Bệnh thiểu năng vành là gì?

Bệnh thiểu năng vành hay suy vành là một bệnh tim mạch đang khá phổ biến hiện nay. Hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp bạn cùng người thân nhận biết dấu hiệu để điều trị kịp thời hoặc phòng ngừa bệnh.

1. Bệnh thiểu năng vành là gì?

Bệnh thiểu năng vành là tên gọi khác của bệnh mạch vành. Đây là hiện tượng động mạch vành bị giảm chức năng, dẫn tới giảm khả năng vận chuyển máu đến nuôi cơ tim.

Bệnh thiểu năng vành thường khởi phát từ những tổn thương tại lớp lót bên trong thành mạch máu nuôi dưỡng cho tim (mạch vành). Tại vị trí tổn thương, cholesterol hay mỡ máu, canxi và các chất thải tế bào trong máu sẽ tích tụ. Do đó, gây ra kích hoạt phản ứng viêm, hình thành nên mảng xơ vữa bám chắc vào thành mạch.

Mảng xơ vữa phát triển và tích tụ lớn dần theo thời gian cho đến khi gây ra sự tắc nghẽn đủ lớn, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi tim. Nếu mảng xơ vữa quá dày và bị nứt vỡ, tiểu cầu sẽ tập trung lại và hình thành nên cục máu đông gây ra tình trạng bít tắc hoàn toàn mạch vành, dẫn đến nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân gây ra bệnh thiểu năng vành ít phổ biến hơn và không liên quan đến xơ vữa là do co thắt mạch vành hay dị dạng động mạch vành bẩm sinh.

Các nghiên cứu gân đây đã chỉ ra rằng, bình thường một trái tim khỏe mạnh cần bơm khoảng 20 lít máu mỗi phút. Khi lưu lượng máu đến cơ tim bị giảm do hẹp hoặc tắc nghẽn lòng mạch, hoạt động co bóp và khả năng thực hiện các chức năng của tim sẽ bị ảnh hưởng, gây ra những dấu hiệu triệu chứng khó chịu hoặc các tình trạng cấp tính không mong muốn.

2. Những người nguy cơ cao mắc bệnh thiểu năng vành

Những người có nguy cơ cao mắc thiểu năng vành nếu có càng nhiều các yếu tố được nêu dưới đây:

  • Mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao;
  • Mỡ máu cao;
  • Hút thuốc lá;
  • Béo phì, lười vận động;
  • Mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Thường xuyên căng thẳng, stress kéo dài;
  • Thói quen ăn uống thiếu khoa học: ăn nhiều muối, đường, chất béo...; uống nhiều bia rượu.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm tức là trước 55 tuổi;
  • Tiền sử bị tiền sản giật trong thời gian mang thai.

3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thiểu năng vành

Người bệnh có thể không gặp phải dấu hiệu triệu chứng nào nếu mạch vành chỉ tắc hẹp nhẹ, lượng máu đến nuôi tim bị thiếu hụt không đáng kể. Theo thời gian khi mảng xơ vữa phát triển đủ lớn, tình trạng thiếu máu cơ tim xảy ra, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:

3.1. Đau tức ngực

Đau tức ngực là triệu chứng điển hình của chứng thiểu năng vành. Khi cơ tim không nhận được đủ máu nuôi dưỡng, vùng cơ tim đó sẽ kích thích các đầu dây thần kinh gây nên cảm giác đau tức ở vùng ngực.

Các dấu hiệu triệu chứng đau ngực rất đa dạng, có thể là:

  • Đau ở phần giữa ngực bên trái;
  • Căng tức kèm theo nóng rát vùng ngực;
  • Cảm giác nặng nề ở ngực như có ai đè lên;
  • Co thắt ngực trái

Tuy nhiên, không phải cứ xuất hiện tình trạng đau tức ngực có nghĩa là mắc bệnh thiểu năng vành. Trong nhiều trường hợp, cơn đau tức ngực có thể liên quan đến những nguyên nhân ngoài tim như:

  • Đau ngực nguyên nhân do tổn thương cơ, xương vùng ngực;
  • Đau ngực nguyên nhân do viêm thần kinh liên sườn;
  • Đau ngực nguyên nhân do viêm màng phổi, màng tim.

3.2. Các triệu chứng thiểu năng vành khác

Ngoài ra, khi bị thiểu năng vành, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng không liên quan đến cơn đau thắt ngực như:

  • Xuất hiện cơn đau như điện giật trên cánh tay hoặc bả vai;
  • Khó thở, thở dốc, đặc biệt khi khó thở khi vận động hoặc gắng sức;
  • Đổ mồ hôi;
  • Choáng váng, chóng mặt;

Những dấu hiệu triệu chứng này tăng lên và rõ rệt hơn khi lưu lượng máu bị giảm quá mức. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 5 phút mỗi lần hoặc liên tục trong 15 phút thì bạn cần đến gặp bác sĩ điều trị ngay.

