • Nguyên liệu sử dụng: Peel da sử dụng các axit hữu cơ chiết xuất từ trái cây, thiên nhiên,... đã được kiểm định, chứng nhận
  • Tẩy da chết sử dụng các sản phẩm có dạng hạt, mặt nạ hoặc dụng cụ như miếng nhựa rửa mặt hay máy rửa mặt, tạo độ ma sát lên da.
  • Lớp da chịu tác động: Peel da Cả 3 lớp da (thượng bì, trung bì, hạ bì) tùy mức độ peel và thời gian peel.
  • Tẩy da chết: Chỉ tác động được ở lớp thượng bì của da (bề mặt da)
  • Công dụng peel da: Giúp làm sạch sâu cả bề mặt và sâu trong da, kích thích nguyên bào sợi làm tăng sinh collagen và elastin để da săn chắc hơn, làm mờ các tổn thương do tăng sắc tố, làm đều màu da, trị mụn, se khít các lỗ chân lông, làm giảm tiết dầu trên da, làm đầy sẹo rỗ do mụn, trẻ hóa da, mờ nếp nhăn...
  • Tẩy da chết: Giúp làm sạch bề mặt da và làm thông thoáng lỗ chân lông.
  • Thời gian phục hồi peel da: Từ 7 - 21 ngày tùy cấp độ peel da nông - trung bình - sâu.
  • Tẩy da chết: Sau 8 tiếng
  • Thời gian duy trì hiệu quả Peel da: 1 - 3 tháng
  • Tẩy da chết: 2 - 3 ngày
  • Nơi thực hiện Peel da: Cần thực hiện ở các cơ sở y tế, thẩm mỹ uy tín, có bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định.
  • Tẩy da chết: Có thể tự thực hiện tại nhà.
Peel da và tẩy da chết hóa học có nét tương đồng với nhau
Peel da và tẩy da chết hóa học có nét tương đồng với nhau

3. Thực hiện peel da rồi có cần tẩy da chết không?

Sau khi peel da, bạn không cần tẩy da chết. Bởi theo các chuyên gia thẩm mỹ, sau khi peel da, làn da đang trong chu kỳ tái tạo nên không cần tẩy tế bào chết. Nếu tẩy da chết sau khi peel da thì có thể khiến da bị ửng đỏ, kích ứng hoặc bào mòn, gây ảnh hưởng tới quá trình hồi phục da.

Ngược lại, bạn có thể sử dụng công đoạn tẩy da chết trước khi peel da để các dưỡng chất có thể thấm sâu vào bên trong da, phát huy tác dụng tốt hơn.

Sau quá trình peel da, khi làn da trở lại trạng thái bình thường bạn có thể duy trì thói quen chăm sóc da của mình. Khi đó, bạn có thể tẩy da chết với tần suất 1 - 2 lần/tuần.

Peel da và tẩy da chết là 2 phương pháp chăm sóc, làm đẹp da có những điểm khác biệt riêng. Dù sử dụng phương pháp nào, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ về chúng. Đồng thời, sau khi peel da và tẩy da chết, bạn nên dùng các sản phẩm cung cấp độ ẩm và dưỡng chất cho da, giúp da khỏe và đẹp hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan