Các dấu hiệu trở nặng của bệnh tay chân miệng

Trẻ quấy khóc khác thường, sốt cao không dứt và giật mình là 3 dấu hiệu trở nặng của bệnh tay chân miệng ở trẻ. Phụ huynh cần chú ý theo dõi, đưa bé đi khám kịp thời để tránh xảy ra biến chứng nặng nề.

1. Ba dấu hiệu trở nặng của bệnh tay chân miệng

  • Trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài

Trẻ bị tay chân miệng có thể quấy khóc nhiều, thậm chí liên tục cả đêm không ngủ. Trẻ ngủ được khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc, sau đó lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ cho rằng tình trạng này là do bé có các nốt trong miệng, gây đau. Nhưng trên thực tế là do trẻ bị nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

  • Trẻ sốt cao không dứt

Biểu hiện sốt trên 38,5oC, kéo dài liên tục hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt paracetamol là dấu hiệu trở nặng của bệnh tay chân miệng. Lúc này, các quá trình đáp ứng viêm đang diễn ra rất mạnh trong cơ thể, gây ra tình trạng nhiễm độc thần kinh. Để khắc phục tình trạng này, cần dùng loại thuốc hạ sốt có chứa ibuprofen.

  • Trẻ giật mình

Trẻ giật mình là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm độc thần kinh. Phụ huynh nên chú ý quan sát và phát hiện triệu chứng này, ngay cả khi trẻ đang chơi đùa, để ý xem số lần trẻ giật mình có tăng theo thời gian hay không.


Trẻ bị tay chân miệng có thể quấy khóc nhiều có thể là dấu hiệu trở nặng của bệnh chân tay miệng
Trẻ bị tay chân miệng có thể quấy khóc nhiều có thể là dấu hiệu trở nặng của bệnh chân tay miệng

2. Cách chăm sóc trẻ tay chân miệng tại nhà

  • Vệ sinh miệng cho trẻ

Đối với bệnh tay chân miệng ở trẻ, các nốt phỏng mọc trong miệng là vấn đề đáng lưu tâm nhất khiến trẻ đau mãi không ăn được, cũng không cho vệ sinh răng miệng, dẫn đến nguy cơ bội nhiễm, viêm nha chu và nấm miệng. Không nên dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối để rửa răng miệng cho trẻ vì sẽ dễ gây chạm, vỡ các nốt phỏng, nguy cơ vết loét càng thêm nghiêm trọng.

Cách vệ sinh miệng tốt nhất cho trẻ là sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ súc miệng sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Khuyến khích trẻ cố gắng uống nhiều nước và súc miệng nước muối. Điều này có thể làm sạch răng miệng mà không gây nguy hiểm.

  • Dinh dưỡng

Các trẻ bị bệnh tay chân miệng đa phần đều rất biếng ăn, thậm chí có thể không ăn gì do các vết loét trong niêm mạc miệng gây ra nhiều đau đớn. Vì vậy, việc lựa chọn thức ăn cho trẻ cần ưu tiên các loại thức ăn mềm, mát lạnh, nhằm tạo ra cảm giác dễ chịu, chẳng hạn như bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai,... Nếu trẻ còn bú sữa mẹ, cần tiếp tục cho con bú, vệ sinh răng miệng đầy đủ, nghỉ ngơi và tránh kích thích.

  • Vệ sinh da

Vệ sinh da là bước cần thiết để tránh bội nhiễm vi khuẩn cho trẻ. Theo đó, phụ huynh có thể tắm cho trẻ bằng các loại thuốc nước có tính sát trùng nhẹ, như nước lá chè, lá chân vịt... Sử dụng dung dịch Betadin bôi và rửa các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Nếu trẻ có sốt, cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt chứa paracetamol theo hướng dẫn trên tờ thông tin thuốc. Chỉ sử dụng thuốc khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, kết hợp lau mát 2 bên hõm nách và bẹn để hạ nhiệt. Tuy nhiên, nếu nhận thấy sau khi dùng thuốc, tình trạng của trẻ vẫn không thuyên giảm mà liên tục kéo dài thì rất có thể là dấu hiệu trở nặng của bệnh tay chân miệng, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.


Nếu dùng thuốc mà tình trạng sốt của bé không thuyên giảm thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ
Nếu dùng thuốc mà tình trạng sốt của bé không thuyên giảm thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ

3. Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ

Phụ huynh có thể thực hiện những cách sau đây để phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ:

  • Vệ sinh tay sạch sẽ và thường xuyên bằng xà phòng, thực hiện dưới vòi nước sạch (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt vào những lúc trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi cho trẻ ăn, trước khi bế hoặc ôm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh cho trẻ và sau khi thay tã;
  • Thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm: Ăn chín, uống chín, vật dụng trước và sau khi sử dụng phải rửa sạch sẽ (tốt nhất nên ngâm tráng nước sôi), đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không để trẻ bốc thức ăn, mút tay, ngậm đồ chơi, hạn chế trẻ dùng chung vật dụng với các bé khác, bao gồm khăn ăn, khăn tay, đồ chơi, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa,...;
  • Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với bé hàng ngày, như sàn nhà, mặt bàn/ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thích hợp;
  • Không để trẻ tiếp xúc với các bệnh nhân tay chân miệng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu bệnh;
  • Cách ly bệnh nhi tại nhà. Không đến những nơi tập trung đông các bé như nhà trẻ, trường học, sân chơi trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh.

Cha mẹ cần chú ý theo dõi biểu hiện của trẻ, nếu thấy có 1 trong 3 dấu hiệu cho thấy bệnh tay chân miệng trở nặng, cần đưa trẻ đi thăm khám để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe