Hành trình sống chung với bệnh tim mạch

Để sống chung với bệnh tim mạch, bệnh nhân và người nhà cần biết rõ hơn về bệnh lý, cũng như cách chăm sóc người bệnh tim mạch để cải thiện chất lượng sức khoẻ tim mạch tốt hơn.

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), các bệnh tim mạch (CVD) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, bệnh tim mạch gây ra khoảng 17.9 triệu ca tử vong năm 2019, chiếm 32% tất cả các ca tử vong do bệnh trên toàn thế giới. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng thảo luận về những thử thách, khó khăn và giải pháp trong cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân sống chung với bệnh tim mạch.

1. Các bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một nhóm bệnh bao gồm các bệnh lý có thể gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh. Các bệnh phổ biến thuộc nhóm này gồm có các bệnh mạch vành, các bệnh lý về van tim và các bệnh tim mạch khác. Nhóm bệnh này thường có chung một số yếu tố nguy cơ như tiền sử cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường, béo phì và đi kèm với lối sống không lành mạnh.

Tất cả các độ tuổi và giới tính đều có thể mắc bệnh tim mạch. Tính riêng ở Mỹ, có 121.5 triệu người trưởng thành hay 48% dân số mắc bệnh tim mạch. Như chúng ta đã biết, các bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới, chiếm 1/3 trong số các ca tử vong với hơn 17 triệu trường hợp trên toàn cầu. Các cũng gây ra gánh nặng đáng kể về chi phí điều trị, tính riêng ở Mỹ, tổng các chi phí trực tiếp và gián tiếp hàng năm liên quan đến các bệnh tim mạch được ước tính là 351.2 tỷ đô la.

Bệnh lý tim mạch có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi
Bệnh lý tim mạch có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi

2. Những thách thức mà người bị bệnh tim mạch gặp phải

Có rất nhiều khó khăn và thách thức đối với bệnh nhân sống chung với bệnh tim mạch, cả về thể chất lẫn tinh thần. Những thách thức này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và chất lượng sống của người bệnh. Hiểu rõ được những thách thức này giúp hỗ trợ bệnh nhân tim mạch trong điều trị và chiến đấu, kiểm soát bệnh.

● Thay đổi lối sống: Để sống chung với bệnh tim mạch, người bệnh cần thay đổi rất nhiều lối sống của mình. Những thay đổi có thể bao gồm các hoạt động hàng ngày, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, chế độ vận động phù hợp với thể trạng, và quan trọng nhất là bỏ thuốc lá, thuốc lào. Việc thay đổi, tuân thủ theo lối sống lành mạnh trong đa số các trường hợp là rất khó và cần nhiều nỗ lực của người bệnh, gia đình cũng như bác sĩ điều trị.

● Sử dụng thuốc: Nhiều bệnh nhân tim mạch cần sử dụng thuốc lâu dài để hỗ trợ điều trị cũng như duy trì sức khoẻ tim mạch và kiểm soát các biến chứng của bệnh. Những thuốc này có thể có các tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân sức khoẻ người bệnh, đồng thời chi phí thuốc điều trị lâu dài cũng là gánh nặng đáng kể cho người bệnh.

● Gánh nặng tâm lý: Sống chung với bệnh tim mạch cũng gây ra những gánh nặng tâm lý nhất định. Lo lắng về nguy cơ bị đột quỵ, lo ngại về chi phí và các tác dụng phụ của thuốc, áp lực khi phải thay đổi lối sống, việc điều trị phải cấy ghép stent, máy móc bên trong cơ thể - tất cả những điều này đều có thể dẫn tới stress, lo âu, trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 20-30% người mắc bệnh tim mạch có dấu hiệu trầm cảm.

● Khả năng hoà nhập xã hội và công việc: Bệnh tim mạch gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong các hoạt động thể lực hàng ngày, trong công việc, hoặc trong các tương tác xã hội khác. Điều này có thể dẫn đến những cảm giác bị cô lập và suy giảm chất lượng cuộc sống.

3. Hành trình sống chung với bệnh tim mạch như thế nào?

Mặc dù có rất nhiều khó khăn và thử thách khi sống chung với bệnh tim mạch, những giải pháp dưới đây có thể giúp người bệnh kiểm soát tình trạng sức khoẻ tốt hơn, như nâng cao chất lượng cuộc sống:

● Các liệu trình phục hồi chức năng tim mạch: Các liệu trình này được thiết kế để giúp người bệnh phục hồi thể chất, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và cải thiện sức khoẻ. Các nghiên cứu cho thấy người bệnh tham gia các liệu trình này thường có tỉ lệ nhồi máu cơ tim và suy tim cấp tái diễn thấp hơn.

● Tuân thủ theo phác đồ điều trị: Việc tuân thủ theo phác đồ điều trị là cực kỳ quan trọng. Người bệnh cần tập thói quen ghi nhớ thời gian sử dụng thuốc, trao đổi thẳng thắn với bác sĩ về bất cứ lo ngại nào về chi phí hoặc tác dụng phụ của thuốc để được tư vấn hợp lý kịp thời.

● Thay đổi lối sống: Đây có thể được xem là điều quan trọng nhất trong công tác điều trị bệnh tim mạch. Hãy cố gắng thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ít chất béo bão hoà và cholesterol, vận động thường xuyên với cường độ phù hợp, kiểm soát cân nặng, bỏ thuốc lá và không sử dụng các chất kích thích như cà phê, đồ uống có cồn và các chất ma tuý, ngủ đủ giấc mỗi ngày. Theo Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, gần 80% các bệnh tim mạch có thể được phòng tránh bằng một lối sống lành mạnh.

● Tránh xa stress: Người bệnh có thể cân nhắc các hoạt động giảm stress như nghỉ ngơi hợp lý, thiền, yoga và một số hoạt động khác.

● Kiểm tra sức khoẻ thường xuyên: Người bệnh tim mạch cần khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên. Ngoài ra, bệnh nhân cần theo dõi sát sao các chỉ số quan trọng như huyết áp, mức độ cholesterol trong máu và những yếu tố nguy cơ khác. Điều này giúp phát hiện sớm và ngăn chặn các biến chứng nặng hơn.

● Vai trò của gia đình: Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ người bệnh chiến đấu với bệnh tim mạch. Gia đình và bạn bè có thể hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất, động viên và giúp đỡ người bệnh.

Rau củ là thực phẩm tốt cho tim mạch
Rau củ là thực phẩm tốt cho tim mạch

Sống chung với bệnh tim mạch là một hành trình đầy khó khăn và thử thách, tuy nhiên, với sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và tâm lý, và sự hỗ trợ, tư vấn của bác sĩ, gia đình và bạn bè, người bệnh có thể vược qua được hành trình gian nan này và có thể có được một cuộc sống với chất lượng cao hơn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan