Vì sao trẻ em không nên uống nước tăng lực?

Nước tăng lực thường được sản xuất với những lon nước nhiều màu sắc bắt mắt và có mặt ở khắp các cửa hàng tiện lợi trên thế giới. Chúng được quảng cáo là sự lựa chọn đồ uống thông minh khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc cần tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, các loại nước tăng lực thường chứa hàm lượng đường cao cũng như các chất kích thích, chẳng hạn như caffeine, được các cộng đồng y tế khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ nhỏ vì chúng có thể gây ra các vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe.

1. Nước tăng lực có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe của trẻ?

Trước hết, nhiều người có một quan niệm sai lầm về mối nguy hiểm tiềm ẩn giữa đồ uống thể thao và nước tăng lực. Nước uống thể thao được sử dụng với mục đích bù nước sau khi tập luyện thể dục và không chứa caffeine. Mặc dù không có loại nước giải khát nào được khuyến khích cho trẻ em vì hầu hết chúng đều có chứa lượng đường rất cao, tuy nhiên nước tăng lực lại kém lành mạnh hơn nhiều. Điều này là do nước tăng lực có chứa một lượng các chất phụ gia như caffeine, taurine, guarana, nhân sâm, L-carnitine và yohimbine.

Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Pediatrics đã cho biết, nước tăng lực ngày càng trở thành một tác nhân gây quá liều caffeine. Tình trạng sử dụng quá liều chất kích thích và những hóa chất trong nước tăng lực có thể gây lệ thuộc, mất ngủ, mất nước, tim đập nhanh hoặc tăng nhịp tim ở cả trẻ em và người lớn. Nhưng ở trẻ em, những triệu chứng này thậm chí còn có mức độ nghiêm trọng hơn. Tiêu thụ quá nhiều nước tăng lực còn dẫn đến các tình trạng nguy hiểm khác cho trẻ nhỏ, chẳng hạn như hưng cảm, co giật, đột quỵ và tử vong.

Hàm lượng cafein cao trong nước tăng lực được coi là không an toàn cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Theo các tuyên bố khoa học, trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng có nguy cơ đặc biệt cao gặp phải các biến chứng do nước tăng lực vì kích thước cơ thể nhỏ hơn và có tần suất tiêu thụ thường xuyên hơn. Lượng tiêu thụ caffeine quá mức trong nước tăng lực có thể tác động xấu đến hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hoá, thận, nội tiết cũng như các triệu chứng tâm thần khác ở trẻ.

Mặc dù những tác dụng phụ này có thể xảy ra ngay cả ở những trẻ khoẻ mạnh mà không có bất kỳ biến chứng sức khỏe nào đáng chú ý, tuy nhiên những triệu chứng của việc tiêu thụ quá nhiều chất kích thích trong nước tăng lực có thể tăng lên ở những trẻ mắc các bệnh như hen suyễn hoặc bệnh tim. Mặt khác, các chất phụ gia trong nước tăng lực cũng có thể tương tác tiêu cực với một số loại thuốc điều trị bệnh.

Hen suyễn
Những triệu chứng của việc tiêu thụ quá nhiều chất kích thích trong nước tăng lực có thể tăng lên ở những trẻ mắc các bệnh như hen suyễn

Nhìn chung, không có lượng nước tăng lực cụ thể nào là an toàn để trẻ nhỏ có thể tiêu thụ thường xuyên. Ngoài những tác động đột ngột và đe dọa đến tính mạng của nước tăng lực đối với trẻ nhỏ, việc tiêu thụ thường xuyên những loại đồ uống này còn làm tăng nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khoẻ khác liên quan đến lượng đường cao trong sản phẩm. Trong nước tăng lực có chứa tới 54 – 62 gam đường bổ sung. Con số này vượt xa lượng đường tối đa được khuyến nghị hàng ngày đối với trẻ nhỏ. Trẻ em khi thưởng thức nhiều đồ uống này sẽ có nguy cao mắc các bệnh tiểu đường, béo phì và những bệnh mãn tính khá

2. Những trường hợp nào không nên uống nước tăng lực?

Dưới đây là một số trường hợp không nên uống nước tăng lực nhằm tránh những rủi ro về sức khỏe do loại đồ uống này gây ra, bao gồm:

  • Trẻ em bị nhạy cảm với caffeine
  • Không nên uống nước tăng lực trước, trong và sau khi tập thể dục cường độ cao hoặc làm các công việc nặng nhọc vì nó có thể dẫn đến tử vong
  • Những trẻ em có vấn đề về tim mạch cũng không nên sử dụng nước tăng lực
Nước tăng lực
Không nên uống nước tăng lực trước, trong và sau khi tập thể dục cường độ cao hoặc làm các công việc nặng nhọc vì nó có thể dẫn đến tử vong

3. Nên cho trẻ uống gì để thay thế cho nước tăng lực?

Mặc dù các công ty nước giải khát có thể cố gắng thuyết phục bạn rằng những đồ uống có đường của họ sẽ cung cấp cho con bạn một nguồn năng lượng tuyệt vời sau những hoạt động vui chơi và học tập của trẻ. Tuy nhiên, những loại đường trong các loại đồ uống tăng lực hoặc bổ sung năng lượng là không cần thiết và không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Trên thực tế, việc thường xuyên uống bất kỳ loại đồ uống nào có đường, như soda, đồ uống thể thao, nước ép trái cây và nước tăng lực, có thể dẫn đến tình trạng béo phì và tiểu đường. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ chỉ nên uống nước bình thường, hoặc thay vào đó là uống một chút sữa ít béo hay nước trái cây hoàn toàn tự nhiên theo khẩu phần khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng.

Để tăng cường thêm năng lượng, bạn nên cân nhắc các món ăn nhẹ lành mạnh cho trẻ. Các loại thực phẩm như trái cây tươi thái lát, cà rốt và bánh quy làm từ lúa mì sẽ giúp trẻ không bị quá mệt mỏi hoặc đói, tuy nhiên không nên thêm bất kỳ lượng đường nào vào những nguồn cung cấp năng lượng này.

Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi và phân tích cho trẻ biết về những nguy cơ tiềm ẩn khi tiêu thụ nước tăng lực, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên đã có thể tự mua đồ uống. Thực tế, đã có rất nhiều lầm tưởng về nước tăng lực, bao gồm cả việc chúng có thể giúp con bạn giảm cân và tăng cường sức khỏe giúp học tập hiệu quả hơn. Thế nhưng, những tác động tiêu cực của nước tăng lực vượt xa với mọi điểm tốt của chúng. Vì trẻ em dễ bị thu hút bởi các đồ uống chứa caffeine cao, điển hình là nước tăng lực, do đó bạn nên lập một danh sách về những lựa chọn thay thế về đồ uống lành mạnh khác cho trẻ.

Trẻ uống nước
Trong hầu hết các trường hợp, trẻ chỉ nên uống nước bình thường

Bên cạnh đó, bạn cũng nên trở thành một tấm gương tốt cho con trẻ bằng cách nói “không” với việc tiêu thụ nước tăng lực. Điều này sẽ giúp trẻ học tập và hình thành nên những thói quen lựa chọn đồ uống lành mạnh cho sức khỏe ở hiện tại và trong tương lai.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, health.clevelandclinic.org, arnoldpalmerhospital.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan