Chẩn đoán và điều trị rối loạn cương dương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Rối loạn cương dương là tình trạng khi tiến hành giao hợp nhưng dương vật không đủ độ cương cứng để đưa được vào cơ thể người phụ nữ. Nếu chỉ thỉnh thoảng thì không phải là vấn đề đáng lo ngại, tuy nhiên, nếu rối loạn cương dương vẫn tiếp tục diễn ra thì nó có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn và ảnh hưởng đến mối quan hệ.

1. Nguyên nhân của rối loạn cương dương

Kích thích tình dục nam là một quá trình phức tạp liên quan đến não, hormone, cảm xúc, thần kinh, cơ bắp và mạch máu. Rối loạn chức năng cương dương có thể là kết quả của một hoặc nhiều vấn đề trong số này. Tương tự như vậy, căng thẳng và sức khỏe tâm thần có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn cương dương.

Đôi khi sự kết hợp của các vấn đề về thể chất và tâm lý gây ra rối loạn cương dương. Ví dụ, khi chấn thương nhỏ nhưng làm ảnh hưởng đến khả năng tình dục của bạn có thể khiến bạn lo lắng dẫn đến khó khăn trong việc duy trì sự cương cứng. Sự lo lắng này có thể là nguyên nhân hoặc làm chứng rối loạn cương dương càng nặng thêm.

1.1. Nguyên nhân thực thể của rối loạn cương dương


Béo phì là nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn cương dương ở nam giới
Béo phì là nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn cương dương ở nam giới

Trong nhiều trường hợp, rối loạn cương dương được gây ra bởi các bệnh lý khác như:

  • Bệnh tim
  • Xơ vữa động mạch
  • Cholesterol cao
  • Huyết áp cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Béo phì
  • Hội chứng chuyển hóa - tình trạng liên quan đến tăng huyết áp, nồng độ insulin cao, mỡ cơ thể quanh eo và cholesterol cao
  • Bệnh Parkinson
  • Đa xơ cứng
  • Một số loại thuốc kê đơn
  • Sử dụng thuốc lá
  • Bệnh dương vật cong (tên tiếng Anh là Peyronie's disease)
  • Nghiện rượu và các hình thức lạm dụng chất gây nghiện khác
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Quá trình điều trị ung thư tuyến tiền liệt
  • Phẫu thuật hoặc chấn thương ảnh hưởng đến vùng xương chậu hoặc tủy sống

1.2. Nguyên nhân tâm lý của rối loạn cương dương


Áp lực công việc có thể dẫn đến rối loạn cương dương
Áp lực công việc có thể dẫn đến rối loạn cương dương

Bộ não đóng vai trò chính trong việc kích hoạt một loạt các sự kiện vật lý gây ra sự cương cứng, bắt đầu bằng cảm giác hưng phấn tình dục. Một số điều có thể can thiệp vào cảm xúc tình dục và gây ra hoặc làm xấu đi chứng rối loạn cương dương. Bao gồm các:

  • Trầm cảm, lo lắng hoặc vấn đề về sức khỏe tâm thần khác
  • Căng thẳng
  • Các vấn đề về mối quan hệ do căng thẳng, giao tiếp kém hoặc các mối quan tâm khác

2. Chẩn đoán rối loạn cương dương

Ngoài việc khám sức khỏe và trả lời các câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh tật và các triệu chứng hiện tại, nếu bạn có bệnh mãn tính hoặc bác sĩ nghi ngờ rằng tình trạng rối loạn cương dương có liên quan đến bệnh khác đang tiềm ẩn mà chưa được phát hiện, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm hoặc tham khảo ý kiến ​​với bác sĩ chuyên khoa.

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Khám sức khỏe, bao gồm kiểm tra kỹ lượng dương vật và tinh hoàn của bạn và kiểm tra cảm giác thần kinh của bạn.
  • Xét nghiệm máu. Mẫu máu của bạn có thể được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tim, tiểu đường, nồng độ testosterone thấp và các bệnh khác.
  • Xét nghiệm nước tiểu. Giống như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu được sử dụng để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh tiểu đường và các bệnh tiềm ẩn khác.
  • Siêu âm nhằm kiểm tra các mạch máu cung cấp cho dương vật. Xét nghiệm này đôi khi được thực hiện kết hợp với tiêm thuốc vào dương vật để kích thích lưu lượng máu và tạo ra sự cương cứng.
  • Xét nghiệm tâm lý. Bác sĩ của bạn có thể đặt câu hỏi để sàng lọc bệnh trầm cảm và các nguyên nhân tâm lý có thể khác có thể dẫn đến rối loạn cương dương.

Nhờ bác sĩ tư vấn phương pháp chẩn đoán phù hợp
Nhờ bác sĩ tư vấn phương pháp chẩn đoán phù hợp

3. Bệnh rối loạn cương dương và cách điều trị

Người bệnh nên khám với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào, do rối loạn cương dương có thể kèm theo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác như tổn thương dây thần kinh liên quan đến bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc vấn đề về bệnh thần kinh khác.

Trong khi nguyên nhân của rối loạn cương dương có thể là do thể chất, tình trạng này vẫn có thể do tác động tâm lý, do đó làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Người bệnh cần có kế hoạch điều trị bao gồm cả về điều trị thể chất và tâm lý. Một loạt các phương pháp điều trị có thể đảo ngược rối loạn cương dương như:

3.1. Thay đổi lối sống

Điều chỉnh lối sống có thể cải thiện nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn cương dương, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và các động mạch bị tắc. Đàn ông có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nên thảo luận về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt với bác sĩ trước khi thực hiện.

Thay đổi lối sống bao gồm:

  • Sử dụng các bài tập thư giãn để kiểm soát căng thẳng liên quan đến rối loạn cương dương và kiểm soát huyết áp
  • Tập thể dục để cải thiện lưu lượng máu
  • Giảm cân để giúp giảm huyết áp, cải thiện mức cholesterol và testosterone
  • Thay đổi chế độ ăn uống, đặc biệt có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch

Tập thể dục để cải thiện lưu lượng máu, đả thông các động mạch bị tắc
Tập thể dục để cải thiện lưu lượng máu, đả thông các động mạch bị tắc

3.2. Bài tập sàn chậu

Các cơ sàn chậu giúp nam giới đi tiểu và xuất tinh. Tăng cường các cơ này cũng có thể cải thiện chức năng cương dương. Một đánh giá toàn diện năm 2010 cho thấy các bài tập sàn chậu có thể giúp nam giới mắc bệnh tiểu đường có thể đạt được sự cương cứng và duy trì cương cứng.

3.3. Tư vấn tâm lý

Rối loạn cương dương có thể tác động tiêu cực đến lòng tự trọng của người đàn ông nên khiến người đàn ông rất khó chia sẻ vấn đề này cho người khác, đây là tình trạng phổ biến hiện nay ở người bệnh rối loạn cương dương. Điều quan trọng là phải thừa nhận và thảo luận về rối loạn cương dương, đặc biệt khi nó có thể gây ra trầm cảm hoặc lo lắng.

Tư vấn cho người bệnh có thể hỗ trợ trong việc tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần có thể giúp người bệnh kiểm soát sự lo lắng của họ và giải quyết các vấn đề từ đó có thể loại bỏ rối loạn cương dương và ngăn nó quay trở lại.

3.4. Thảo dược và biện pháp thay thế

Một số nam giới thấy rằng các liệu pháp thay thế và bổ sung, chẳng hạn như châm cứu cũng có thể hiệu quả đối với rối loạn cương dương. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng một số bổ sung thảo dược cũng có ích như, một đánh giá năm 2018 cho thấy các chế phẩm nhân sâm cải thiện đáng kể các triệu chứng rối loạn cương dương trong đối tượng được nghiên cứu. Các chế phẩm của chiết xuất thông hàng hải, Pinus pinaster, maca và Lepidium meyenii, cũng cho thấy kết quả đầy hứa hẹn, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn.

Các phương pháp thảo dược hay biện pháp thay thế an toàn nhất khi người bệnh được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và kết hợp với các phương pháp điều trị khác.


Điều trị rối loạn cương dương theo chỉ định của bác sĩ
Điều trị rối loạn cương dương theo chỉ định của bác sĩ

3.5. Thuốc

Một loạt các loại thuốc được chỉ định để điều trị rối loạn cương dương. Nổi tiếng nhất là các loại thuốc, chẳng hạn như tadalafil (Cialis) và Viagra, làm tăng lưu lượng máu đến dương vật và giúp đạt được sự cương cứng.

Biện pháp này hiệu quả khi nguyên nhân của rối loạn cương dương là tác nhân vật lý và chúng cũng hiệu quả khi nguyên nhân không rõ hoặc liên quan đến lo lắng quá mức của người bệnh.

3.6. Thay đổi thuốc

Một số loại thuốc có thể làm cho tình trạng rối loạn cương dương tồi tệ hơn. Ví dụ là thuốc hạ huyết áp có thể làm giảm lưu lượng máu đến dương vật, làm cho người bệnh khó khăn trong việc làm dương vật cương cứng lên. Bất cứ ai nghi ngờ rằng rối loạn cương dương có liên quan đến thuốc đang sử dụng thì hãy xin lời khuyên bác sĩ để sử dụng các thuốc thay thế khác mà vừa có thể điều trị bệnh và vừa hạn chế khả năng mắc rối loạn cương dương.

3.7. Phẫu thuật

Nếu các biện pháp trên không hiệu quả hoặc khi có nguyên nhân cần phải phẫu thuật để điều trị rối loạn cương dương, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bằng cách cấy ghép một thiết bị cho phép cương cứng ngay lập tức. Phẫu thuật có hiệu quả trong hầu hết các trường hợp và tỷ lệ biến chứng là dưới 5%.

Một số người bệnh cảm thấy buồn và thất vọng khi biết bản thân mắc rối loạn cương dương. Điều quan trọng cần nhớ là tình trạng này có thể điều trị được. Rối loạn cương dương rất phổ biến và thường có thể được đảo ngược bằng cách sử dụng các biện pháp tự nhiên hoặc thuốc để điều trị nguyên nhân cơ bản.

Can thiệp sớm thường có thể phát hiện thêm tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng bên dưới triệu chứng của rối loạn cương dương và xác định nguyên nhân của rối loạn cương dương sớm có thể làm tăng khả năng đảo ngược bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe