Phồng lồi đĩa đệm tầng L4 L5 có nguy hiểm không?

Triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm rất đa dạng, trong đó có phình, lồi hoặc phồng đĩa đệm. Khi các biểu hiệu này xuất hiện, bệnh nhân cần chú ý theo dõi sức khỏe và cần thăm khám sớm để có hướng điều trị kịp thời. Vậy phồng lồi đĩa đệm tầng L4 L5 có nguy hiểm không?

1. Vị trí của đốt sống L4 L5?

Theo giải phẫu, cột sống người bình thường được cấu tạo từ nhiều đốt sống sắp xếp chồng lên nhau, bao gồm: 7 đốt sống cổ (C1 – C7), 12 đốt sống lưng (D1 – D12), 5 đốt sống thắt lưng (L1 – L5), 5 đốt sống cùng (S1 – S5) và 4 đốt sống cụt.

Giữa 2 đốt sống gần kề có một cấu trúc là đĩa đệm, nhiệm vụ là giúp các đốt sống giảm sốc và linh hoạt hơn trong các vận động. Đĩa đệm có cấu trúc bên ngoài là lớp vỏ bao xơ và phần nhân nhầy nằm ở trung tâm.

2. Phồng đĩa đệm là bệnh gì?

Đau vùng thắt lưng
Đĩa đệm tổn thương lồi ra hoặc phồng lên sẽ xuất hiện triệu chứng đau nhức vùng thắt lưng

Phồng đĩa đệm hay lồi đĩa đệm xuất hiện khi lớp vỏ bao xơ bị suy yếu làm cho phần nhân nhầy trung tâm bị lồi ra tại vị trí suy yếu đó. Tuy nhiên, nhân nhầy vẫn chưa thoát hoàn toàn ra ngoài như trong bệnh thoát vị đĩa đệm.

Hậu quả là đĩa đệm tổn thương lồi ra hoặc phồng lên, dẫn đến chèn, đè ép vào các dây thần kinh cột sống khiến bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau nhức vùng thắt lưng. Phồng đĩa đệm được xếp vào nhóm bệnh lý tổn thương đĩa đệm, tương đương với thể nhẹ của thoát vị đĩa đệm.

Phồng lồi đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của cột sống nhưng thường gặp ở vùng thắt lưng (hay gặp nhất), ngực hoặc vùng cột sống cổ.

Trong các hoạt động sinh hoạt mỗi ngày, cột sống thắt lưng là vị trí chịu nhiều áp lực nhất do sức nặng của cơ thể gây nên. Do đó, các đốt sống và đĩa đệm vùng thắt lưng dễ bị tổn thương nhất so với các đốt sống khác. Trên thực tế, phồng lồi đĩa đệm L4-L5 chiếm tỷ lệ rất cao trong cộng đồng và có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

3. Nguyên nhân gây phồng lồi đĩa đệm tầng L4 L5

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến phồng lồi đĩa đệm tầng L4-L5. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

  • Thoái hóa cột sống: Cơ chế gây phồng đĩa đệm là do tính đàn hồi của đĩa đệm và vòng sụn xơ dễ suy yếu theo thời gian
  • Chấn thương cột sống: Bao gồm tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hoặc chấn thương khi chơi thể thao... đều có thể làm tổn thương đến cột sống và đĩa đệm, trong đó có lồi đĩa đệm.
Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống có thể dẫn đến phồng lồi đĩa đệm tầng L4-L5
  • Một số thói quen xấu như ngồi cong vẹo cột sống, bưng bê vật nặng sai tư thế, một số hoạt động gắng sức hoặc tập luyện sai cách. Việc lặp đi lặp lại những thói quen xấu trong một thời gian dài khiến đĩa đệm bị chấn thương, đặc biệt là làm bao xơ bên ngoài suy yếu và gây nên bệnh phồng đĩa đệm.
  • Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể càng tăng tỷ lệ thuận với sức ép đè lên các đĩa đệm. Do đó, béo phì cũng là nguyên nhân gây phồng lồi đĩa đệm.

4. Triệu chứng phồng lồi đĩa đệm tầng L4 L5

Bệnh nhân phồng đĩa đệm tầng L4-L5 có các biểu hiện sau:

  • Đau mỏi vùng cột sống thắt lưng. Cơn đau có thể âm ỉ, tăng dần và một số trường hợp đau lan xuống một hoặc cả hai chân.
  • Cảm giác tê bì hoặc cảm thấy như kiến bò từ vùng thắt lưng lan xuống chân
  • Yếu cơ, tê ở một hoặc cả hai chân
  • Liệt từ vùng thắt lưng xuống đến hai chân
  • Triệu chứng rối loạn cơ vòng như đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn cương dương...

Ở giai đoạn mới mắc, các triệu chứng của bệnh thường nhẹ và không rõ rệt, đôi khi tự hết và sau đó xuất hiện trở lại. Chính vì vậy làm người bệnh chủ quan hoặc không biết mình bị phồng đĩa đệm. Đến khi bệnh ở giai đoạn nặng, các triệu chứng rõ rệt và trầm trọng như yếu liệt cơ (tương tự thoát vị đĩa đệm) thì mới đến khám và điều trị.

5. Phồng lồi đĩa đệm tầng L4 L5 có nguy hiểm không?

Bại liệt
Bệnh nhân lồi đĩa đệm có thể bị bại liệt

Phồng đĩa đệm thường không nguy hiểm, ít gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên, do không được phát hiện sớm, chỉ khi triệu chứng nặng hơn đến giai đoạn thoát vị đĩa đệm thì mới được chẩn đoán và điều trị.

Phồng lồi đĩa đệm tiến triển thành thoát vị đĩa đệm sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi đó, cơn đau nghiêm trọng và tần suất nhiều hơn, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Bên cạnh đó, đau cột sống thắt lưng còn kèm theo các triệu chứng khác như tê mỏi hai chân, teo cơ, yếu cơ, hạn chế khả năng vận động. Nghiêm trọng nhất là bệnh nhân lồi đĩa đệm hoàn toàn có thể bị bại liệt, tàn phế, mất hoàn toàn khả năng vận động nếu không được xử trí đúng cách kịp thời.

6. Chẩn đoán bệnh phồng đĩa đệm

Với các dấu hiệu điển hình kèm theo các yếu tố nguy cơ gây bệnh phần nào gợi ý đến phồng lồi đĩa đệm tầng L4-L5. Khi đó, một số phương tiện chẩn đoán hình ảnh được chỉ định để chẩn đoán xác định cũng như phân loại mức độ nặng nhẹ của phồng đĩa đệm như chụp X quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

7. Phồng đĩa đệm có chữa được không?

thuốc Corticosteroid
Thuốc corticosteroid có thể sử dụng trong quá trình điều trị phồng đĩa đệm tầng L4-L5

Phình lồi đĩa đệm là giai đoạn đầu của thoát vị đĩa đệm nên hoàn toàn có thể điều trị được và hiệu quả rất khả quan. Tuy nhiên, để hồi phục hoàn toàn thì bệnh nhân phải kết hợp nhiều phương pháp khác như các bài tập vật lý trị liệu, sử dụng thuốc, chườm nóng – lạnh...

  • Vấn đề cơ bản nhất trong điều trị phồng đĩa đệm tầng L4-L5 là phải giữ tư thế lưng, giữ thắt lưng cho tốt, giảm thiểu các động tác như ngồi khom lưng, cúi lưng, khuân vác, bưng bê đồ nặng hoặc làm việc quá sức. Đặc biệt bệnh nhân không được nằm võng hoặc nệm mềm.
  • Vật lý trị liệu như châm cứu, bấm huyệt ... giúp các cơ thư giãn, tăng lưu thông máu tới các cơ, khớp.
  • Tập luyện bằng các bài tập thể dục nhẹ nhõm như đi bộ, yoga, bơi lội...
  • Sử dụng thuốc hỗ trợ như thuốc giãn cơ (giúp kiểm soát tình trạng co thắt cơ), corticosteroid (có tác dụng kháng viêm, giảm đau mạnh, sử dụng bằng cách tiêm trực tiếp vào khu vực xung quanh dây thần kinh cột sống bị tổn thương).
  • Trị liệu thần kinh cột sống: Phương pháp này thực hiện bằng cách nắn chỉnh nhẹ nhàng các đốt sống với mục đích khôi phục cấu trúc tự nhiên ban đầu của đĩa đệm và cột sống, giảm các chèn ép dây thần kinh.
  • Phẫu thuật

Phồng lồi đĩa đệm thường không nguy hiểm nếu như người bệnh được thăm khám và điều trị kịp thời. Vì thế khi có các dấu hiệu của bệnh cũng như gặp phải các chấn thương cột sống, người bệnh cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan