Khi nói đến tình trạng sức khỏe, nhiều người thường chỉ đề cập đến vấn đề cân nặng hay lượng calo nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, điều này chỉ đánh giá được một phần sức khỏe của bạn. Thực tế, sức khỏe của con người còn phụ thuộc vào rất nhiều chỉ số khác như: chỉ số BMI, đường huyết, huyết áp, cholesterol hay Triglycerid.
1. Chỉ số BMI
1.1. Vai trò
BMI (viết tắt của Body Mass Index) là chỉ số khối lượng cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng để tính khối lượng lý tưởng hoặc gầy hay béo phì. Thông qua chỉ số BMI bạn có thể đánh giá trọng lượng của cơ thể đã phù hợp với chiều cao hay chưa, từ đó điều chỉnh cân nặng để có vóc dáng cân đối vừa vặn nhất. Một chỉ số BMI lý tưởng cũng đồng nghĩa với việc bạn đang sở hữu sức khỏe tốt, ít nguy cơ bệnh tật.
1.2. Chỉ số BMI ở người bình thường
Để tính được chỉ số BMI của cơ thể bạn có thể áp dụng công thức:
BMI = (trọng lượng cơ thể)/(chiều cao x chiều cao). Trong đó, trọng lượng cơ thể tính bằng kg và chiều cao tính bằng mét. Thông qua chỉ số BMI, bạn có thể xác định cơ thể có đang mắc bệnh béo phì hay bị suy dinh dưỡng hay không.
Mức BMI cần đạt ở người bình thường là từ 19-23.
2. Huyết áp
2.1. Vai trò
Huyết áp là áp lực máu tác động lên các thành mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra bởi sức cản của động mạch và lực co bóp của tim. Dù huyết áp cao hay thấp cũng đều gây những tác động xấu đến sức khỏe. Do đó, thường xuyên đo huyết áp là việc làm cần thiết giúp bạn kiểm soát tình trạng sức khỏe.
2.2. Huyết áp ở người bình thường
Khi đo huyết áp, bạn cần nắm được 2 trị số đó là huyết áp tối đa (tâm thu) và huyết áp tối thiểu (tâm trương). Căn cứ vào 2 trị số này bạn có thể biết được huyết áp của có bình thường hay không.
Vậy huyết áp bao nhiêu là bình thường? Huyết áp bình thường sẽ có trị số tâm thu dưới 140mmHg và tâm trương dưới 90mmHg.
3. Chỉ số đường huyết
3.1. Vai trò
GI (Glycemic Index) là chỉ số đường huyết phản ánh tốc độ tăng đường huyết trong cơ thể sau khi sử dụng những thực phẩm giàu chất bột đường. Chỉ số đường huyết của một thực phẩm sẽ được phân chia thành 3 cấp độ: cao, trung bình và thấp.
Việc kiểm soát chỉ số đường huyết trong cơ thể là rất quan trọng nhất là với những người bị bệnh tiểu đường.
3.2. Chỉ số đường huyết ở người bình thường
Chỉ số đường huyết sẽ thay đổi trước và sau khi ăn. Tùy vào từng độ tuổi, giai đoạn bệnh cụ thể mà mỗi người sẽ có mức đường huyết an toàn khác nhau.
Mức đường huyết an toàn ở người bình thường là 4.0-5,9 mmol/L (72-108 mg/dL)
4. Chỉ số Cholesterol và Triglycerid
4.1. Vai trò
Lipid máu hay là mỡ máu, là một thành phần quan trong trong cơ thể và có nhiều thành phần khác nhau nhưng quan trọng nhất là cholesterol và Triglyceride.
Cholesterol toàn phần gồm nhiều dạng cholesterol, trong đó hai thành phần quan trọng nhất là cholesterol trọng lượng phân tử cao (HDL-C) và cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-C). Khi nồng độ LDL-C tăng hoặc nồng độ HDL-C thấp thì nguy cơ bị bệnh tim mạch càng cao. Tăng triglycerid, một thành phần mỡ máu khác, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Việc xét nghiệm nồng độ các thành phần của lipid máu rất quan trọng và nên được làm sau tuổi 40.
4.2 Chỉ số Cholesterol và Triglycerid bình thường
Mức cần đạt của các chỉ số cholesterol và triglycerid như sau:
- Cholesterol toàn phần: < 5,2 mmmol/L (201,1 mg/dL)
- LDL-Cholesterol: < 3,2 mmol/L (123,7 mg/dL)
- HDL-Cholesterol: > 1,3 mmol/L (50,3 mg/dL)
- Triglycerid: < 1,7 mmol/L (150,6 mg/dL)
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về các chỉ số trong cơ thể. Hy vọng qua bài viết này bạn đọc sẽ có cơ sở để đánh giá được tình trạng sức khỏe của mình. Để xác định các chỉ số của cơ thể và đánh giá tình trạng sức khỏe một cách chính xác, bạn nên tiến hành xét nghiệm ở những cơ sở y tế uy tín.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.