Bệnh sởi là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Với tình trạng các ca nhiễm bệnh sởi ngày càng tăng cao đặc biệt là ở trẻ nhỏ, cha mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để có những hiểu biết cần thiết trong việc theo dõi, phát hiện sớm và chăm sóc trẻ đúng cách nếu trẻ bị sởi.

1. Bệnh sởi là gì? Bệnh lây truyền qua những đường nào?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxoviridae gây ra. Bệnh lây qua đường không khí hay xuất hiện vào thời điểm đông - xuân, là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng cũng xuất hiện ở người lớn, khả năng bùng phát thành dịch rất cao.

sởi
Paramyxoviridae - virus gây bệnh sởi

2. Những ai dễ mắc bệnh sởi?

Tất cả những ai chưa có miễn dịch với bệnh sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên bệnh hay gặp ở trẻ em. Mức độ nặng hay nhẹ của bệnh trên mỗi người cũng không giống nhau, phụ thuộc sức đề kháng của từng cá thể.

Sau khi mắc sởi, bệnh nhân sẽ có miễn dịch bền vững với bệnh.

sởi
Bệnh sởi hay gặp ở trẻ em

3. Triệu chứng khi mắc bệnh sởi?

Khi bị mắc sởi, có thể khái quát các biểu hiện của bệnh sởi là: sốt, phát ban, ho, viêm kết mạc mắt (mắt đỏ), chảy nước mũi.

Bệnh sởi có giai đoạn ủ bệnh thông thường từ 12-14 ngày, có thể kéo dài đến 21 ngày. Bệnh có thể lây truyền từ 1 ngày trước khi bắt đầu giai đoạn tiền triệu (khoảng 4 ngày trước khi phát ban) đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban, ít nhất là sau ngày thứ 2 phát ban.

Khi bệnh sởi khởi phát, bệnh nhân thường biểu hiện: sốt cao, viêm kết mạc, viêm long đường hô hấp trên, viêm thanh quản cấp, có thể xuất hiện các hạt Koplik. Sau sốt 3-4 ngày ban dát sẩn, màu hồng bắt đầu xuất hiện lần lượt theo thứ tự từ sau tai, trán, xuống vùng ngực, lưng, rồi xuống đùi và bàn chân. Khi ban mất đi cũng mất theo thứ tự trên, ban bong vảy để lại vết thâm trên da.

4. Người mắc bệnh sởi cần được chăm sóc như thế nào?

Khi mắc bệnh sởi, bệnh nhân nên được chăm sóc như sau:

  • Cần cách ly bệnh nhân, cho bệnh nhân đeo khẩu trang y tế, tránh để bệnh nhân tiếp xúc với nhiều người.
  • Bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại buồng thoáng khí, đủ ánh sáng (tránh ánh sáng mạnh vì bệnh nhân có thể sợ ánh sáng). Buồng nên vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.
  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều.
  • Giữ cho cơ thể đủ ấm, vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng tốt, tuyệt đối không kiêng nước, kiêng gió.
  • Nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc có thể sử dụng dung dịch nhỏ mắt mũi chuyên dùng, mỗi ngày nhỏ 3-4 lần.
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng cho người bệnh. Nên cho bệnh nhân ăn thức ăn dễ tiêu, ăn thành nhiều bữa. Bổ sung thêm các thức ăn giàu Vitamin (đặc biệt là thức ăn giàu Vitamin A). Với trẻ bú mẹ, tiếp tục cho trẻ ăn sữa mẹ, khi bị tiêu chảy trẻ cần được bú nhiều hơn.
  • Uống nhiều nước và nước hoa quả, tốt nhất là sử dụng Oresol để đảm bảo đủ nước - điện giải.
  • Chườm ấm khi sốt nhẹ, nếu sốt cao > 38,5oC dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kì loại thuốc nào cho bệnh nhân, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
  • Người chăm sóc bệnh nhân, người tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế, thực hiện rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh.

Khi xuất hiện các dấu hiệu nặng của bệnh (đặc biệt là trẻ em), cần đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám, xử trí: mệt, li bì, hoặc kích thích, bú kém hoặc bỏ bú, sốt cao, ho nhiều, thở nhanh, khó thở... bệnh nhân vẫn còn sốt khi ban đã hết.

5. Làm thế nào để phòng tránh bệnh sởi?

sởi
Tiêm phòng vaccine sởi là biện pháp hàng đầu giúp phòng tránh bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, do đó tiêm phòng vaccine sởi là biện pháp phòng tránh hàng đầu.

Ngoài ra, nên thực hiện những biện pháp phòng bệnh sởi nói chung:

  • Người mắc bệnh sởi cần được cách ly, đồng thời tránh tập trung đông người khi xảy ra dịch.
  • Bệnh nhân, những người có tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế. Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh để chống lan truyền bệnh.
  • Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh sởi, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm. Với những trường hợp chưa mắc bệnh sởi thì việc tiêm phòng vacxin sởi là điều cần thiết để phòng ngừa bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan