Việc hiểu rõ chu kỳ kinh nguyệt được tính như thế nào sẽ giúp các chị em phụ nữ nắm bắt được những biến động, thay đổi của cơ thể mình trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, giúp theo dõi và nhận biết được những dấu hiệu bất thường trong sức khỏe phụ nữ để có biện pháp xử lý kịp thời. Vậy chu kỳ kinh nguyệt là gì, kéo dài trong bao lâu? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là chuỗi các biến đổi sinh lý diễn ra định kỳ trong cơ thể phụ nữ, được điều chỉnh bởi hệ thống hormone sinh dục và là yếu tố thiết yếu cho quá trình sinh sản. Chu kỳ này thường bắt đầu từ thời kỳ dậy thì và kéo dài cho đến thời kỳ mãn kinh. Trong giai đoạn này, hiện tượng hành kinh, hay còn được gọi là "đèn đỏ", là một phần của quá trình sinh lý tự nhiên xảy ra ở phụ nữ khỏe mạnh từ tuổi dậy thì cho đến khi kết thúc giai đoạn sinh sản.
Kinh nguyệt cũng là dấu hiệu cho biết phụ nữ không mang thai. Trong mỗi chu kỳ, một trứng hoặc đôi khi là hai trứng được phóng thích từ buồng trứng. Trước khi phóng noãn, lớp nội mjac bao phủ bề mặt của tử cung được xây dựng một cách đồng bộ hoá. Sau khi phóng noãn, lớp nội mạc tử cung phát triển dày lên để sẵn sàng cho việc trứng được thụ tinh có thể làm tổ và phát triển thành thai nhi.
Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, tử cung sẽ loại bỏ lớp nội mạc này và một chu kỳ kinh nguyệt mới lại bắt đầu. Thời gian của một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường là khoảng 28 ngày, tuy nhiên, có thể dao động từ 25 đến 35 ngày tùy theo cơ địa của mỗi người phụ nữ.
2. Chu kỳ kinh nguyệt được tính như thế nào?
Ngoài chu kỳ kinh nguyệt là gì, chu kỳ kinh nguyệt được tính như thế nào cũng là vấn đề được các chị em quan tâm. Hiểu rõ cách tính chu kỳ kinh nguyệt là rất quan trọng để chị em phụ nữ có thể chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và dự đoán các vấn đề sức khỏe có thể gặp phải trong những ngày "đèn đỏ".
Chu kỳ kinh nguyệt được bắt đầu tính từ ngày đầu tiên khi nhìn thấy kinh cho đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Dưới đây là các bước để chị em có thể tính được chu kỳ kinh nguyệt của mình và hiểu rõ chu kỳ kinh nguyệt được tính như thế nào:
- Bước 1: Ghi chép lại ngày đầu tiên mà chị em phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt trong tháng, đây chính là ngày đầu tiên của chu kỳ.
- Bước 2: Theo dõi và đánh dấu ngày xuất hiện kinh nguyệt tiếp theo. Đây chính là ngày kết thúc của kỳ kinh.
- Bước 3: Sử dụng thông tin từ Bước 1 và Bước 2 để xác định tổng số ngày của chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.
- Bước 4: Theo dõi chu kỳ của bản thân trong ít nhất 6 tháng để xác định chu kỳ kinh nguyệt trung bình. Điều này sẽ giúp các chị em dự đoán chính xác hơn về ngày bắt đầu của kỳ kinh tiếp theo.
Ví dụ:
- Ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt lần đầu là ngày 1/4/2019.
- Ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt lần tiếp theo là ngày 29/4/2019.
- Từ đó, chu kỳ kinh nguyệt của người đó là 28 ngày.
Qua các bước trên, chị em có thể hiểu rõ hơn chu kỳ kinh nguyệt được tính như thế nào cùng với việc đã biết chu kỳ kinh nguyệt là gì từ đó chủ động lên kế hoạch và chuẩn bị tốt hơn cho các ngày kinh nguyệt sắp tới.
3. Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bao lâu?
Theo các bác sĩ, một chu kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài 28 ngày. Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt có thể dao động từ 24 đến 38 ngày và vẫn được coi là trong giới hạn bình thường.
Thời gian hành kinh cũng có thể khác nhau tùy theo từng người. Thông thường, thời gian hành kinh kéo dài từ 3 đến 5 ngày, nhưng thời gian này có thể ngắn hơn hoặc lâu hơn, từ 2 ngày đến 1 tuần và vẫn được xem là bình thường.
4. Khi nào cần gặp bác sĩ do chu kỳ kinh nguyệt bất thường?
Mặc dù không phải mọi chu kỳ kinh nguyệt đều giống nhau và một số bất thường có thể không đáng lo ngại, chị em vẫn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải các tình huống sau đây, vì chúng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:
- Chu kỳ kinh nguyệt bị ngừng hơn 60 ngày mà không phải do mang thai.
- Chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên không đều, dù trước đó là đều đặn.
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.
- Lượng máu kinh ra nhiều bất thường, phải thay băng vệ sinh thường xuyên sau mỗi 1-2 giờ.
- Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày.
- Xuất hiện máu kinh bất thường giữa các kỳ kinh.
- Cảm thấy đau bụng dữ dội, buồn nôn hoặc nôn trong thời gian hành kinh.
- Sốt và cảm giác mệt mỏi bất thường sau khi sử dụng băng vệ sinh hoặc tampon.
- Lo ngại về khả năng mang thai do kinh nguyệt trễ hoặc quan hệ tình dục không an toàn mà không sử dụng biện pháp tránh thai.
Những tình trạng này cần được chẩn đoán và đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý và đảm bảo sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.