Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Bác sĩ Cơ - Xương - Khớp - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Loãng xương không có triệu chứng rõ ràng và thường khi có triệu chứng thì đã ở mức độ nặng. Loãng xương gây rất nhiều tác hại cho sức khoẻ và sinh hoạt, thậm chí dẫn tới tử vong.
Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng, nó làm cho xương bị yếu đi, cấu trúc xương bị tổn hại làm cho xương giòn, dễ gẫy và hậu quả cuối cùng là gãy xương. Gãy xương là một biến chứng nặng nề của loãng xương: 20% gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu, 50% mất khả năng đi lại, 25% cần sự trợ giúp của y tá chăm sóc tại nhà, chi phí điều trị cực kỳ tốn kém. Vì vậy việc phát hiện và điều trị loãng xương sớm là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết.
Hiện nay, tỉ lệ loãng xương trong cộng đồng rất cao: cứ 3 người phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị loãng xương, tỉ lệ này ở nam là 1/10.
Triệu chứng của loãng xương
Loãng xương không có triệu chứng rõ ràng, thường chỉ tới khi có triệu chứng thì loãng xương đã ở mức độ nặng. Khoảng 60% trường hợp xẹp đốt sống do loãng xương không có biểu hiện lâm sàng. Các triệu chứng phổ biến của loãng xương là: Đau lưng, giảm chiều cao, gù vẹo cột sống (còng lưng), gãy xương sau một chấn thương rất nhẹ.
Nguyên nhân gây loãng xương
- Nguy cơ loãng xương tăng ở người cao tuổi, người nhẹ cân, người có lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực, nghiện rượu, café, thuốc lá, ăn chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D.
- Những người thiếu hormone sinh dục do cắt bỏ buồng trứng, mãn kinh sớm, mắc một số bệnh nội tiết.
- Những người có tiền sử gãy xương (bản thân hoặc gia đình).
- Bệnh còn tăng ở những người phải dùng một số thuốc kéo dài như Corticoid, thuốc chống động kinh...
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Rất đơn giản, bằng kỹ thuật đo mật độ xương hấp phụ tia X năng lượng kép (DEXA) trên máy DEXXUM T của hãng OSTEOSYS với kỹ thuật rất đơn giản, nhanh gon (chỉ trong vòng 15 phút), không có hại là có thể chẩn đoán được loãng xương.
Vậy thì ai cần đo mật độ xương?
Những người trên 50 tuổi có các yếu tố nguy cơ gây loãng xương như trên, tất cả những phụ nữ trên 65 tuổi, phụ nữ mãn kinh sớm, nam giới trên 70 tuổi nên đo kiểm tra lại mật độ xương trong quá trình điều trị (6 tháng đến 1 năm / 1 lần)
Điều trị loãng xương
Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ điều trị sẽ cho những chỉ định điều trị phù hợp. Việc điều trị thuốc phải tuân thủ lâu dài, kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập thể dục mới đem lại hiệu quả.
Một chế độ ăn giàu canxi và vitamin D như sữa và các sản phẩm từ sữa, tôm, cua, ốc, cá nhỏ cả xương, một số loại rau quả. Tránh các yếu tố nguy cơ: rượu, cafe, thuốc lá, tránh thừa cân, thiếu cân.
Tập thể dục ngoài trời buổi sáng là một biện pháp tăng cường vitamin D hiệu quả, tập thể dục đều đặn có tác dụng làm tăng cường sự chắc khỏe của xương. Có thể đi bộ, tập aerobic, chạy bộ, tập dưỡng sinh... tùy theo lứa tuổi và mức độ loãng xương. Nếu đã có loãng xương nên tập nhẹ nhàng phòng gãy xương.
Các thuốc điều trị chống loãng xương theo nguyên tắc là tăng tạo xương, giảm hủy xương. Có nhiều nhóm thuốc trong đó hiện nay nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất là Bisphosphonate dưới hai dạng uống: 1 lần/ tuần và dạng tiêm truyền tĩnh mạch l lần/năm
Bổ sung canxi và vitamin D nếu từ nguồn thức ăn không đủ, sao cho tổng lượng canxi và vitamin D: Canxi: 1200-1500mg/ngày, vitamin D: 800-1000UI/ngày.
Điều trị ngoại khoa các trường hợp gãy xương do loãng xương:
+ Gãy cổ xương đùi: Thay chỏm xương đùi, thay khớp háng toàn bộ
+ Gãy lún đốt sống: Phục hồi chiều cao đốt sống bằng bơm xi măng vào thân đốt sống bị xẹp
Phòng bệnh và quản lý bệnh nhân loãng xương
Việc phòng bệnh phải được thực hiện ngay từ khi còn là bào thai, mẹ ăn chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D. Khám sức khỏe định kỳ từ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo để phát hiện bệnh còi xương. Tất cả mọi người thực hiện chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D, hạn chế hút thuốc, uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, tránh dùng những thuốc kéo dài tăng nguy cơ loãng xương, mang dụng cụ bảo vệ chậu hông khi đi lại nếu có nguy cơ ngã.
Các bệnh nhân loãng xương phải được điều trị lâu dài và theo dõi sát, ít nhất là 3-5 năm liên tục. Đo mật độ xương 6 tháng đến 1 năm 1 lần để theo dõi kết quả điều trị.
Bệnh loãng xương hoàn toàn có thể phòng và tránh được nếu như chúng ta có những hiểu biết về bệnh, thực hiện chế độ phòng và điều trị một cách tích cực nhất.
Tài liệu tham khảo:
1. GS-TS Trần Ngọc Ân.Bệnh loãng xương. Bệnh thấp khớp. Nhà xuất bản Y học 1998, 22-31.
2. PGS-TS Lê Anh Thư. Loãng xương. Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp thường gặp. 2012, 257-265.
3. PGS-TS Vũ Thị Thanh Thủy. Loãng xương - cập nhật điều trị. Tài liệu cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh cơ xương khớp. Hội thấp khớp học Việt Nam - Hà Nội 2012.
4. GS Nguyễn Văn Tuấn. Loãng xương ở Việt Nam: Qui mô, hệ quả và những yếu tố nguy cơ. Hội nghị chuyên đề những tiến bộ trong điều trị loãng xương và quản lý đau. 3- 2012.
5. National Osteoporosis foundation. Clinician , s Guide to Prevention and Treatement of Osteoporosis. 2008.
6. National Osteoporosis foundation. Clinician , s Guide to Prevention and Treatement of Osteoporosis. 2010.
7. American college of rheumatology. Committee on Rheumatologic Care. Bone Density measurement. 08/2008.