Rụng tóc di truyền theo tuổi tác là nguyên nhân phổ biến nhất gây hói đầu. Nhiều người cảm thấy không vấn đề gì với hói đầu, để nó tiến triển tự nhiên và không cần che giấu. Số khác lại sử dụng các biện pháp như tạo kiểu tóc, trang điểm, đội mũ hoặc khăn quàng để che đi. Và những người còn lại đi thăm khám để có biện pháp điều trị ngăn rụng tóc và phục hồi lại sự phát triển của tóc.
1. Nguyên nhân gây rụng tóc
Mỗi người rụng khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày, nhưng trông bên ngoài mái tóc không hề mỏng đi, bởi song song với rụng tóc là những sợi tóc mới đang mọc lên. Hói đầu xảy ra khi sự cân bằng giữa rụng tóc và mọc tóc bị phá vỡ, hoặc khi các nang tóc bị phá hủy, thay thế bằng mô sẹo.
Rụng tóc thường liên quan tới một hoặc nhiều yếu tố dưới đây:
- Tiền sử gia đình (di truyền): đây là nguyên nhân phổ biến nhất của rụng tóc, mang tên hói đầu nam di truyền hoặc hói đầu nữ di truyền. Nó thường xảy ra dần dần theo tuổi tác.
- Thay đổi nội tiết tố và tình trạng bệnh lý: có rất nhiều tình trạng khác nhau gây ra rụng tóc tạm thời hoặc vĩnh viễn, bao gồm thay đổi nội tiết tố do mang thai, sinh nở, mãn kinh và bệnh lý tuyến giáp. Các bệnh lý bao gồm rụng tóc từng mảng (alopecia areata), nhiễm trùng da đầu (chẳng hạn như bệnh nấm da), hay chứng hưng cảm giật tóc (trichotillomania).
- Thuốc điều trị và dược phẩm bổ sung: rụng tóc có thể là tác dụng không mong muốn của một số thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc điều trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, các bệnh lý về tim, gút và tăng huyết áp.
- Xạ trị khu vực đầu: sau xạ trị tóc có thể không mọc lại được như ban đầu.
- Một số cách xử lý và tạo mẫu tóc: một số phương pháp xử lý và tạo kiểu bằng cách kéo ép chặt tóc, chẳng hạn như tóc thắt đuôi sam hay cornrows, có thể gây rụng tóc, gọi là rụng tóc do lực kéo (traction alopecia). Xử lí tóc bằng dầu nóng có thể dẫn tới viêm nang tóc và dẫn tới rụng tóc. Nếu hình thành sẹo thì rụng tóc sẽ là vĩnh viễn.
2. Các yếu tố nguy cơ của rụng tóc
Có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị rụng tóc, bao gồm:
- Tiền sử hói đầu gia đình.
- Tuổi tác.
- Sụt cân nhiều.
- Một số tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như đái tháo đường hoặc lupus.
- Căng thẳng.
3. Các triệu chứng của rụng tóc
Rụng tóc có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra rụng tóc. Rụng tóc có thể xuất hiện đột ngột hoặc dần dần, có thể chỉ ảnh hưởng tới da đầu hoặc tới toàn bộ cơ thể. Rụng tóc có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Các dấu hiệu và triệu chứng của rụng tóc bao gồm:
- Tóc thưa dần ở đỉnh đầu: đây là loại rụng tóc phổ biến nhất, ảnh hưởng tới cả nam giới và nữ giới khi tuổi tác tăng lên. Ở nam giới rụng tóc thường bắt đầu từ trán, theo một đường có hình chữ M. Ở nữ giới thường không rụng tóc ở trán mà sẽ có một vị trí tóc rụng mở rộng dần.
- Hói đầu từng mảng: một số người xuất hiện rụng tóc tự nhiên từng mảng có hình tròn cỡ đồng xu. Loại rụng tóc này thường chỉ ảnh hưởng tới vùng da đầu có tóc, nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở râu hoặc lông mày. Trong một số trường hợp, da có thể bị ngứa hoặc đau trước khi tóc bắt đầu rụng.
- Rụng tóc đột ngột: một cú sốc về thể chất hoặc tinh thần có thể gây ra rụng tóc. Từng mớ tóc sẽ rụng khi thực hiện các hành động như chải đầu hay gội đầu, thậm chí tóc có thể rụng đầy bàn tay ngay chỉ khi vuốt nhẹ mái tóc. Kiểu rụng tóc này thường khiến cho cả mái tóc mỏng đi chứ không tạo ra các mảng hói đầu.
- Rụng lông tóc toàn thân: một số tình trạng và phương pháp điều trị, chẳng hạn như hóa trị ung thư, có thể dẫn tới rụng lông tóc toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên sau đó tóc thường sẽ mọc lại.
- Những đốm da tròn lan ra khắp vùng da đầu: đây là một biểu hiện của nhiễm nấm, kèm theo các dấu hiệu như tóc gãy rụng, sưng đỏ và đôi khi rỉ dịch.
4. Khi nào cần đi thăm khám bác sĩ
Hãy đi thăm khám bác sĩ nếu như việc rụng tóc gây ảnh hưởng tới tâm lý để có phương pháp điều trị. Nếu đột ngột xuất hiện rụng tóc hoặc rụng tóc từng mảng hoặc khi gội đầu, chải tóc thấy tóc rụng nhiều hơn bình thường, hãy đi thăm khám bác sĩ, bởi rụng tóc đột ngột có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nền nào đó.
5. Chẩn đoán rụng tóc
Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, tiền sử, khám lâm sàng và có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu: có thể giúp tìm ra vấn đề bệnh lý liên quan tới rụng tóc.
- Thử nghiệm kéo: bác sĩ sẽ nhẹ nhàng kéo một nắm tóc để xem mức độ rụng tóc.
- Sinh thiết da đầu: để kiểm tra phần chân tóc xem nhiễm khuẩn có phải là nguyên nhân gây ra rụng tóc hay không.
- Soi dưới kính hiển vi quang học: bác sĩ sẽ soi phần tóc được cắt ở gốc, giúp tìm ra bất thường.
6. Điều trị rụng tóc
Điều trị rụng tóc nhằm mục đích ngăn chặn rụng tóc và để tóc mọc trở lại, hoặc ít nhất là làm chậm lại quá trình rụng tóc.
Nếu rụng tóc do một nguyên nhân bệnh lý nền gây ra, thì cần phải giải quyết nguyên nhân đó. Nếu rụng tóc do thuốc điều trị thì cần cân nhắc về việc sử dụng loại thuốc đó.
Các biện pháp điều trị rụng tóc bao gồm sử dụng thuốc và phẫu thuật:
- Thuốc điều trị thường sử dụng là minoxidil (không cần kê đơn, dành cho cả nam và nữ), finasteride (cần kê đơn, dành cho nam), dutasteride (dành cho nam), thuốc tránh thai đường uống và spironolactone (dành cho nữ).
- Phẫu thuật cấy tóc.
- Liệu pháp laser liều thấp: đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration - FDA) Hoa Kỳ cấp phép, nhưng còn cần nhiều nghiên cứu về hiệu quả lâu dài.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org