Liên kết giữa tâm trí và làn da mạnh mẽ hơn bạn nghĩ

Lo lắng và trầm cảm - 2 tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến gây ảnh hưởng tới làn da như thế nào? Các lĩnh vực nghiên cứu tâm lý da liễu gần đây có thể đưa ra được đáp án liên quan tới vấn đề này. Vậy tình trạng tinh thần mệt mỏi hay stress ảnh hưởng đến da mặt như thế nào?

Theo các nghiên cứu mới về tâm lý da liễu, cảm xúc có thể ảnh hưởng tới làn da. Và mối liên hệ giữa tâm trí và làn da đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

1. Mối liên kết giữa tâm trí và làn da

Từ tình trạng của 1 bệnh nhân cụ thể, các nhà nghiên cứu đã đặt giả thiết về mối liên kết giữa tâm trí và làn da.

Cụ thể: Bệnh nhân Rob Novak mắc bệnh chàm từ khi còn nhỏ. Các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bệnh nhân được kê thuốc corticosteroid để giảm ngứa trong thời gian ngắn nhưng lại làm mỏng da, khiến da dễ bị nứt nẻ và nhiễm trùng hơn. Đồng thời, bệnh nhân này cũng mắc chứng lo âu và trầm cảm.

1 bệnh nhân khác là Jess Vine cũng đã sống chung với bệnh chàm trong suốt nhiều năm. Các loại kem steroid và cortisol mà bác sĩ kê đơn giúp tạm thời làm dịu triệu chứng nhưng tình trạng phát ban lại xuất hiện ở những vùng da khác. Vào thời điểm đó, bệnh nhân này cũng phải đối mặt với nhiều điều lo lắng và điều này gây ra vòng lặp liên tục. Tinh thần mệt mỏi, lo lắng khiến làn da càng thêm tồi tệ, và khi da xấu thì sự lo lắng càng nhân lên.

Và cả 2 bệnh nhân kể trên đã có những cải biến tích cực về làn da từ sau khi bắt đầu thực hiện liệu pháp tâm lý. Với Rob Novak, sau khi được điều trị các liệu pháp tâm lý và giải phóng cảm xúc, người bệnh đã cải thiện dần triệu chứng trầm cảm và khỏi hoàn toàn bệnh chàm da. Với Vine, bệnh chàm đã được kiểm soát khi người bệnh được điều trị về mặt cảm xúc để giảm bớt lo lắng. Tuy nhiên, bệnh vẫn bùng phát trong thời gian căng thẳng.

Theo các bác sĩ, có một số tình trạng da hoàn toàn do nguyên nhân bên ngoài, đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị thông thường. Tuy nhiên, đối với một số người mắc bệnh chàm, mụn trứng cá, bệnh vẩy nến và các tình trạng khác do căng thẳng, lo lắng, trầm cảm,... thì liệu pháp tâm lý da liễu có thể là chìa khóa quan trọng để điều trị bệnh.

2. Tâm lý da liễu là gì?

Tâm lý da liễu là 1 chuyên ngành kết hợp giữa tâm trí (tâm thần học và tâm lý học) với da (da liễu). Nó tồn tại ở giao điểm của hệ thống thần kinh - miễn dịch - da. Đây là sự tương tác giữa hệ thần kinh, hệ miễn dịch và da.

Các tế bào thần kinh, miễn dịch và da có chung 1 nguồn gốc phôi thai. Về khía cạnh phôi thai, chúng đều có nguồn gốc từ ngoại bì. Chúng vẫn tiếp tục giao tiếp, ảnh hưởng lẫn nhau trong suốt cuộc đời.

Trong nghiên cứu những thay đổi trên da khi bạn tức giận hoặc bị xúc phạm thì hormone căng thẳng trong cơ thể tăng lên, mạch máu giãn ra, da bạn trở nên đỏ hơn và đổ mồ hôi. Như vậy, cảm xúc có thể gây ra nhiều phản ứng bên ngoài. Dù bạn thoa lên da nhiều loại kem bôi nhưng nếu bạn bị sợ phải đứng trước đám đông thì da bạn vẫn có thể bị đỏ và nóng từ trong ra ngoài. Điều đó chỉ thực sự thay đổi khi bạn giải quyết nguyên nhân cốt lõi từ cảm xúc bằng cách trấn an bản thân.

Trên thực tế, việc kiểm soát các tình trạng da cần kết hợp với sự tư vấn tâm lý. Bởi có ít nhất 30% bệnh nhân đến phòng khám da liễu đều đang gặp tình trạng lo âu hoặc trầm cảm. Đồng thời, 1 nghiên cứu khác ước tính có 60% người đang tìm trợ giúp y tế cho những vấn đề về da và tóc cũng đang gánh chịu những căng thẳng nặng nề trong cuộc sống.

Các bác sĩ tin rằng sự kết hợp của thuốc, can thiệp điều trị tâm lý và da liễu sẽ giúp kiểm soát các vấn đề về da.

3. Các loại rối loạn tâm lý da liễu

Rối loạn tâm lý da liễu được chia thành 3 loại sau:

3.1 Rối loạn tâm sinh lý

Các bệnh ngoài da như bệnh chàm, bệnh vẩy nến, mụn trứng cá, nổi mề đay,... có thể xuất phát từ nguyên nhân tinh thần mệt mỏi, căng thẳng cảm xúc. Một số trạng thái cảm xúc có thể gây gia tăng viêm nhiễm trong cơ thể. Lúc này, sự kết hợp của các biện pháp điều trị da liễu cùng với các kỹ thuật thư giãn và kiểm soát căng thẳng có thể xử lý được tình trạng tiêu cực ở da.

Nếu tinh thần mệt mỏi, bị lo lắng hoặc căng thẳng nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc chống lo âu như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.

3.2 Rối loạn tâm thần nguyên phát

Tình trạng này liên quan tới nguy cơ tổn thương da do tự gây ra, ví dụ như chứng cuồng giật tóc, các tình trạng sức khỏe tâm thần khác dẫn đến hành vi tự cào xước da, cắt da chảy máu,... Trong nhiều trường hợp, phương pháp điều trị tốt nhất cho những rối loạn này chính là kết hợp dùng thuốc với liệu pháp nhận thức hành vi.

3.3 Rối loạn tâm thần thứ phát

Đây là những rối loạn về da dẫn đến các vấn đề tâm lý. Ví dụ như khi mắc một số vấn đề về da, bạn có thể phải đối diện với sự phân biệt đối xử, cảm thấy bị xã hội cô lập,... và càng thấy tự ti hơn, tinh thần mệt mỏi hơn.

Các tình trạng như mụn nang, bệnh vẩy nến, bệnh bạch biến cùng nhiều bệnh lý khác có thể dẫn đến tình trạng lo lắng hoặc trầm cảm. Bệnh nhân nên điều trị với bác sĩ tâm lý để vượt qua chứng trầm cảm, lo âu,... liên quan tới các bệnh lý trên.

Để điều trị bất kỳ chứng rối loạn nào thì cách tiếp cận toàn thân chính là lựa chọn tốt nhất.

4. Cơ chế khiến tình trạng lo lắng, trầm cảm ảnh hưởng tới làn da

Vậy tình trạng lo lắng, trầm cảm ảnh hưởng tới làn da như thế nào? Theo các nhà nghiên cứu, có 3 cơ chế cơ bản về mối liên kết giữa làn da và tâm trí. Đó là:

  • Lo lắng và trầm cảm có thể gây ra phản ứng viêm, làm suy yếu chức năng bảo vệ của da, khiến da dễ chịu ảnh hưởng bởi các chất kích thích. Da cũng bị khô hơn, tốc độ hồi phục chậm hơn;
  • Lo lắng hoặc chán nản làm thay đổi hành vi. Nhiều người bị trầm cảm, tinh thần mệt mỏi có thể bỏ bê việc chăm sóc da, không giữ vệ sinh hoặc không sử dụng thuốc trị mụn, trị bệnh chàm hay bệnh vẩy nến,... Số khác, họ có thể chọn và sử dụng quá nhiều sản phẩm điều trị các vấn đề về da. Điều đó cũng gây ảnh hưởng xấu tới da;
  • Lo lắng hoặc trầm cảm có thể thay đổi nhận thức của 1 người. Khi bạn lo âu hoặc chán nản, cảm nhận của bạn về làn da mình có thể thay đổi đáng kể. Ví dụ như chỉ một vài nốt mụn cũng trở thành 1 vấn đề lớn, khiến bạn không muốn đi làm hay tham gia các sự kiện xã hội. Và việc tránh xa các hoạt động xã hội có thể khiến tình trạng lo âu và trầm cảm ngày càng tồi tệ hơn.

5. Biện pháp tiếp cận tốt nhất

Hầu hết các nhà tâm lý học da liễu thường sử dụng phương pháp tiếp cận 3 hướng gồm: Trị liệu, hướng dẫn chăm sóc, sử dụng thuốc để cải thiện đồng thời cả vấn đề sức khỏe tâm thần và làn da. Cụ thể:

Với 1 bệnh nhân bị mụn trứng cá nhẹ nhưng bị trầm cảm và lo âu nặng, đầu tiên cần điều trị mụn trứng cá. Tiếp theo, điều trị chứng lo âu, trầm cảm, tinh thần mệt mỏi cho bệnh nhân bằng việc sử dụng các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc kết hợp với áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi, hướng dẫn bệnh nhân tìm ra các phương pháp xoa dịu bản thân tốt hơn. Khi thói quen và trạng thái cảm xúc của người bệnh được cải thiện, bác sĩ có thể giải quyết các vấn đề khiến người bệnh lo âu, mệt mỏi.

Có nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng biện pháp trên có hiệu quả tốt trong điều trị cả rối loạn tâm lý và da liễu. 1 nghiên cứu phát hiện ra rằng những người được áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong 6 tuần kết hợp với sử dụng thuốc điều trị vẩy nến tiêu chuẩn đã giảm triệu chứng bệnh nhiều hơn so với người chỉ dùng thuốc.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng căng thẳng là tác nhân thường gặp nhất gây bùng phát bệnh vẩy nến (cao hơn cả nhiễm trùng, chế độ ăn uống, các dụng phụ của thuốc và thời tiết). Có khoảng 75% người tham gia nghiên cứu báo cáo rằng căng thẳng là 1 tác nhân gây bùng phát vẩy nến. Như vậy, việc điều trị tâm lý da liễu là cần thiết với nhóm bệnh nhân này.

Trạng thái tinh thần (tinh thần mệt mỏi hay tích cực) đều có thể gây ảnh hưởng tới làn da và các cơ quan khác trên cơ thể. Điều này không có nghĩa là người bệnh có thể loại bỏ mụn trứng cá, bệnh chàm, vảy nến,... mà không cần dùng thuốc. Nó chỉ có ý nghĩa gợi ý rằng nếu bạn đang có 1 vấn đề về da rất cứng đầu, không đáp ứng với phương pháp điều trị da liễu đơn thuần thì bạn có thể kết hợp điều trị tâm lý da liễu để có những cải biến tích cực hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

380 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan