Lão hóa ảnh hưởng đến trái tim bạn như thế nào?

Lão hoá có thể ảnh hưởng tới các cơ quan trên cơ thể. Hệ tim mạch cũng là một phần bị ảnh hưởng không nhỏ bởi quá trình lão hoá tự nhiên. Do đó, việc hiểu rõ về vấn đề lão hóa sẽ giúp bạn có hướng điều chỉnh lối sống phù hợp.

1. Những ảnh hưởng của lão hóa đối hệ tim mạch


Tim giữ nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể, bình thường tâm thất phải sẽ bơm máu đến phổi để nhận oxy, rồi đổ về tâm nhĩ trái, rồi xuống tâm thất trái để bơm máu giàu oxy cho cơ thể. Sau khi trao đổi chất máu sẽ về tim theo hệ tĩnh mạch và đổ vào tâm nhĩ phải, rồi xuống tâm thất phải để tiếp tục vòng tuần hoàn. Ở người trẻ tuổi, khả năng đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể tốt, khi bạn vận động nhiều thì cơ tim sẽ tăng cường co bóp để cung cấp oxy cho cơ thể. Tuy nhiên khi già đi, cùng với sự lão hoá tự nhiên thì hệ tim mạch không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ.Những thay đổi trên hệ tim mạch khi chúng ta già đi bao gồm:

1.1 Thay đổi của trái tim

  • Trái tim có một hệ thống máy tạo nhịp tim tự nhiên để kiểm soát nhịp tim gồm nút xoang, nút nhĩ thất... Một số vị trí của hệ thống này có thể phát triển mô xơ và tích tụ chất béo và mất một số tế bào của nó. Những thay đổi này có thể dẫn đến nhịp tim chậm hơn một chút, khó đáp ứng với việc gia tăng nhịp tim.
  • Tăng nhẹ kích thước của tim, đặc biệt là tâm thất trái xảy ra ở một số người. Thành tim dày lên, do đó lượng máu mà buồng chứa có thể thực sự giảm xuống.
  • Thay đổi nhịp tim: Người lớn tuổi có nguy cơ mắc các vấn đề liên quan tới nhịp tim nhiều hơn so với người trẻ tuổi. Nhịp tim có thể thay đổi bất thường như loạn nhịp.
  • Các tế bào cơ tim bị thoái hóa nhẹ. Các van bên trong tim, nơi kiểm soát hướng của dòng máu, dày lên và trở nên cứng hơn. Khi nghe tìm có thể thấy tiếng thổi tim do cứng van tim khá phổ biến ở người lớn tuổi.
Tác hại của lão hóa có thể gây thay đổi nhịp tim
Tác hại của lão hóa có thể gây thay đổi nhịp tim

1.2 Thay đổi ở hệ mạch máu

  • Các cơ quan thụ cảm trên mạch máu được gọi là baroreceptor theo dõi huyết áp và thực hiện các thay đổi để giúp duy trì huyết áp khá ổn định khi một người thay đổi tư thế hoặc đang thực hiện các hoạt động khác. Các tế bào thụ cảm trở nên kém nhạy bén hơn với quá trình lão hóa. Điều này có thể giải thích tại sao nhiều người lớn tuổi bị hạ huyết áp thế. Điều này gây ra chóng mặt vì lượng máu lên não ít hơn.
  • Động mạch chủ trở nên dày hơn, cứng hơn và kém linh hoạt. Điều này có lẽ liên quan đến những thay đổi trong mô liên kết của thành mạch máu. Dẫn đến huyết áp cao hơn và làm cho tim làm việc nhiều hơn, có thể dẫn đến bệnh cơ tim phì đại. Các động mạch khác cũng dày lên và cứng lại. Nhìn chung, hầu hết những người lớn tuổi đều có mức tăng huyết áp vừa phải.
  • Thành mao mạch hơi dày lên. Điều này có thể gây ra tốc độ trao đổi chất dinh dưỡng và chất thải chậm hơn một chút.

Nhũng thay đổi của hệ tim mạch làm cho người cao tuổi đối mặt với nhiều bệnh lý mạn tính hơn. Một số bệnh lý tim mạch có thể gặp như:

  • Đau thắt ngực (đau ngực do lưu lượng máu đến cơ tim bị giảm tạm thời) do mạch vành bị hẹp bởi yếu tố xơ vữa hay cục máu đông. Tình trạng này hay gặp ở người trên 65 tuổi.
  • Nhịp tim bất thường: Do sự lão hoá liên quan tới các điểm phát xung động, mà tình trạng nhịp tim bất thường ở nhiều dạng khác nhau có thể xảy ra.
  • Xơ vữa động mạch là tình trạng rất phổ biến. Các mảng bám chất béo lắng đọng bên trong các mạch máu khiến chúng thu hẹp và tắc nghẽn hoàn toàn các mạch máu. Gây ra thiếu máu cung cấp cho cơ quan gặp trong bệnh cảnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
  • Suy tim sung huyết cũng rất phổ biến ở người lớn tuổi. Ở những người trên 75 tuổi, suy tim sung huyết xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần so với những người trẻ tuổi.
  • Cao huyết áp và hạ huyết áp thế đứng thường gặp hơn khi tuổi càng cao. Nó là kết quả của sự lão hoá và cũng một phần lớn do thói quen sinh hoạt của chúng ta khi trẻ gây ra. Khi tuổi tác ngày càng cao, mọi người trở nên nhạy cảm hơn với muối hơn, nên nếu tăng muối trong khẩu phần ăn cũng có thể gây tăng huyết áp.
  • Các bệnh van tim khá phổ biến, trong đó hẹp van động mạch chủ là bệnh van thường gặp nhất ở người lớn tuổi.
Lão hóa ảnh hưởng tim gây ra các cơn đau ngực cho người bệnh
Lão hóa ảnh hưởng tim gây ra các cơn đau ngực cho người bệnh

2. Làm sao để giảm tác hại của lão hóa đối với tim?

Sự lão hoá là không thể ngăn cản được nhưng chúng ta có thể lựa chọn một cuộc sống lành mạnh để tránh tác hại lão hoá ảnh hưởng tới tim. Đặc biệt với những người cao tuổi, thì việc kiểm soát tốt lối sống và kiểm tra thường xuyên các bệnh lý tim mạch là điều rất cần thiết.

Một số biện pháp được hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) công nhân để duy trì sức khỏe tim mạch lý tưởng gồm:

  • Vận động cơ thể ít nhất 30 phút mỗi ngày. Làm điều này 5 ngày hoặc nhiều hơn mỗi tuần. Có thể thực hiện những bài tập phù hợp với thể chất của mỗi người.
  • Ngừng việc hút thuốc lá: Ngừng hút thuốc lá chủ động và thụ động giúp giảm nguy cơ nhiều bệnh trong đó có bệnh lý tim mạch.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều trái cây và rau quả. Hạn chế ăn thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn, giảm lượng muối nạp vào cơ thể.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Cố gắng duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) luôn dưới 25.

Ngoài ra, một cách duy trì sức khỏe tim mạch hiệu quả đó là thường xuyên kiểm tra tim bằng cách đo huyết áp thường xuyên, xét nghiệm mỡ máu, đường huyết để biết nguy cơ bệnh tim mạch...

Một lối sống lành mạnh giúp trái tim con người khoẻ mạnh hơn, hạn chế những tác động của lão hoá tới những hoạt động chức năng. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một cuộc sống lành mạnh hơn, vận động nhiều hơn mỗi ngày. Nên hãy bắt đầu ngay dù bạn đang ở tuổi nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

775 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan