Có thể biết trước nguy cơ tim mạch 10 năm dựa trên những yếu tố nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh tim mạch đã và đang là vấn đề sức khỏe được quan tâm hàng đầu trên thế giới với tỷ lệ tử vong và tàn phế đứng hàng đầu. Hầu hết các bệnh lý tim mạch hiện nay là do xơ vữa động mạch, do vậy, yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch được bàn đến thường liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của xơ vữa động mạch.

1. Yếu tố nguy cơ tim mạch là gì?

Yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là các yếu tố liên quan với sự gia tăng khả năng bị mắc bệnh tim mạch. Một người mang một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ nào đó có nghĩa là có sự gia tăng khả năng mắc bệnh của người đó chứ không phải bắt buộc là chắc chắn sẽ bị bệnh. Thường thì các yếu tố nguy cơ hay đi kèm nhau, thúc đẩy nhau phát triển và làm nguy cơ bị bệnh tăng theo cấp số nhân. Người ta nhận thấy ngày càng có nhiều các nguy cơ tim mạch xuất hiện. Sau đây là danh sách của các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch, đã được thừa nhận.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

2.1. Yếu tố nguy cơ không thay đổi được

  • Tuổi: nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch tăng lên khi tuổi đời bạn cao hơn. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tuổi tác là một trong những yếu tố dự đoán bệnh tật quan trọng nhất. Hơn nửa số người bị đột quỵ tim mạch và tới bốn phần năm số người bị chết vì đột quỵ có tuổi cao hơn 65. Tất nhiên là bạn không thể giảm bớt tuổi đời của mình được nhưng việc ăn uống điều độ và sinh hoạt hợp lý có thể giúp làm chậm lại quá trình thoái hóa do tuổi tác gây ra.

Nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch tăng lên khi tuổi đời của bạn cao hơn
Nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch tăng lên khi tuổi đời của bạn cao hơn
  • Giới: nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác cao hơn so với nữ giới ở tuổi trẻ. Tuy nhiên, nữ giới tuổi cao, sau mãn kinh cũng có nguy cơ bị bệnh tim mạch không khác nhiều so với nam giới. Hiện nay, bệnh tim mạch ở nữ giới đang trở thành vấn đề đáng báo động vì sự chủ quan của chính chúng ta.
  • Di truyền (gia đình có người bị bệnh tim mạch khá sớm): những bằng chứng nghiên cứu cho thấy những người có yếu tố di truyền (gia đình) bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ (nam trước 55 tuổi và nữ trước 65) sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn những người khác.

Xem thêm: Các bệnh tim mạch thường gặp ở người cao tuổi

2.2. Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

  • Tăng huyết áp: là nguyên nhân của bệnh tim mạch thường gặp nhất và cũng là yếu tố nguy cơ được nghiên cứu đầy đủ nhất. Tăng huyết áp được coi là kẻ giết người thầm lặng và là nguy cơ mạnh nhất gây các biến cố tim mạch. Huyết áp tăng thường không có triệu chứng gì và gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm đến tim mạch. Tăng huyết áp lại thường kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là béo phì, tăng hàm lượng cholesterol, triglycerid trong máu và đái tháo đường. Trong các rối loạn này, một rối loạn này có thể là nguy cơ của rối loạn khác và ngược lại. Việc điều trị tốt tăng huyết áp giúp làm giảm đáng kể các nguy cơ của nó. Vấn đề đặt ra là kết quả điều trị tăng huyết áp không chỉ phụ thuộc vào việc dùng thuốc mà việc điều chỉnh lối sống như giảm cân nặng, hạn chế muối, tập luyện đều... cũng góp phần không thể thiếu được.
  • Rối loạn lipid (mỡ) máu: Tăng hàm lượng các chất lipid (mỡ) trong máu (cholesterol và triglycerid) rất thường gặp và là một trong những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được quan trọng bậc nhất của bệnh tim mạch. Cholesterol toàn phần bao gồm nhiều dạng cholesterol, trong đó, hai thành phần quan trọng nhất là cholesterol trọng lượng phân tử cao (HDL-C) và cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-C). Khi nồng độ LDL-C tăng là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngược lại, HDL-C được xem là có vai trò bảo vệ bạn, và khi hàm lượng HDL-C trong máu càng thấp thì nguy cơ bị bệnh tim mạch càng cao. Tăng triglycerid, một thành phần mỡ máu khác, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ cao nhất của bệnh tim mạch
Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ cao nhất của bệnh tim mạch

Các rối loạn lipid máu lại thường đi kèm các nguy cơ tim mạch khác như đái tháo đường, tăng huyết áp... Việc đánh giá (xét nghiệm) nồng độ các thành phần lipid máu là rất quan trọng, nên làm ở tuổi sau 40. Chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều, nếu cần phải dùng các thuốc điều trị rối loạn lipid máu và điều chỉnh các nguy cơ khác (nếu có) đi kèm là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa các biến cố tim mạch.

  • Hút thuốc lá: là một yếu tố nguy cơ đã rõ làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi cho dù những người hút thuốc thường gầy và có huyết áp thấp hơn những người không hút thuốc. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây ung thư phổi và các bệnh lý khác. Hãy không hút thuốc lá (thuốc lào), nếu bạn chưa hút. Nếu bạn hút thuốc thì hãy bỏ ngay, vì việc bỏ thuốc lá là một biện pháp được chứng minh rất hiệu quả để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. Bạn cũng cần chú ý hút thuốc lá bị động (khi bạn phải hít khói thuốc lá do người khác hút) cũng có nguy cơ không kém.
  • Thừa cân, béo phì: ở các mức độ khác nhau đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Béo phì có thể tác động tới sự hình thành các yếu tố nguy cơ khác. Béo phì càng nhiều thì khả năng xuất hiện các yếu tố tiền đề cho xơ vữa động mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường cũng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Để tính cân nặng lí tưởng, người ta dựa trên chiều cao và cân nặng của bạn để tính ra chỉ số khối lượng cơ thể (BMI). Bên cạnh đó, vòng bụng là một trong chỉ số quan trọng bởi béo phì ở bụng còn liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đó là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, giảm dung nạp đường và đái tháo đường. Tốt nhất bạn nên giữ vòng bụng < 90cm (nam giới) và < 75cm (nữ giới).
  • Giảm dung nạp đường/ Đái tháo đường: những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type II, có tỉ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường. Bản thân người bệnh đái tháo đường cũng thường chết vì nguyên nhân tim mạch. Ngay cả khi lượng đường trong máu chỉ mới tăng nhẹ thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cao hơn. Những người đái tháo đường type II thường có nồng độ insulin trong máu cao, và kèm theo tình trạng kháng Insulin. Đái tháo đường và đề kháng Insulin làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng lắng đọng cholesterol vào mảng vữa xơ động mạch. Hậu quả, là thúc đẩy quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó. Trong thực tế, giảm cân nặng và tập luyện có khả năng thúc đẩy quá trình sử dụng đường và giúp bạn ngăn ngừa hoặc làm chậm lại sự xuất hiện của bệnh đái tháo đường. Việc điều trị khống chế tốt đường huyết (nếu bạn bị) sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh tim mạch. Những người bị đái tháo đường từ khi còn trẻ (gọi là đái tháo đường type I) lại có nhiều nguy cơ tổn thương thận và mắt hơn là bệnh mạch vành hay đột quỵ. Trong trường hợp này, insulin bị thiếu hụt trầm trọng do bệnh lý ở tuỵ.

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh mạch vành và đột quỵ
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh mạch vành và đột quỵ
  • Lười vận động: lối sống tĩnh tại được coi là một nguy cơ của các nguy cơ tim mạch. Việc vận động hàng ngày đều đặn ít nhất 30 phút mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Người ta đã chứng minh việc tập luyện thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim đồng thời nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra nhồi máu cơ tim. Tập luyện dường như cũng có tác động tích cực tới các yếu tố nguy cơ khác. Người ta cho rằng lợi ích của tập luyện là ở việc giảm cân nặng, tăng khả năng dung nạp đường, tăng sức mạnh cơ tim, tăng nồng độ HDL-C, giảm căng thẳng, hạ huyết áp... Các hình thức luyện tập được khuyến cáo là tập đều (hầu hết các ngày), mỗi ngày ít nhất 30 phút, tập đủ mạnh (ấm người, thở hơi nhanh, ra mồ hôi vừa).

