Giải pháp cho các loại mụn phổ biến nhất

Mụn luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nhiều nguy cơ nhiễm trùng nặng nề cho cơ thể. Vậy làm thế nào để nhận biết từng loại mụn và cách điều trị một số loại mụn phổ biến là gì?

1. Mụn là gì?

Mụn là một bệnh lý da liễu thường gặp, với sự xuất hiện các nốt có kích thước khác nhau trên tất cả các bề mặt da của cơ thể, chủ yếu ở mặt, lưng, ngực,... Nó có thể không gây đau, gây đau nhẹ, sưng tấy đỏ, có bọc mủ hoặc rất đau.

Nguyên nhân của mụn chủ yếu do sự thay đổi nội tiết tố vào các giai đoạn khác nhau của cơ thể (tuổi dậy thì ở cả nam và nữ, mang thai, mãn kinh,...), tình trạng bệnh lý (bệnh nội tiết, sử dụng một số loại thuốc, hormone) hay một số tác nhân bên ngoài như môi trường, mỹ phẩm, mồ hôi,...làm bít tắc lỗ chân lông.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, sử dụng các thực phẩm cay nóng, nước ngọt có ga, chất kích thích, nguồn nước không sạch, không tẩy trang sạch khi dùng các loại mỹ phẩm,... cũng là nguyên nhân gây ra các loại mụn.

Phân loại mụn:

  • Các loại mụn không gây viêm: Mụn đầu đen, mụn đầu trắng, Mụn đầu trắng, Mụn ẩn.
  • Các loại mụn gây viêm trên bề mặt da: Đinh râu, mụn bọc (mụn mủ), nang mụn, mụn nhọt.
  • Các loại mụn do cơ địa khác như: Mụn thịt, mụn cóc.

2. Cách nhận biết và điều trị một số loại mụn phổ biến

2.1. Mụn đầu trắng

  • Mụn đầu trắng còn được gọi là mụn cám, xuất hiện khi dầu thừa trên mặt, tế bào chết và các vi khuẩn trên da tích tụ gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Khi lỗ chân lông bị tắc, hỗn hợp dầu, vi khuẩn sẽ đẩy bề mặt da nổi lên.
  • Phần bã nhờn gây mụn đầu trắng được da mặt bao phủ nên không bị oxy hóa nên có màu trắng ngà, nó không gây viêm và có thể dễ kiểm soát điều trị.

Cách nhận biết: Kích thước nhỏ 1 - 2 mm, màu trắng, mọc với số lượng nhiều ở cằm, trán, mũi, hai bên má. Mụn nằm sâu dưới bề mặt da, chỉ nhô lên một ít trên da, không có nhân,, không gây đau nhức, phát hiện bằng cách sờ trên bề mặt da.

Điều trị mụn đầu trắng: Tránh tình trạng nặn mụn gây viêm và tổn thương da. Có quy trình chăm sóc da kỹ lưỡng trong làm sạch da hàng ngày, sử dụng các loại mỹ phẩm chăm sóc da có chứa thành phần Salicylic acid, Retinol,... để làm sạch sâu dưới lỗ chân lông, giúp da khô thoáng và loại bỏ dầu thừa gây bít tắc.

2.2. Mụn đầu đen

  • Mụn đầu đen là một loại mụn trứng cá không gây viêm - xuất hiện các nốt mụn nổi gồ lên bề mặt da. Vì nhân mụn hở nên khi nhân mụn nhô lên trên bề mặt da sẽ bị oxy hóa và có màu đen.
  • Nguyên nhân gây mụn do bã nhờn và các tế bào chết tích tụ trong lỗ chân lông gây ra. Mụn đầu đen là giai đoạn đầu của mụn trứng cá, nếu không được điều trị thì mụn đầu đen có thể tạo thành các loại mụn bọc gây viêm.

Cách nhận biết: Kích thước mụn nhỏ từ 1 - 2 mm, đầu mụn có màu đen, thường xuất hiện với số lượng nhiều ở mũi, trán, hai bên má, cằm, cũng có thể thấy trên vai, lưng.

Điều trị mụn đầu đen: Làm sạch da; sử dụng các sản phẩm có thành phần salicylic acid tăng cường làm sạch da sâu bên trong, ngăn chặn tình trạng bít tắc lỗ chân lông.

2.3. Mụn mủ

  • Mụn mủ là tình trạng xuất hiện các nốt gồ lên bề mặt da, bên trong chứa mủ, máu, gây viêm đau, sưng, cứng. Mụn mủ có nguy cơ để lại sẹo cao khi viêm, vỡ mủ.
  • Nguyên nhân gây mụn là do quá trình da bị viêm, kết hợp với bã nhờn, bụi bẩn và các tế bào chết dưới da, khiến nang lông bị kích ứng gây sưng đau.

Cách nhận biết: Nốt mụn kích thước lớn, có màu vàng, viền mụn màu đỏ, bên trong chứa đầy mủ, ấn vào gây đau. Mụn mọc riêng lẻ hoặc từng cụm ở mũi, trán, cằm; giai đoạn đầu cứng, khó vỡ nhưng giai đoạn sâu mụn mềm, dễ vỡ hơn.

Điều trị mụn mủ: sử dụng các loại thuốc uống và thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ da liễu

  • Retinol (Vitamin A): Thuốc ở dạng kem bôi hoặc gel bôi, tác dụng giảm tiết bã nhờn, ngăn ngừa quá trình viêm.
  • Benzoyl peroxide: Thuốc bôi nhằm tiêu diệt ổ vi khuẩn gây mụn mủ, nếu tình trạng mụn nặng nề hơn có thể dùng một số loại kháng sinh như Clindamycin, Erythromycin, Doxycyclin,...
  • Acid Salicylic: Thường có trong các sản phẩm chăm sóc da mụn, tác dụng tẩy tế bào chết, giảm quá trình ngứa, viêm do mụn.
  • Thuốc tránh thai: Nếu tình trạng mụn mủ nặng nề, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc tránh thai để cân bằng nội tiết trong cơ thể, làm giảm hoạt động của tuyến bã nhờn.

2.4. Mụn đinh râu

  • Mụn đinh râu hay còn gọi là mụn đầu đen - mụn có ngòi mủ. Hình thành ở gốc sợi râu, gây cảm giác đau nhức nhẹ, sưng đỏ trong giai đoạn đầu. Giai đoạn sau, xuất hiện mủ vàng trong mụn, sưng to gồ lên bề mặt da.
  • Nguyên nhân gây mụn do da bị nhiễm trùng, nặn mụn trứng cá sai cách, trầy xước do cạo râu, bệnh nhân tiểu đường,...

Cách nhận biết: Xuất hiện các vết sưng đau ngay gốc sợi râu, mụn có mủ và ngòi đen như đầu đinh, sưng đỏ, đau nhức, sờ vào có cảm giác nóng. Nếu nặng, đinh râu có thể gây sốt cao, mệt mỏi toàn thân.

Điều trị mụn đinh râu: Điều trị đinh râu theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn sưng đỏ: có thể xác khuẩn vùng mụn bằng cồn iod hàng ngày phối hợp với các loại kem kháng sinh để giảm viêm tại mụn.
  • Giai đoạn mưng mủ: Nếu mủn nhỏ để mụn chín và tự vỡ, dùng các dụng cụ y tế vô khuẩn để làm sạch quanh miệng mụn.
  • Giai đoạn hình thành sẹo: Mụn đã vỡ nhưng để lại thâm sẹo xấu trên da, sử dụng các loại thuốc chống sẹo, các mỹ phẩm chống thâm.

2.5. Mụn nang (mụn bọc)

  • Mụn nang là một biến thể của mụn trứng cá, phát triển sâu từ bên trong da tạo thành các khối u trên bề mặt da, bên trong chứa đầy mủ, dịch, gây đau nhức.
  • Nguyên nhân gây mụn nang do sự tích tụ bụi bẩn, bã nhờn, lạm dụng các loại mỹ phẩm, rối loạn nội tiết gây viêm nang lông.

Cách nhận biết: Kích thước mụn lớn (trên 5mm), nổi gồ lên trên da, đau nhức nhiều, mụn mọc đơn lẻ hoặc thành cụm, bên trong chứa nhiều dịch, mủ.

Điều trị mụn nang: Đây là tình trạng mụn nguy hiểm, gây tổn thương nhiều cho bề mặt da, các biện pháp điều trị gồm:

  • Sử dụng các loại thuốc kháng sinh toàn thần kết hợp với các sản phẩm bôi trị mụn có thành phần retinol, Acid Salicylic,...
  • Ở một số bệnh nhân có tình trạng mụn nang nặng nề do di truyền có thể sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch như Spironolactone.

3. Một số biện pháp phòng ngừa mụn

Để tránh các tổn thương nặng nề trên da do mụn gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sức khỏe có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc, không thức khuya, tránh căng thẳng kéo dài. Ăn nhiều rau xanh, các loại vitamin, tránh đồ ngọt, nước uống có ga, thức ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ.
  • Làm sạch da mặt bằng các sản phẩm chuyên dụng phù hợp với da như nước tẩy trang, sữa rửa mặt, toner cân bằng pH trên da. Tẩy tế bào chết hàng tuần để làm sạch sâu tận lỗ chân lông, phòng ngừa tình trạng tích tụ bã nhờn sinh mụn.
  • Chăm sóc da đúng cách bằng các sản phẩm có thành phần dưỡng da ưu tiên lành tính, có nguồn gốc rõ ràng, chiết xuất từ thiên nhiên; không nặn mụn để tránh tình trạng viêm nhiễm nặng nề hơn.
  • Sử dụng kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ da trước tác động của ánh sáng mặt trời, đồng thời cải thiện sức khỏe làn da, ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng.

Tóm lại, mụn không quá nguy hiểm nếu biết cách nhận biết và chăm sóc đúng cách. Nếu có quy trình dưỡng da hợp lý, làm sạch và bảo vệ sâu bên trong da thì sẽ hạn chế tối đa được tình trạng mụn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

282 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan