Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Ngoại thần kinh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư. Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ ai. Vì vậy tầm soát sớm, nhất là những người có nguy cơ cao mắc đột quỵ là rất quan trọng.
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ, thường gọi là “Tai biến mạch máu não”, là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tàn tật và tử vong trên toàn thế giới. Đột quỵ là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu oxy và dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Vì lý do đó, đột quỵ được coi là một tình huống cấp cứu y tế và cần có chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Có hai loại đột quỵ: Thiếu máu và xuất huyết
- Thiếu máu: Đột quỵ do cục máu đông chặn mạch máu đến não. Điều này ngăn làm cho não không nhận được ôxy cần thiết. Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất.
- Xuất huyết: Đột quỵ là do mạch máu đến não bị vỡ. Điều này gây ra chảy máu não.
2. Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ đột quỵ là không thể thay đổi. Bao gồm các yếu tố như tuổi (người già cónguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ), giới tính, chủng tộc và tiền sử gia đình.
Các bệnh và tình trạng cụ thể cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bao gồm:
- Tiền sử đột quỵ
- Cao huyết áp
- Cholesterol trong máu cao
- Bệnh tim
- Tiểu đường
- Béo phì
Lối sống làm tăng nguy cơ đột quỵ:
- Thói quen ăn uống không lành mạnh
- Ít hoặc không vận động
- Hút thuốc lá
3. Tầm soát nguy cơ đột quỵ
Kiểm soát và điều trị các yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi:
- Tăng huyết áp
- Phát hiện sớm và điều trị bệnh tim
- Đái tháo đường
- Rối loạn chuyển hóa lipid máu
- Hẹp động mạch chủ có triệu chứng
Khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng: Để tầm soát bệnh, uống đúng theo toa của bác sĩ, chỉ ngừng khi có ý kiến của bác sĩ.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước, giảm lượng muối, chất béo.
Tuân theo một lối sống lành mạnh: Vận động hàng ngày. Nếu hút thuốc lá, thì ngừng ngay. Chỉ sử dụng rượu bia chừng mực.
Giảm mức căng thẳng: Căng thẳng làm tăng nguy cơ cao huyết áp và đột quỵ. Học cách giảm căng thẳng trong cuộc sống. Thở sâu giúp giảm mức căng thẳng.
4. Ai cần tầm soát đột quỵ
Tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ là cần thiết nếu đang gặp phải những vấn đề dưới đây:
- Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ
Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ, người bệnh có thể tăng nguy cơ do nếp sống, thói quen, yếu tố di truyền. Bạn hãy chia sẻ với bác sĩ thông tin tiền sử của gia đình để có lời khuyên tốt nhất.
- Người bị đái tháo đường
Tiểu đường là bệnh mạn tính, không lây, thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận... Người bị tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.
- Người bị cao huyết áp
Cao huyết áp, nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ, làm tổn thương thành động mạch và có thể làm tăng hoạt động đông máu, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông gây đột quỵ.
- Cholesterol cao
Cholesterol cao có thể hủy hoại các lớp áo trong của mạch máu khắp cơ thể, bao gồm tim và não. Cholesterol có xu hướng hình thành và gây xơ cứng mạch máu, làm tăng nguy cơ máu bị vón cục trong mạch máu, cản trở việc cung cấp máu lên não.
- Người có bệnh lý về tim mạch
Người mắc bệnh lý về tim mạch như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim... thường có nguy cơ cao bị đột quỵ.
- Hút thuốc lá
Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh việc gây hại cho phổi, hút thuốc cũng làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Phơi nhiễm với hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tin tốt là, nếu bạn ngừng hút thuốc hôm nay, trong vòng hai đến năm năm, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ ngang với người chưa bao giờ hút thuốc.
Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.