2.3. Một số yếu tố nguy cơ có thể

Xem thêm: 20 loại thực phẩm tốt cho trái tim bạn

3. Thang điểm Framingham

Để ước tính nguy cơ tim mạch 10 năm, người ta sử dụng thang điểm Framingham. Thang điểm Framingham được tính riêng cho nam giới và nữ giới, các thông số trong thang điểm bao gồm: tuổi, tình trạng hút thuốc, huyết áp tâm thu, nồng độ cholesterol và nồng độ HDL. Sau khi tính tổng điểm ta dễ dàng quy ra phần trăm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch trong vòng 10 năm tới cho người bệnh.

Trường hợp của bạn, để tính nguy cơ tim mạch bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch, làm xét nghiệm cholesterol và HDL máu để ước tính nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.


Bạn cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để ước tính nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch
Bạn cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để ước tính nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch

4. Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch

Làm thế nào mà bạn, cùng với việc ứng dụng những thông tin chúng tôi vừa trình bày trong bài viết này, chắc chắn rằng mình đang làm mọi điều có thể để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các biến chứng khác của xơ vữa động mạch? Trước tiên, cùng với sự giúp đỡ của thầy thuốc, bạn phải đánh giá là mình thuộc nhóm nguy cơ thấp hay cao. Nhiều câu hỏi bạn có thể tự trả lời được. Bạn có hút thuốc? Bạn có thừa cân? Bạn có uống quá nhiều rượu? Có ai trong gia đình bạn mắc bệnh tim mạch hay tăng huyết áp? Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ về mức độ nguy cơ của bản thân, bạn cần có sự trợ giúp của bác sĩ.

Bác sĩ sẽ đo huyết áp, sẽ gửi máu của bạn đi làm xét nghiệm về cholesterol, triglycerid, đường trong máu đồng thời khai thác tiền sử và tiến hành quá trình thăm khám. Bác sĩ có thể ghi điện tâm đồ hoặc tiến hành một xét nghiệm chuyên biệt nào đó để xác định xem quả tim bạn có bị phì đại hay bất thường không. Bằng việc kết hợp những thông tin thu được về các yếu tố, bác sĩ sẽ giúp bạn xác định được tổng nguy cơ. Khi các thông số về nguy cơ đã được thu thập và lượng giá, một chương trình điều trị hướng tới việc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ có thể được bắt đầu. Nếu bạn là người không mang yếu tố nguy cơ và không mắc bệnh tim mạch, những lời khuyên đơn giản dưới đây sẽ luôn hữu ích và nếu có, cũng sẽ rất ít gây hại cho bạn:

  • Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim, ít mỡ bão hòa và cholesterol, nhiều rau, quả, cá...
  • Giảm cân nặng nếu bạn thừa cân.
  • Hạn chế muối đưa vào cơ thể. Đa số chúng ta ăn nhiều muối hơn lượng cơ thể chúng ta cần. Nhiều thức ăn tự nhiên đã chứa muối hoặc muối đã được thêm vào trong quá trình chế biến. Đơn giản nhất, bạn hãy hạn chế cho muối vào thức ăn khi nấu nướng.
  • Bắt đầu một chương trình tập luyện thể dục. Tập luyện đều đặn có lợi cho tất cả mọi người. Bạn hãy chọn một phương pháp phù hợp với sở thích, thời gian và khả năng của bạn. Luyện tập đều đặn, mỗi ngày ít nhất 45 phút.
  • Nếu bạn hút thuốc, hãy ngừng ngay.
  • Nếu bạn uống rượu, hãy vừa phải.
  • Học cách làm giảm căng thẳng, tránh phản ứng với các tình huống có thể gây stress bởi nó chỉ làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn mà thôi.
  • Đi khám bệnh định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của bạn. Một hồ sơ hoàn toàn trong sạch về sức khỏe tại một thời điểm nào đó không thể suốt đời đảm bảo được rằng bạn không có bệnh tật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe