Cấp cứu vỡ mạch máu mũi

Vỡ mạch máu mũi là một trong những tình trạng thường gặp, do nhiều nguyên nhân như: Huyết áp cao, độ ẩm không khí thấp, lệch vách ngăn mũi, tác dụng phụ của một số loại thuốc,... Khi gặp tình trạng này, người bệnh cần được sơ cứu hoặc cấp cứu ngay.

1. Đặc điểm mạch máu ở mũi

Niêm mạc mũi có chức năng làm ấm, làm ẩm không khí nhờ một mạng lưới mao mạch dày đặc. Các mao mạch trong mũi rất nông nên chỉ cần một chấn thương nhẹ cũng gây chảy máu. Khi chảy máu có thể chảy dữ dội (vỡ các nhánh động mạch) gây nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời.

2. Nguyên nhân vỡ mạch máu mũi

Vỡ mạch máu mũi là tình trạng vỡ các mạch máu nhỏ li ti trong động mạch ở mũi, dẫn tới chảy máu mũi (chảy máu cam). Vì các mạch máu trong mũi rất nhỏ nên đôi khi chỉ cần va chạm nhẹ, xì mũi cũng có thể dẫn đến chảy máu mũi.

Có nhiều nguyên nhân khiến một người bị vỡ mạch máu mũi. Cụ thể là:

  • Biến chứng của cao huyết áp: Khi huyết áp tăng cao đột ngột sẽ gây tăng áp lực lên thành mạch máu. Áp lực lớn tới một mức độ nhất định có thể gây tổn thương, làm vỡ thành mạch mũi, gây chảy máu nhiều và khó cầm máu. Tình trạng chảy máu mũi thường xuyên sẽ phản ánh mức độ nguy hiểm của bệnh cao huyết áp;
  • Độ ẩm không khi thấp: Khi bạn ở trong môi trường có không khí khô thì lớp niêm mạc mũi dễ bị căng quá mức, dễ tổn thương và gây chảy máu mũi;
  • Lạm dụng thuốc xịt thông mũi: Khi bị tắc mũi, nhiều người bệnh có xu hướng dùng thuốc xịt thông mũi để dễ thở hơn. Tuy nhiên, nước mũi chảy ra do bị kích thích niêm mạc, kết hợp với xì mũi quá mức có thể làm rách mô, gây chảy máu mũi;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Các loại thuốc chống đông, thuốc kháng viêm steroid, aspirin có thể ảnh hưởng tới khả năng đông máu, gây chảy máu mũi. Nếu có biểu hiện chảy máu cam sau khi dùng các thuốc trên, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ;
  • Chấn thương: Vết dao đâm, tai nạn lao động, đạn bắn, tai nạn giao thông,...;
  • Lệch vách ngăn mũi: Nếu bề mặt vách ngăn mũi bị khô, kết hợp với yếu tố lệch vách ngăn mũi thì đây là cơ hội để các tác nhân lạ dễ xâm nhập vào hốc mũi, gây nhiễm trùng và chảy máu mũi;
  • Viêm nhiễm: Viêm mũi xoang cấp hoặc viêm mũi xoang dị ứng;
  • Khối u: U hốc mũi, u mao mạch, ung thư sàng hàm, ung thư vòm mũi họng;
  • Các bệnh khác: Bệnh bạch cầu tủy cấp, suy tủy, sốt xuất huyết, suy gan thận mãn tính,...
  • Nguyên nhân khác: Dị vật chui vào mũi, dị dạng mạch máu, phình mạch, hít phải hóa chất độc hại (kim loại nặng, acid,...).
vỡ mạch máu mũi
Vỡ mạch máu mũi là tình trạng vỡ các mạch máu nhỏ li ti trong động mạch ở mũi

3. Cấp cứu điều trị vỡ mạch máu mũi

Khi bệnh nhân đang chảy máu cam, việc đầu tiên là cần cầm máu ngay rồi mới tìm nguyên nhân gây bệnh. Hướng dẫn chi tiết như sau:

3.1 Với trường hợp chảy máu ít

  • Dùng 2 ngón tay bóp 2 cánh mũi lại;
  • Dùng bấc thấm thuốc co mạch như ephedrin hoặc antipyrine 20%, nhét chặt vào hốc mũi và tiền đình;
  • Đốt bằng nitrat bạc hoặc cote điện.

3.2 Với trường hợp chảy máu nhiều

Phương pháp đặt meche mũi trước:

  • Chuẩn bị dụng cụ: Đèn clar, đè lưỡi, mở mũi, nỉa khuỷu, bấc dài 40cm - rộng 1.5cm, ngón tay găng;
  • Thuốc: Dầu paraphin, thuốc tê cocain 6% và túi cao su capot;
  • Thực hiện: Yêu cầu bệnh nhân xì hết máu trong mũi, đặt vào mũi 1 đoạn bấc thấm cocain dài 10cm để làm giảm đau, co mạch. Sau 3 phút, rút bấc ra, dùng mở mũi banh rộng lỗ mũi ra, quan sát trong hốc mũi xem có mào vách ngăn hoặc vẹo vách ngăn không. Bơm mỡ kháng sinh hoặc dầu paraphin vào hốc mũi sau, luồn túi cao su bọc lấy mở mũi, đặt túi cao su vào mũi. Tiếp theo, dùng nỉa khuỷu nhét bấc vào trong hốc mũi qua mở mũi sâu 6 - 8cm, nhét bấc vào hốc mũi sát cửa mũi sau từ trong ra ngoài tới tận cửa mũi. Trong khi nhét bấc mũi cần phải nhét chặt, không để khoảng cách chết. Kiểm tra thành sau họng, không thấy có máu chảy xuống họng là được;
  • Rút bấc: Không để bấc trong mũi quá 48 giờ, thường rút ra nếu có sốt. Khi tháo bấc phải rút thật chậm, tư thế bệnh nhân nằm nghiêng, bác sĩ kéo bấc ra từ từ, từng đoạn một, mỗi đoạn không quá 5cm, cứ sau mỗi đoạn lại dừng 5 phút, vừa rút bấc vừa nhỏ oxy già vào mũi. Quá trình rút bấc kéo dài 20 - 30 phút.

Phương pháp đặt meche mũi sau: Áp dụng khi chảy máu cam do thương tổn phía sau và trên của hốc mũi hoặc đã đặt meche mũi trước nhưng không có hiệu quả:

  • Chuẩn bị dụng cụ: Đèn clar, đè lưỡi, mở mũi, nỉa khuỷu, bấc dài 40cm - rộng 1.5cm, ngón tay găng, ống Nelaton nhỏ bằng cao su, gạc hình trụ chiều cao 3cm buộc vào 1 sợi chỉ dài 25cm, gạc hình trụ đường kính 1cm;
  • Thực hiện: Đặt ống Nelaton vào lỗ mũi bên chảy máu, đẩy ống xuống họng. Yêu cầu bệnh nhân há miệng, dùng kìm kẹp đầu Nelaton ra khỏi miệng. Buộc 1 đầu chỉ của cục gạc vào đầu ống Nelaton, kéo ống Nelaton ngược từ họng lên mũi. Cục gạc sẽ bị lợi chỉ lôi ngược từ họng lên vòm mũi họng, nút vào cửa mũi sau. Khi đi qua eo màn hầu, cục gạc thường bị vướng lại. Lúc này, bác sĩ cần dùng ngón tay nhỏ của tay phải đẩy cục gạc lên phía trên và phía sau để nó vượt qua eo hẹp. Tay trái bác sĩ cầm ống Nelaton và sợi chỉ kéo về phía trước. Khi xong, thái sợi chỉ khỏi ống cao su, buộc nó vào cục gạc thứ 2. Cục gạc này bịt kín lỗ mũi trước;
  • Sau khi đặt meche mũi sau, có thể đặt thêm meche mũi trước như hướng dẫn kể trên.

Nếu đã đặt meche mũi sau và meche mũi trước mà vẫn chảy máu mũi, bác sĩ cần buộc động mạch hàm trong ở hố chân bướm hàm hoặc thực hiện thắt động mạch sàng trước và sàng sau ở bờ trong hốc mắt.

vỡ mạch máu mũi
Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học để phòng ngừa vỡ mạch máu mũi

3.3 Dùng thuốc

  • Truyền dịch, truyền máu;
  • Thuốc cầm máu: Vitamin C, vitamin K, CaCl2, transamin, hemocaprol;
  • Thuốc trợ tim: Spartein, ouabain,...;
  • Thuốc giảm đau: Alaxan, profenid,...;
  • Thuốc kháng sinh mạnh phổ rộng: Cephalosporin thế hệ III;
  • Thuốc an thần: Gardenal, seduxen, rotunda, stilnox,...

4. Phòng ngừa vỡ mạch máu mũi như thế nào?

Tùy thuộc nguyên nhân gây vỡ mạch máu mũi, mỗi người sẽ có biện pháp phòng ngừa tương ứng. Một số lời khuyên gồm:

  • Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung thực phẩm tốt cho người cao huyết áp như nho khô, rau xanh, cần tây, hoa quả, yến mạch,... Người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc, tập thể dục phù hợp để kiểm soát huyết áp tốt hơn;
  • Không nên ngoáy mũi, đưa dị vật vào trong mũi. Tránh xì mũi quá mạnh. Nếu bạn thường xuyên bị dị ứng, nên tham khảo chỉ định điều trị của bác sĩ;
  • Sử dụng máy làm ẩm không khí trong mùa khô để đảm bảo niêm mạc mũi không bị khô, tổn thương gây vỡ các mao mạch trong mũi;
  • Thường xuyên khám sức khỏe, điều trị triệt để các bệnh liên quan ở mũi, xoang, họng,...

Khi bị vỡ mạch máu mũi, người bệnh cần được sơ cứu ngay và đưa tới bệnh viện nếu máu chảy nhiều, khó cầm máu. Đồng thời, mỗi người cần chú ý giữ gìn sức khỏe của bản thân để giảm tối đa nguy cơ mắc các bệnh gây vỡ thành mạch mũi, chảy máu cam.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan