Hoạt động thể lực: Cách dự phòng nhồi máu cơ tim cần thiết

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm và có nhiều biến chứng nặng nề xảy ra khi động mạch vành, động mạch cấp máu nuôi dưỡng cơ tim, bị tắc nghẽn. Vì thế, việc dự phòng nhồi máu cơ tim nói chung và tăng cường hoạt động thể lực nói riêng ở những người có hoặc không có nguy cơ tim mạch là một biện pháp cần thiết giúp giảm tỷ lệ xảy ra bệnh lý này.

1. Nhồi máu cơ tim là gì ?

Nhồi máu cơ tim thuộc hội chứng động mạch vành cấp, là một bệnh lý tim mạch xảy ra khi có cục máu đông hoặc bất kỳ nguyên nhân nào làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch vành, hệ thống mạch máu có chức năng cung cấp máu và dinh dưỡng cho tế bào cơ tim hoạt động. Khi lượng máu nuôi tim bị giảm đi, hoạt động của cơ tim sẽ bị suy yếu và mất dần, từ đó dẫn đến những biến chứng nặng nề và có thể dẫn đến tử vong.

Nhồi máu cơ tim có hai dạng là nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI) và nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI).

Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim được chia thành hai nhóm :

  • Do xơ vữa động mạch : Là nguyên nhân thường gặp gây nên nhồi máu cơ tim.
  • Không do xơ vữa động mạch: Hiếm gặp hơn, thường liên quan đến các bệnh lý bất thường bẩm sinh động mạch vành như rò, dị dạng, sai chỗ xuất phát...Bệnh viêm nhiễm động mạch vành như bệnh Kawasaki, co thắt mạch vành không liên quan đến xơ vữa, động mạch vành bị tắc do cục máu đông từ nơi khác đến.

Hiện nay bệnh nhồi máu cơ tim này thường liên quan đến những yếu tố sau :

  • Các yếu tố thay đổi được (là những yếu tố có thể dự phòng bằng các biện pháp khác nhau) :
    • Các vấn đề về tâm lý như căng thẳng trong công việc, cuộc sống cô đơn, trầm cảm, ít hỗ trợ xã hội...là các yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
    • Hút thuốc lá : Thuốc là làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim đến 50% với tỷ lệ tử vong là hơn 60 - 85 %.
    • Thừa cân, béo phì : Ở các nước phát triển, người thừa cân, béo phì chiếm 25 – 49 % bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
    • Tình trạng viêm động mạch vành : Xơ vữa động mạch kèm quá trình viêm liên tục hình thành nên các tổn thương, từ đó có thể dẫn đến biến cố huyết khối cấp tính.
    • Lười vận động : Những người hạn chế hoạt động thể lực có tỉ lệ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn người thường xuyên hoạt động thể lực.
    • Sử dụng rượu bia
    • Các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu : Là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng.
  • Các yếu tố không thay đổi được :
    • Tuổi cao : Người có tuổi càng cao sẽ càng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
    • Giới tính : Nhồi máu cơ tim thường phổ biến và khởi phát sớm hơn ở nam giới.
    • Mãn kinh : Phụ nữ sau mãn kinh có tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim cao.
    • Tiền sử gia đình : Bệnh nhân có các thế hệ trước bị mắc các bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
    • Chủng tộc : Tỷ lệ người gốc Nam Á và Đông Á có tỷ lệ bệnh nhồi máu cơ tim cao, người da đen có tỷ lệ bệnh nhồi máu cơ tim thấp hơn.

2. Triệu chứng lâm sàng của nhồi máu cơ tim

2.1. Triệu chứng

  • Đau ngực là triệu chứng thường xuất hiện sớm và gặp nhiều nhất, bao gồm những tính chất sau :
  • Đau khởi phát đột ngột, đau nhiều kèm cảm giác bóp nghẹt sau xương ức.
    • Có thể lan lên cằm, vai, cánh tay trái hoặc có thể lan xuống thượng vị.
    • Thường kéo dài > 30 phút.
    • Các triệu chứng kèm theo như : Vã mồ hôi, khó thở, mệt mỏi, buồn nôn, nôn.
  • Một số bệnh nhân không có đau ngực mà có những biểu hiện khác như rối loạn tri giác, mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, ngất hoặc hôn mê, tụt huyết áp, tăng đường huyết...

2.2. Cận lâm sàng

  • Các bất thường trên điện tâm đồ.
  • Xét nghiệm dấu ấn sinh học cơ tim (men tim).
  • Siêu âm tim giúp hỗ trợ chẩn đoán.
  • Các xét nghiệm khác như điện giải đồ, chức năng gan thận, xét nghiệm lipid máu... nên được thực hiện trong 24 giờ.

3. Hoạt động thể lực trong điều trị dự phòng nhồi máu cơ tim

Hoạt động thể lực là nền tảng của dự phòng bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng. Biện pháp này làm giảm tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do nhồi máu cơ tim, đồng thời tăng sức khỏe thể chất và cải thiện sức khỏe tâm thần.

3.1. Khuyến cáo hoạt động thể lực dự phòng nhồi máu cơ tim

  • Các hoạt động thể lực là các hoạt động liên quan đến các động tác thể thao như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, chèo thuyền, thể dục aerobic. Ngoài ra, còn bao gồm các hoạt động thông thường hàng ngày như leo cầu thang với tốc độ 20 bước/20 giây, đi bộ nhanh, làm việc nhà hay làm vườn.
  • Hoạt động thể lực cường độ vừa phải hoặc thể dục nhịp điệu khoảng 2,5 - 5 giờ mỗi tuần giúp giảm tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim. Kết quả gần như tương tự ở những người hoạt động thể lực cường độ mạnh từ 1 - 1,5 giờ mỗi tuần.
  • Tần suất hoạt động thể lực ít nhất 3 - 5 lần mỗi tuần hoặc tốt nhất là hàng ngày. Bệnh nhân nên tích lũy ít nhất 30 phút mỗi ngày trong 5 ngày mỗi tuần với cường độ vừa phải tức là 150 phút mỗi tuần hoặc 15 phút mỗi ngày. 5 ngày mỗi tuần cường độ mạnh tức là 75 phút mỗi tuần hoặc kết hợp cả hai mức độ với thời gian tương đương. Các hoạt động thể lực có thể chia thành các ca nhỏ có thời lượng ít nhất là 10 phút.
  • Để kiểm soát Lipid máu hoặc giảm cân, thời gian tập luyện cần dài hơn từ 60 phút đến 90 phút mỗi ngày.

3.2. Hoạt động thể lực nhịp điệu

  • Hoạt động thể lực nhịp điệu là loại hình hoạt động thể lực có sự chuyển động của các khối cơ lớn một cách nhịp nhàng và duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Hoạt động thể lực nhịp điều được nghiên cứu rộng rãi và được khuyên sử dụng với hiệu quả cải thiện tốt.
  • Hoạt động thể lực nhịp điệu cũng được điều chỉnh về tần suất, thời lượng và cường độ. Người không đạt mức hoạt động tối thiểu nên khởi đầu luyện tập ở cường độ thấp và ngược lại người khỏe mạnh cần hoạt động thể lực loại nhịp điệu ở cường độ vừa hoặc mạnh. Cường độ này được phân thành hai loại là cường độ tuyệt đối hoặc cường độ tương đối.

3.3. Hoạt động thể lực tĩnh

  • Là những hoạt động thể lực chủ yếu làm co và giãn các khối cơ từ đó làm tăng cường sức khỏe của cơ xương khớp, đồng thời giúp kiểm soát Lipid máu, giảm đề kháng Insulin, kiểm soát huyết áp, đặc biệt hiệu quả khi kết hợp các hoạt động thể lực tĩnh với các hoạt động thể lực nhịp điệu.
  • Những bài tập của hoạt động thể lực tĩnh bao gồm được chuyển động của nhiều khớp hoặc các bài tập phối hợp với chuyển động của các khớp như mang vác nặng, làm vườn nặng, băng đối kháng...
  • Mỗi động tác nên được lặp lại từ 2 - 3 hiệp, mỗi hiệp tập 8 - 12 lần với cường độ bằng 60 - 80% khả năng tối đa. Tần suất tập ít nhất 2 ngày mỗi tuần.

3.4. Hoạt động thể lực điều hòa thần kinh

  • Giúp giảm căng thẳng, lo âu, stress... và đồng thời duy trì và cải thiện sự thăng bằng và kỹ năng vận động.
  • Các bài tập hoạt động thể lực điều hòa thần kinh bao gồm Yoga, bài tập thái cực quyền, các loại hình có sự phối hợp mắt tay như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, chèo thuyền...

3.5. Tiến trình của một buổi tập

  • Khởi động làm ấm cơ thể.
  • Thực hiện các bài tập hoạt động thể lực nhịp điệu.
  • Thực hiện các bài tập hoạt động thể lực tăng sức mạnh cơ bắp – hoạt động thể lực tĩnh.
  • Thực hiện các bài tập hoạt động thể lực điều hòa thần kinh.
  • Giảm cường độ tập luyện dần dần.
  • Giai đoạn giảm thân nhiệt.
  • Giai đoạn giãn cơ.

3.6. Đánh giá nguy cơ tim mạch trước khi tập luyện

  • Đánh giá nguy cơ trước khi bắt đầu các bài luyện tập ở mức độ mạnh, hoặc nâng cấp từ mức độ thấp lên vừa và lên mạnh.
  • Những người ít hoạt động thể dục dường như có nguy cơ cao bị biến cố tim mạch, có khi đột tử do tim trong hoặc sau khi hoạt động thể lực. Vì thế, những đối tượng này nên bắt đầu tập luyện loại hình hoạt động thể lực nhịp điệu ở cường độ thấp rồi tăng dần dần.

Các biện pháp dự phòng nhồi máu cơ tim không dùng thuốc khác:

  • Kiểm soát các vấn đề tâm lý như giảm trầm cảm, lo âu, stress, thay đổi hành vi, cải thiện chất lượng cuộc sống...
  • Ngừng và cai thuốc lá.
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng : Hạn chế sử dụng các loại thức ăn nhiều Cholesterol, ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, các loại đậu, hạt, ngũ cốc, cá...
  • Kiểm soát cân nặng thích hợp.

Hoạt động thể lực là một phương pháp thuận tiện và hiệu quả trong dự phòng bệnh lý nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, việc áp dụng phối hợp các biện pháp phòng ngừa khác sẽ giúp bệnh nhân hạn chế được tỷ lệ mắc bệnh. Đồng thời, khi phát hiện các triệu chứng bất thường liên quan đến các bệnh lý tim mạch, bệnh nhân và người thân nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

294 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan