Các chỉ số trên kem chống nắng có ý nghĩa gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Để hạn chế những tác hại của ánh nắng đối với cơ thể thì việc lựa chọn một loại kem chống nắng như thế nào cho phù hợp rất quan trọng. Ngoài việc chọn loại kem không gây kích ứng da còn phải chọn lựa dựa trên các chỉ số ghi trên bao bì của kem chống nắng.

1. Ánh nắng mặt trời và những ảnh hưởng của ánh nắng đối với làn da

UV hay còn gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại là tia ánh sáng có bước sóng ngắn, không nhìn thấy được bằng mắt thường.

Tia UV gồm ba loại A, B và C; cách chia này dựa vào bước sóng của các tia.

  • Tia UVC (bước sóng 100 - 280 nm) là tia có bước sóng ngắn nhất, gây hại cho cơ thể nhiều nhất tuy nhiên do bị cản bởi tầng ozone nên gần như toàn bộ tia UVC không đến được bề mặt trái đất.
  • Tia UVB (bước sóng 280 - 315 nm) chiếm 5% lượng tia cực tím xuống trái đất.
  • Tia UVA( (bước sóng 315 - 380 nm) chiếm 95% lượng tia cực tím xuống trái đất.

Lợi ích của tia UV:

  • UV có tác dụng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, chống còi xương, chữa một số bệnh ngoài da...
  • Với liều lượng vừa phải, tia UV kích thích mọi hoạt động của cơ thể.

Tuy nhiên nếu cường độ lớn và thường xuyên phải tiếp xúc với tia UV thì có thể gây tác hại cho cơ thể:

  • Tổn thương DNA của tế bào da, nguy cơ gây ung thư da, bệnh da nhạy cảm ánh sáng, lão hóa da.
  • Gây bỏng nắng, Giảm HA trong da, Hủy sợi collagen dưới da, Tạo melanin làm đen da, nám da và tàn nhang.
  • Ảnh hưởng tới mắt khi tiếp xúc trực tiếp với mắt, nhẹ thì gây giảm thị lực tạm thời sau một thời gian tự hết, nặng hơn gây tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể và có thể gây mất thị lực hoàn toàn.
  • Phơi nắng trong thời gian dài có thể gây ra ức chế thần kinh, trầm cảm... do hấp thụ nhiều tia UV

Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra ảnh hưởng của các bước sóng ánh sáng đối với cơ thể người. Không chỉ tia UV mà ánh sáng nhìn thấy được (bước sóng 380-700 nm) và ánh sáng hồng ngoại (bước sóng 700nm-1mm) cũng gây ra một số tác hại với da: gây ra stress oxy hóa, tạo gốc tự do, tăng sắc tố, giảm collagen, thoái hóa mô liên kết,...

Xem thêm:

Nắng nóng
Nắng nóng chứa nhiều tia UV có hại cho sức khỏe

2. Chỉ số SPF và PA trên kem chống nắng là gì?

Để tránh những ảnh hưởng của ánh nắng đối với cơ thể thì cần lựa chọn kem chống nắng cho phù hợp và có khả năng chống lại tia phổ rộng. Để biết khả năng chống lại tia UV của kem chống nắng người ta dựa vào chỉ số SPF và chỉ số PA.

2.1 Chỉ số SPF là gì?

Tia UVB được hấp thu bởi lớp thượng bì - lớp trên cùng của da. UVB gây cháy nắng, lão hóa da, tăng nguy cơ ung thư da.

SPF (sun protection factor) là chỉ số đo lường mức độ tia UVB cần thiết đủ để tạo ra vết cháy nắng trên da được bảo vệ (da có thoa kem chống nắng) so với da không được bảo vệ. Chỉ số SPF càng cao thì khả năng chống tia UVB càng mạnh. SPF liên quan đến lượng ánh nắng mà da tiếp xúc. Lượng ánh nắng mà da tiếp xúc sẽ phụ thuộc:

  • Thời gian tiếp xúc và cường độ ánh nắng tại thời gian đó
  • Type da của mỗi người: người da sáng màu sẽ hấp thụ ánh nắng nhiều hơn người da tối màu
  • Lượng kem chống nắng được thoa
  • Tần suất thoa lặp lại kem chống nắng

Chỉ số SPF trong kem chống nắng thấp nhất hiện nay là 15 và cao nhất là 100.

Khi đặt trong điều kiện hoàn hảo thì kem chống nắng có chỉ số SPF 15 sẽ lọc được khoảng 93,4% tia UVB, SPF 30 là khoảng 96,7%, SPF 50 là khoảng 98%. Tỷ lệ cho thấy sự khác biệt về khả năng lọc tia không đáng kể giữa các chỉ số SPF 15-50. Và thực tế là kem chống nắng SPF 30 thoa đúng cách sẽ bảo vệ tốt hơn kem chống nắng SPF 50 thoa quá mỏng hoặc không đủ thường xuyên.

Kem chống nắng
Chỉ số SPF thường được ghi trên nhãn hộp kem chống nắng

2.2 Chỉ số PA là gì?

Tia UVA có khả năng xuyên sâu hơn UVB và đi đến lớp bì của da (lớp giữa). UVA không gây bỏng nắng, nhưng làm tăng sắc tố, sạm da, phá hủy collagen, gây lão hóa da, tạo ra nếp nhăn, ung thư da.

PA (protection grade of UVA) là chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA của kem chống nắng do Hiệp Hội Mỹ Phẩm Nhật Bản công bố. Chỉ số PA thường gặp trong các mỹ phẩm ở thị trường Châu Á. PA dao động từ 1 đến 4 + (+, ++, +++ hoặc ++++), PA càng cao thì khả năng bảo vệ khỏi tia UVA càng mạnh.

Ở Châu Âu, chúng ta sẽ nhìn thấy chỉ số có ý nghĩa tương đương là PPD (persistent pigment darkening), chỉ số này dao động từ 2-50.

Thông thường trên bao bì kem chống nắng chỉ số PA được thể hiện bằng các dấu “+” và được hiểu như sau:

  • PA+ : có khả năng chống tia UVA ở mức rất thấp
  • PA++ : có khả năng chống tia UVA thấp
  • PA+++ : có khả năng chống tia UVA trung bình
  • PA++++ : có khả năng chống tia UVA cao

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

3. Các ký hiệu khác trên kem chống nắng

Như đã đề cập ở trên, không chỉ tia UVA, UVB mà ánh sáng nhìn thấy được và ánh sáng hồng ngoại cũng gây ra một số tác hại với da. Vì vậy, các loại kem chống nắng phổ rất rông thế hệ mới có bổ sung thêm các chất có khả năng chắn, lọc các loại ánh sáng này.

Hiện tại, chúng ta sẽ bắt gặp thêm các ký hiệu như:

  • HEVL (High Energy Visible Light 400-500nm): khả năng lọc ánh sáng nhìn thấy được bằng mắt thường
  • IR-A (infrared radiation A 750-1400nm): khả năng lọc tia hồng ngoại gần

Kem chống nắng có phổ càng rộng càng bảo vệ da khỏi các ảnh hưởng có hại của ánh nắng. Tuy nhiên, không có loại kem chống nắng nào có thể bảo vệ chúng ta 100% khỏi ánh nắng mặt trời, vì vậy cần phối hợp thêm các biện pháp tránh nắng và che nắng. Để có thêm thông tin, mời bạn tìm đọc các bài viết về kem chống nắng trên vinmec.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

141.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • vạt da
    Vạt da cân có cuống mạch nuôi

    Tổn thương mất da lộ gân xương ngón tay là một trong những tổn thương hay gặp ở chi trên, thường gặp nhất là do tai nạn lao động. Tổn thương này thường lộ gân xương, vì thế nếu không ...

    Đọc thêm
  • Moxilaf
    Công dụng thuốc Moxilaf

    Thuốc Moxilaf là thuốc mỡ bôi ngoài da, sử dụng để kháng khuẩn tại các vết bỏng, vết thương trầy xước trên da. Cụ thể liều dùng thuốc và tác dụng của thuốc này ra sao? Bài viết sau đây ...

    Đọc thêm
  • dầu baobap làm đẹp da
    Lợi ích của dầu Baobab cho da

    Trong khi các xu hướng làm đẹp thường thay đổi liên tục, thì lại có những xu hướng bắt nguồn từ thói quen hàng thế kỷ. Đó chắc chắn là trường hợp của tinh dầu Baobab, một nguyên liệu thời ...

    Đọc thêm
  • Nâng cơ mặt bằng sóng RF là gì
    Làm săn chắc da bằng tần số vô tuyến (RF)

    Làm săn chắc da mặt bằng tần số vô tuyến là một phương pháp giúp làm đẹp da không cần phẫu thuật. Vậy phương pháp này là gì, có lợi ích gì đối với hiệu quả chăm sóc da, nâng ...

    Đọc thêm
  • dầu calendula
    Hướng dẫn 7 cách sử dụng dầu Calendula cho làn da

    Dầu Calendula là một loại dầu tự nhiên được chiết xuất từ hoa cúc vạn thọ (Calendula officinalis). Với đặc tính kháng nấm, chống viêm và kháng khuẩn, dầu Calendula được sử dụng phổ biến trong việc chữa lành vết ...

    Đọc thêm