4. Phương pháp chẩn đoán bệnh thiểu năng vành

Để chẩn đoán chính xác bệnh thiểu năng vành không thể chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng. Vậy nên bác sĩ chuyên khoa Tim mạch sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán dưới đây:

  • Điện tâm đồ để theo dõi các tín hiệu điện tim, nhịp tim. Từ đó giúp phát hiện tình trạng thiếu máu cơ tim hay các rối loạn nhịp tim.
  • Siêu âm tim: Phương pháp được thực hiện bằng cách sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh bên trong trái tim tác dụng nhằm kiểm tra cấu trúc và chức năng tổng thể của tim.
  • Kiểm tra mức độ căng thẳng: Thử nghiệm này theo dõi hoạt động điện của tim khi bạn đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe cố định. Đối với những người không thể tập thể dục, có thể sử dụng thuốc thay thế để kiểm tra mức độ căng thẳng tác động đối với tim.
  • Chụp mạch vành: Trước khi thực hiện thủ thuật này thì bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc nhuộm cản quang vào động mạch vành thông qua một ống thông được luồn từ động mạch ở bẹn hay ở vùng cánh tay. Thuốc nhuộm cho phép nhìn thấy hình ảnh chụp X – quang của động mạch vành, từ đó có tác dụng xác định vị trí, mức độ tắc hẹp mạch vành.
  • Chụp CT tim: vai trò kiểm tra cặn canxi trong động mạch vành.

5. Một số phương pháp điều trị bệnh thiểu năng vành

5.1. Điều chỉnh lối sống

Phương pháp đầu tiên trong điều trị bệnh thiểu năng vành là giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách điều chỉnh hay thay đổi lối sống khoa học. Cụ thể như sau:

  • Bỏ hút thuốc: Khói thuốc lá là nguyên nhân gây ra tình trạng tổn thương mạch máu và thúc đẩy xơ vữa tiến triển, vì vậy bạn cần từ bỏ thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với môi trường có khói thuốc.
  • Thực hiện một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho tim với việc cắt giảm muối, đường và các thực phẩm giàu chất béo. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch như ngũ cốc nguyên cám, rau quả tươi, các loại thịt trắng như cá tươi, thịt gia cầm lọc bỏ phần da...
  • Hạn chế sử dụng thức uống có chứa cồn như rượu bia: Giới hạn không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới.
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao: Tập thể dục thường xuyên giúp bạn giảm cân, nâng cao thể trạng và giải tỏa trạng thái căng thẳng. Bạn nên dành thời gian ít nhất 30 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập thể dục vừa sức như đi bộ, đạp xe, yoga, thể dục nhịp điệu...
  • Hạn chế lo lắng, căng thẳng bằng cách trò chuyện cùng người thân, bạn bè, nghe nhạc, xem phim hài giải trí để giải tỏa tâm lý lo âu, hạn chế gây thêm căng thẳng cho tim.

5.2. Sử dụng thuốc điều trị thiểu năng vành

Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch sẽ chỉ định một số loại thuốc để giảm nhẹ triệu chứng và quản lý các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh. Cụ thể như:

  • Thuốc hạ cholesterol máu như nhóm statin, nhựa hấp thụ axit mật, niacin và fibrat.
  • Thuốc hạ áp như thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển (ACE) hay các loại thuốc chẹn thụ thể angiotensin II.
  • Thuốc giảm đau thắt ngực như nhóm nitrat (phổ biến nhất là Nitroglycerin) hoặc Ranolazine.
  • Thuốc chống đông máu bao gồm thuốc Aspirin, Clopidogrel, Prasugrel và Ticagrelor.
  • Đối với bệnh suy vành, mục tiêu của việc điều trị là giảm các triệu chứng nếu có, ngăn ngừa tình trạng bệnh tiến triển gây ra các biến chứng.
  • Trước đây, có một số người bệnh dùng thuốc Aspirin để giảm nguy cơ bệnh mạch vành tuy nhiên loại thuốc này có thể làm thành mạch mỏng đi, tăng nguy cơ chảy máu trong. Do vậy, loại thuốc này không được sử dụng cho những người có nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ,...
  • Nếu việc điều trị bằng các loại thuốc không đạt hiệu quả hoặc mạch máu của bạn bị tắc hẹp nghiêm trọng, các phương pháp khác sẽ được áp dụng giúp tái thông mạch vành.

Lưu ý, các loại thuốc kể trên chỉ mang tính tham khảo, người bệnh cần được kê đơn chính xác sau quá trình thăm khám tại chuyên khoa tim mạch uy tín.

Tóm lại, điều trị bệnh thiểu năng vành là một việc khá phức tạp nhưng có thể làm được với sự kết hợp giữa các bác sĩ có chuyên môn giỏi và sự hợp tác, kiên trì của người bệnh. Bạn nên chú ý đi khám thường xuyên, theo dõi sức khỏe của mình để nhận ra những dấu hiệu bất thường và đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, điều trị hiệu quả và đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan