Đau cách hồi gây ra các triệu chứng gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Đau cách hồi là một triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, đặc biệt là các bệnh của cơ xương khớp. Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời có thể khiến cho người bệnh gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

1. Đau cách hồi là gì?

Đau cách hồi là một triệu chứng phổ biến thường gặp ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Theo một điều tra ở Mỹ, 2% người mắc chứng đau cách hồi rơi vào độ tuổi 40-60 và 20% ở tuổi trên 70. Bệnh gây đau đớn kéo dài và nguy cơ cắt cụt chi nếu không điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đau cách hồi thường gặp ở chi dưới. Ở giai đoạn đầu của đau cách hồi bắp chân, bạn thường chỉ thấy đau khi vận động nhưng khi bệnh tiến triển nặng, đau có thể xảy ra cả khi nghỉ không làm gì.

Đau cách hồi diễn biến từ từ theo nhiều giai đoạn khác nhau. Theo bảng phân loại của Leriche và Fontaine, các giai đoạn bệnh cụ thể như sau:

1.1 Giai đoạn I

Bệnh không xuất hiện triệu chứng và không có tổn thương tắc nghẽn đáng kể nào.

1.2 Giai đoạn II

  • Đau cách hồi ở mức độ nhẹ và chỉ xuất hiện khi người bệnh đi trên 150 m.
  • Đau cách hồi ở mức độ nặng gây nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Ở giai đoạn này, cơn đau xuất hiện khi người bệnh đi được dưới 150 m.

1.3 Giai đoạn III

Người bệnh đau ngay cả khi nghỉ ngơi, lúc này bệnh nhân phải ngồi thõng chân mới có thể thoải mái.

1.4 Giai đoạn IV

  • Bệnh gây hoại tử từng phần của chân, lở loét do thiếu máu cục bộ tại chỗ và thiếu máu cục bộ lan tỏa ở xa.
  • Tình trạng hoại tử lan rộng quá bàn chân.

Theo từng giai đoạn nêu trên có thể thấy khi bệnh đã ở giai đoạn III và IV, các tổn thương xuất hiện rõ rệt hơn giúp việc chẩn đoán trở nên dễ dàng. Ở giai đoạn II thì các bác sĩ cần phải khám kỹ mới chẩn đoán được.

2. Nguyên nhân gây đau cách hồi

Đau cách hồi là một triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng xơ vữa động mạch xảy ra ở các mạch máu ở chân và tay.

Các mảng xơ vữa bao gồm: Chất béo, cholesterol và các thành phần khác bám trên thành động mạch gây hẹp lòng động mạch, khiến thành mạch máu trở nên cứng và kém đàn hồi.

Những mảng xơ vữa này khiến lòng mạch trở nên nhỏ lại, dòng máu di chuyển khó khăn hơn và lượng máu đi đến nuôi những phần sau đó bị giảm. Triệu chứng đau cách hồi mạch máu sẽ xảy ra khi cơ không được cung cấp đủ máu giàu oxy.

Tuy nhiên, xơ vữa động mạch không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến triệu chứng đau cách hồi.

Ngoài ra, còn những yếu tố nguy cơ khác gây đau cách hồi như:

  • Hút thuốc lá
  • Tăng cholesterol máu
  • Tăng huyết áp
  • Béo phì
  • Đái tháo đường
  • Độ tuổi lớn hơn 70 tuổi
  • Độ tuổi lớn hơn 50 tuổi nhưng có hút thuốc hoặc đái tháo đường
  • Trong gia đình có người mắc bệnh xơ vữa động mạch, bệnh động mạch ngoại biên hoặc là đau cách hồi trước đó.
béo phì
Béo phì là nguyên nhân đau cách hồi

3. Đau cách hồi gây ra các triệu chứng gì?

Đau cách hồi có thể gây ra những triệu chứng sau:

3.1 Đau cách hồi khi vận động

Tùy theo vị trí hẹp của động mạch ở chân mà vị trí đau của bạn có thể là ở bàn chân, bắp chân, đùi, háng hoặc mông. Đau cách hồi cũng có thể xảy ra ở tay nữa nhưng mà hiếm gặp hơn.

3.2 Đau cách hồi nhắc lại

Các cơn đau này thường có tính chất đến rồi đi, không liên tục, nhất là khi bạn giảm cường độ hoạt động thể lực thì lại cảm thấy gần như hoàn toàn bình thường.

3.3 Đau khi nghỉ

Khi bệnh tiến triển, triệu chứng đau không chỉ xuất hiện khi vận động, khi đi lại mà thậm chí cả khi nằm hoặc ngồi yên.

Đau khớp
Đau cách hồi xảy ra ngay cả khi ngồi nghỉ

3.4 Thay đổi màu da hoặc loét

Điều này xảy ra khi dòng máu dinh dưỡng trong cơ thể bị giảm nghiêm trọng, các ngón tay hoặc ngón chân của bạn có thể đổi màu xanh tím và lạnh. Thời gian dài sẽ xuất hiện các vết loét.

Các triệu chứng khác có thể là:

  • Đau hoặc cảm giác nóng rát
  • Yếu tay hoặc chân

4. Đau cách hồi khi nào cần đi khám?

Bạn cần đi khám ngay nếu cảm thấy đau tay hoặc đau chân khi vận động. Nếu không được điều trị kịp thời, đau cách hồi và bệnh động mạch ngoại biên có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Đau cách hồi có thể làm hạn chế sự tham gia vào các hoạt động xã hội và các hoạt động giải trí, làm ảnh hưởng đến công việc hàng ngày và khiến người bệnh không thể chơi thể thao được.

5. Xét nghiệm và chẩn đoán

Đau cách hồi là một triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, đặc biệt là các bệnh của cơ xương khớp.

Đối với đa số người, nhất là những người lớn tuổi, đôi khi họ cho rằng những cơn đau này của mình là tất yếu do tuổi cao và chỉ cần hạn chế vận động một chút là sẽ đỡ đau. Chính vì vậy, đáng tiếc là các cơn đau cách hồi không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời có thể khiến cho người bệnh gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Nhưng may mắn là với các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp, bác sĩ có thể giúp bạn chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ của bệnh và giúp bạn sớm quay trở lại với cuộc sống hàng ngày.

Ngoài việc khám lâm sàng kiểm tra các mạch ở chân và tay, các xét nghiệm về đau cách hồi có thể được chỉ định như là:

  • Đo chỉ số cổ chân – cánh tay (ABI): Chỉ số này giúp các bác sĩ dễ dàng so sánh áp lực máu ở cổ chân với áp lực máu ở cách tay của bạn
  • Siêu âm mạch máu: Cho phép bác sĩ quan sát và theo dõi dòng máu ở các vùng bị ảnh hưởng
  • Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp mạch máu: Cách này có thể chỉ ra chính xác vị trí, mức độ, số lượng mạch máu bị hẹp.

Ngoài nguyên nhân xơ vữa động mạch, bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác như thần kinh, cơ xương, khớp dựa vào biểu hiện đau, kết quả khám lâm sàng và tiền sử bệnh tật của từng bệnh nhân.

Chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ giúp chẩn đoán bệnh

6. Điều trị đau cách hồi như thế nào?

Việc điều trị đau cách hồi và bệnh động mạch ngoại biên có thể giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng, trong đó việc thay đổi lối sống là bước đầu tiên cơ bản nhất.

Nếu các triệu chứng đau cách hồi không thuyên giảm khi bạn thay đổi lối sống, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn các phương thức điều trị sau:

6.1 Dùng thuốc

Ngoài việc điều trị các yếu tố nguy cơ gây bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu... bác sĩ có thể kê cho bạn những thuốc làm giảm bớt sự hình thành các cục máu đông và làm loãng máu như aspirin, clopidogrel, cilostazol. Những thuốc này cũng làm tăng khả năng bị chảy máu, do đó bệnh nhân không nên tự ý sử dụng nếu không có ý kiến của bác sĩ.

6.2 Can thiệp nong bóng và đặt stent

Phương pháp này được chỉ định cho những ca hẹp động mạch nặng. Bác sĩ can thiệp bằng cách luồn ống thông vào mạch máu đến vị trí hẹp, sau đó bơm bóng để giảm mức độ hẹp, cuối cùng đặt những giá đỡ bằng kim loại (stent) vào chỗ hẹp để giữ cho mạch máu được mở rộng hơn.

6.3 Tiến hành phẫu thuật mạch máu

Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng những đoạn mạch khoẻ mạnh lấy từ các vị trí khác của cơ thể, dẫn máu từ nơi có dòng chảy bình thường rồi nối bắc cầu qua chỗ hẹp để cung cấp máu đến các vùng bị ảnh hưởng bởi thiếu máu.

7. Thay đổi lối sống và điều trị tại nhà hiệu quả

Những mảng xơ vữa gây hẹp động mạch thường được khởi nguồn từ những thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Do đó, giải pháp cho việc phòng bệnh và điều trị thành công chính là việc thay đổi lối sống, từ bỏ ngay những thói quen có hại cho sức khoẻ và xây dựng cho mình những thói quen khoa học và lành mạnh.

Dù kết quả chưa được chẩn đoán hoặc đã được chẩn đoán bị đau cách hồi và mắc bệnh động mạch ngoại biên, hãy nhớ thực hiện những điều sau:

7.1 Tránh xa thuốc lá

Thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ nguy hiểm nhất gây ra sự hình thành và làm nặng lên bệnh động mạch ngoại biên.

7.2 Tập thể dục

Thực tế là tập thể dục đều đặn hàng ngày giúp các cơ của bạn dễ thích nghi với tình trạng thiếu oxy và sử dụng oxy hiệu quả hơn. Sau một thời gian tập luyện bạn sẽ thấy mình có thể vận động được nhiều hơn, đi lại được xa hơn mà lại ít bị đau hơn. Bạn tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập nào phù hợp với mình và cố gắng duy trì việc tập luyện thường xuyên.

7.3 Biết và kiểm soát mức độ cholesterol máu

Bạn nên duy trì một chế độ ăn ít chất béo, tăng cường hoa quả, rau, ngũ cốc, các loại đậu. Áp dụng tập thể dục và một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp và cholesterol máu, là những yếu tố tạo nên xơ vữa động mạch.

Mối quan hệ giữa chất béo trans fat và cholesterol
Hạn chế ăn đồ ăn nhanh để tránh làm tăng cholesterol máu

7.4 Tránh sử dụng một số thuốc

Không được sử dụng các loại thuốc gây co thắt mạch máu. Một số thuốc điều trị viêm xoang và cảm lạnh được bán tự do ngoài hiệu thuốc, có chứa những chất gây co thắt mạch máu. Do đó, hãy hỏi bác sĩ của bạn xem bạn cần nên tránh những thuốc nào.

7.5 Tránh các vết thương ở chân

Giảm dòng máu đến nuôi các mô ở chân sẽ làm tăng khả năng bạn phải đối mặt với biến chứng từ các vết thương này như vết thương lâu lành, lở loét, lâu ngày dẫn tới hoại tử và phải cắt cụt chi. Bạn nên chọn tất, giày hoặc dép mềm khi tham gia các hoạt động dễ khiến cho bạn bị thương.

7.6 Giữ chân ở dưới mức tim

Điều sẽ này giúp tăng cường dòng máu đến chân của bạn. Để đảm bảo dòng máu chảy đến chân được thuận lợi kể cả khi nằm ngủ, bạn có thể nâng đầu giường lên cao hơn một chút hoặc hạ chân giường xuống một chút.

Kết luận, đau cách hồi là một triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên, một bệnh lý gây nguy hiểm bởi sự giảm dòng máu đến nuôi tay hoặc chân. Nếu không được điều trị, bệnh có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, khi thấy cơ thể có bất cứ triệu chứng nào khả nghi, hãy chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa về Tim mạch - mạch máu để được tư vấn và điều trị hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

441 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Orinadol
    Công dụng thuốc Orinadol

    Orinadol là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Phương Đông với thành phần chính là hoạt chất Naftidrofuryl. Vậy thuốc Orinadol có tác dụng gì và được sử dụng như thế nào?

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • dancitaz
    Công dụng của thuốc Dancitaz

    Dancitaz thuộc nhóm thuốc có tác dụng đối với máu, thường được dùng trong điều trị các trường hợp thiếu máu cục bộ như bệnh mạch máu ngoại vi do đái tháo đường, bệnh xơ cứng động mạch tắc,...

    Đọc thêm
  • Cloplat
    Công dụng thuốc Cloplat

    Cloplat thuộc nhóm thuốc tim mạch. Thuốc được chỉ định các trường hợp điều trị và dự phòng các bệnh lý liên quan đến xơ vữa động mạch. Hãy cùng tìm hiểu thuốc Cloplat để đảm bảo an toàn và ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Topogis 90
    Công dụng thuốc Topogis 90

    Thuốc Topogis 90 là thuốc tim mạch, có thành phần chính là Ticagrelor, hàm lượng 90mg. Thuốc có tác dụng điều trị cơn đau thắt ngực không ổn định đồng thời giúp phòng ngừa huyết khối do xơ vữa động ...

    Đọc thêm
  • Platilog
    Công dụng thuốc Platilog

    Platilog được bán dưới tên thương hiệu Plavix, thuốc nằm trong danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu được dùng để làm giảm ...

    Đọc thêm