Chỉ định lọc máu trong suy thận cấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Suy thận cấp là tình trạng thận đột ngột giảm chức năng, đây là một bệnh lý diễn biến rất nhanh, gây nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Chỉ định lọc máu trong suy thận cấp với sự phát triển của lọc máu thận bằng thận nhân tạo đã làm tăng khả năng thành công trong điều trị và tỉ lệ sống của bệnh nhân.

1. Suy thận cấp

1.1 Suy thận cấp là gì?

Suy thận cấp là tình trạng suy sụp và mất chức năng tạm thời, cấp tính của cả hai thận do ngừng hoặc suy giảm nhanh chóng mức lọc cầu thận. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến suy thận cấp, các nguyên nhân này có thể là nguyên nhân ngoài thận hoặc tại thận. Biểu hiện lâm sàng của suy thận cấp là thiểu niệu, vô niệu cấp tính, tăng nitơ phiprotein trong máu, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, phù, tăng huyết áp,... Đây là một bệnh lý nguy hiểm, cấp tính có nguy cơ gây tử vong cao, tuy nhiên nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn.

1.2 Các nguyên nhân gây suy thận cấp

Dựa theo cơ chế bệnh sinh có thể chia ra các nguyên nhân gây suy thận cấp thành các nhóm như sau:

  • Nguyên nhân trước thận

Gồm tất cả các nguyên nhân gây giảm dòng máu đến thận làm giảm áp lực cầu thận và gây ra thiểu niệu, vô niệu như sốc giảm thể tích, sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, sốc quá mẫn, giảm áp lực keo trong hội chứng thận hư, xơ gan mất bù,...

  • Nguyên nhân tại thận

Gồm các tổn thương thực thể tại thận, gặp trong các bệnh thận như: viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn, viêm thận kẽ do nhiễm khuẩn, viêm mạch máu thận trong các bệnh mạch máu hệ thống, hoại tử thận sau thiếu máu, nhiễm độc thận, tăng huyết áp ác tính,...

  • Nguyên nhân sau thận

Gồm các nguyên nhân gây tắc đường dẫn nước tiểu của thận như sỏi đường tiết niệu, cục máu đông, khối u, tắc niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt,...

Chỉ định lọc máu trong suy thận cấp
Cục máu đông dẫn tới sau thận

2. Điều trị

Điều trị suy thận cấp tuân theo các nguyên tắc chung như sau:

  • Nếu có thể phải xác định nguyên nhân gây suy thận cấp và nhanh chóng điều trị để loại bỏ các nguyên nhân
  • Điều chỉnh các rối loạn tuần hoàn,duy trì huyết áp tâm thu 100-120mmHg, phục hồi lượng máu và dịch.
  • Phục hồi lại dòng nước tiểu.
  • Điều chỉnh các rối loạn nội môi.
  • Điều trị triệu chứng phù hợp với các giai đoạn của bệnh.
  • Chỉ định lọc máu ngoài thận khi cần thiết.

3. Chỉ định lọc máu trong suy thận cấp

3.1 Các điều kiện khi chỉ định lọc máu trong suy thận cấp

Bệnh nhân sẽ được chỉ định lọc máu thận sớm khi có 1 điều kiện, chỉ định lọc máu thận bắt buộc khi có 2 điều kiện trong các điều kiện sau:

  • Không đáp ứng với liều điều trị Furosemid, lượng nước tiểu <200ml/ ngày
  • Ure máu > 300 mmol/l
  • Kali máu > 6 mmol/l, trên điện tâm đồ có rối loạn nhịp tim, K+ tăng nhanh
  • Tăng gánh thể tích, ALTMTT tăng, biến chứng OAP
  • Toan máu nặng pH <7.2
  • Na+ máu > 160 mmol/l hoặc <115 mEq/l

3.2 Các phương pháp lọc máu trong suy thận cấp

Lọc máu là phương pháp loại bỏ khỏi máu các phần tử là các chất cặn bã trong quá trình chuyển hóa, các chất độc nội sinh, ngoại sinh, đào thải nước nhằm khôi phục lại sự cân bằng nội môi. Các phương pháp lọc máu phổ biến là lọc màng bụnglọc máu bằng thận nhân tạo.

3.2.1 Lọc màng bụng cấp

Lọc màng bụng là phương pháp sử dụng màng bụng làm màng lọc, khoang bụng là khoang dịch lọc và khoang máu chính là máu chảy trong lòng mạch máu của màng bụng. Việc trao đổi chất giữa máu và dịch lọc qua màng bụng được thực hiện qua theo cơ chế khuếch tán riêng và thẩm thấu. Lọc màng bụng gồm có lọc màng bụng cấp và lọc màng bụng liên tục. Trong đó, lọc màng bụng cấp được chỉ định cho suy thận cấp và các đợt tiến triển nặng của suy thận mạn. Lọc màng bụng liên tục được chỉ định cho bệnh nhân suy thận mạn có mức lọc cầu thận <15 ml/ph.

Lọc màng bụng cấp là kỹ thuật đặt một ống thông tạm thời qua thành bụng vào khoang màng bụng, tới vị trí sát túi cùng Douglas. Mỗi lần đưa vào khoang màng bụng 2 lít dịch lọc, sau 2 giờ tháo dịch ra và thay vào 2 lít dịch mới. Làm liên tục như vậy cho đến khi đạt được các mục tiêu hạ kali, ure và creatinin máu, chức năng thận được phục hồi.

Lọc màng bụng cấp thường được chỉ định lọc máu trong suy thận cấp khi:

  • Không có thận nhân tạo
  • Bệnh nhân chống chỉ định với thận nhân tạo do bệnh tim mạch nặng, rối loạn huyết động, rối loạn đông máu không cho phép dùng Heparin

Lọc màng bụng chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Đang có nhiễm khuẩn phúc mạc
  • Phúc mạc bị dính do vết mổ cũ hoặc chấn thương cũ
  • Xơ hóa phúc mạc, có các khối u trong ổ bụng
  • Có thoát vị cơ hoành, thoát vị thành bụng hoặc thoát vị bẹn
  • Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nặng
  • Bệnh nhân không có khả năng tuân thủ các quy trình kỹ thuật
Chỉ định lọc máu trong suy thận cấp
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nặng

3.2.2 Thận nhân tạo

Thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bằng cách tạo một vòng tuần hoàn ngoài cơ thể, máu được dẫn ra bộ lọc để lọc nước dư thừa và các sản phẩm cặn bã của quá trình chuyển hóa, sau đó máu được dẫn lại cơ thể. Nhờ phương pháp lọc máu thận bằng thận nhân tạo mà tỉ lệ bệnh nhân tử vong do suy thận cấp từ 70-80% trước đây giảm xuống còn khoảng 10%.

Lọc máu bằng thận nhân tạo được chỉ định trong bệnh nhân suy thận cấp, đợt cấp suy thận mạn hoặc trong điều trị một số nhiễm độc cấp tính barbiturat, kim loại nặng,...

Lọc máu bằng thận nhân tạo chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch nặng, khi tiến hành thận nhân tạo có thể bị rối loạn huyết động.
  • Bệnh nhân đang trong tình trạng sốc, trụy tim mạch.
  • Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim nặng.
  • Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, không được sử dụng heparin
  • Bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối
  • Bệnh nhân không làm được cầu nối động- tĩnh mạch

Các biến chứng có thể xảy ra khi lọc máu bằng thận nhân tạo là: Hạ huyết áp, buồn nôn, nôn, đau đầu, đau ngực, sốt, ớn lạnh, ngứa,... Các biến chứng ít gặp nhưng thường nặng gồm: hội chứng mất cân bằng thẩm thấu, hội chứng sa sút trí tuệ do lọc máu, hội chứng không dung nạp dịch lọc, hội chứng ép tim do tràn dịch hoặc tràn máu khoang ngoài tim,...

Bác sĩ Nguyễn Hùng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I Nội tổng quát - Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh; sử dụng được Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Với kinh nghiệm trên 36 năm trong nghề, trong đó 17 năm là Trưởng khoa Nội thận - nội tiết Bệnh viện Đà Nẵng bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý về nội tiết – đái đường và thận. Hiện tại, là bác sĩ điều trị bệnh nội tiết tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan