Bệnh nhược cơ nguy hiểm thế nào với trẻ em?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bệnh nhược cơ ở trẻ em được gây ra do rối loạn dẫn truyền tại synap thần kinh cơ với biểu hiện trên lâm sàng là sự suy yếu và dễ mệt mỏi của cơ vân. Khi mắc phải căn bệnh này, bệnh nhi có thể bị tổn thương toàn thể với các triệu chứng nhược cơ toàn thân, cơ yếu không thể thở gắng sức được nên dễ bị suy hô hấp và tử vong.

1. Tìm hiểu về bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ ở trẻ nhỏ (Myasthenia gravis) là một trong những loại bệnh lý tự miễn dịch có khả năng làm rối loạn dẫn truyền tại các điểm nối thần kinh - cơ và từ đó làm giảm chức năng hoạt động của hệ cơ.

Ở cơ thể người bình thường, những xung động từ hệ thần kinh đến các cơ đảm bảo cho cơ hoạt động nhờ vào một chất dẫn truyền thần kinh được gọi là acetylcholin (Ach). Khi mắc phải bệnh lý nhược cơ, bệnh nhi sẽ có hiện tượng sinh ra một loại tự kháng thể kháng Ach để làm giảm số lượng chất này đồng thời làm giảm sự đáp ứng của các thụ thể Ach tại màng hậu synap, khiến cho sự dẫn truyền các xung thần kinh từ các đầu mút thần kinh tới màng hậu synap thần kinh cơ bị giảm sút và dẫn đến hiện tượng yếu cơ, liệt cơ.

Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa thì bệnh nhược cơ ở trẻ em sẽ có tiên lượng xa khá tốt, khoảng 30% trẻ không cắt tuyến ức và 40% trẻ được cắt tuyến ức sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc phải căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp sẽ rất nguy hiểm.

2. Nguyên nhân nào gây nên cơn nhược cơ ở trẻ nhỏ

Bệnh nhược cơ ở trẻ em có thể xảy ra do trẻ gặp phải một khuyết tật trong dẫn truyền bó mạch thần kinh cơ, thể hiện ở việc truyền tin bình thường giữa thần kinh và cơ bị gián đoạn tại điểm nối thần kinh cơ, nơi mà các tế bào thần kinh nối với cơ để điều khiển.

Thông thường, khi cơ đẩy tới thần kinh, các đầu mút thần kinh ly giải một chất dẫn truyền thần kinh gọi là acetylcholine. Acetylcholine đi đến điểm nối thần kinh cơ và gắn với thụ thể acetylcholine, khi đó sẽ hoạt hóa và sinh ra sự co cơ. Trong bệnh nhược cơ ở trẻ nhỏ và người trưởng thành, các kháng thể bị block, thay đổi hoặc bị phá hủy các receptors đối với acetylcholine tại điểm nối thần kinh cơ và ngăn sự co cơ khỏi xảy ra. Các kháng thể này sinh ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Ngoài ra, bệnh nhược cơ ở trẻ em có thể mắc phải do các yếu tố như:

  • Yếu tố di truyền;
  • Có u tuyến ức;
  • Trẻ đang mắc bệnh truyền nhiễm;
  • Trẻ đang điều trị bệnh tim mạch.
Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không
Trẻ đang điều trị bệnh tim mạch có thể có nguy cơ mắc bệnh nhược cơ

3. Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không?

Hầu hết các bậc phụ huynh đều rất lo lắng không biết trẻ mắc bệnh nhược cơ có nguy hiểm không. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng bệnh mà trẻ sẽ có mức độ nguy hiểm khác nhau.

Thực tế, bệnh nhược cơ ở trẻ em có thể điều trị mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhưng nếu không phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời thì sẽ dễ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Ban đầu, khi mắc phải bệnh nhược cơ, trẻ sẽ bị sụp hai mi mắt tăng dần và liệt các cơ vận động nhãn cầu gây triệu chứng nhìn đôi, lác mắt; càng về sau mức độ bệnh càng nặng hơn khi trẻ bị liệt các cơ nhai, cơ vùng hầu họng và các cơ vận động tay... Do đó bệnh nhi sẽ dễ bị nuốt sặc, nói khó, đi lại kém. Mối nguy hiểm lớn nhất của bệnh nhược cơ ở trẻ em chính là gây suy hô hấp dẫn đến tử vong do yếu hoặc liệt các cơ hô hấp.

Ngoài ra, trẻ bị nuốt sặc và ho khạc trong thời gian dài cũng sẽ dễ bị sặc phổi, viêm phổi. Bệnh nhược cơ ở trẻ em cũng sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém và giảm khả năng hấp thụ ở trẻ, tình trạng này kéo dài sẽ vô cùng nguy hiểm.

4. Làm gì khi trẻ mắc bệnh nhược cơ?

Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ

Bệnh nhược cơ ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó, cha mẹ cần hết sức chú ý đến các yếu tố có khả năng khiến cho bệnh nặng lên và giúp trẻ tránh xa.

Ngoài ra, cần đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và phòng tránh các bệnh lý nhiễm khuẩn cho trẻ khi đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.

Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ sử dụng thuốc vì có thể càng làm cho tình trạng bệnh nhược cơ ở trẻ nhỏ nặng hơn. Không được bỏ thuốc khi đang điều trị, không tự ý kết hợp điều trị bằng thuốc tây y và đông y khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ.

Khi bệnh nhược cơ ở trẻ em có biểu hiện nặng lên thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi và tư vấn. Để bảo vệ con, cha mẹ hãy chủ động tìm hiểu các kiến thức về căn bệnh này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, tầm soát bệnh an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan