Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ uống thuốc gì?

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ hay còn gọi là gọi là Hội chứng động mạch vành mạn, là một tình trạng gây ra do động mạch vành bị hẹp làm hạn chế cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho tim, gây ra cơn đau thắt ngực. Vậy người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ uống thuốc gì?

1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ

1.1. Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ

Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ có thể được phân chia các nhóm như sau:

  • Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ do xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh động mạch vành.
  • Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ không do xơ vữa: Hiếm gặp và các bệnh lý nhóm này bao gồm các bệnh lý bẩm sinh liên quan đến động mạch vành (động mạch vành bị dị dạng, rò, sai chỗ xuất phát), các bệnh viêm nhiễm động mạch vành (như Kawasaki) hoặc co thắt động mạch vành không do xơ vữa.

1.2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ

Yếu tố nguy cơ (YTNC) của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ hay hội chứng động mạch vành mạn tính có thể phân làm 2 nhóm: Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được và các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như sau:

Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được là:

  • Tuổi: Nguy cơ bệnh mạch vành tăng lên theo tuổi. Ở tuổi 70 trở đi, tỉ lệ có bệnh động mạch vành có triệu chứng tăng đến 15% nam giới và 9% nữ giới và tỉ lệ tăng lên 20% ở tuổi 80.
  • Giới tính và tình trạng mãn kinh: Bệnh động mạch vành thường phổ biến và khởi phát sớm hơn ở nam giới. Ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh tỷ lệ bệnh Động mạch vành tăng nhanh và ngang bằng với nam giới sau tuổi 65 do vai trò của hormone sinh dục.
  • Tiền sử gia đình: Đối với bệnh nhân có xơ vữa động mạch thì tiền sử gia đình là yếu tố quan trọng khi bệnh xơ vữa động mạch có thể xuất hiện ở thế hệ thứ nhất với nam giới trước 55 tuổi và nữ giới trước 65 tuổi.
  • Yếu tố chủng tộc: Tỷ lệ tử vong do bệnh Động mạch vành theo tuổi ở nhóm người gốc Nam Á cao hơn 50% so với nhóm người da trắng bản địa ở các nước phát triển và thấp hơn ở nhóm người da đen. Tỷ lệ bệnh Động mạch vành có xu hướng gia tăng mạnh ở một số quần thể ở Đông Á.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được là:

  • Stress tâm lý: Gia tăng căng thẳng trong công việc, cuộc sống cô đơn, trầm cảm là các yếu tố quan trọng tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá tăng nguy cơ bệnh Động mạch vành lên đến 50% với tỷ lệ tử vong cao hơn 60% ( có thể lên đến 85% ở nhóm người nghiện thuốc lá). Nguy cơ bị bệnh Động mạch vành lên khoảng 25% khi hút thuốc lá thụ động.
  • Yếu tố viêm và tình trạng nhiễm trùng: Xơ vữa động mạch bao gồm quá trình viêm liên tục từ lúc bắt đầu hình thành tổn thương. Quá trình tiến triển đến thời điểm biến cố huyết khối cấp tính, tình trạng nhiễm trùng làm nặng thêm bệnh.
  • Lối sống ít vận động: Những người hoạt động thể chất có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn người có lối sống tĩnh tại.
  • Rượu, bia: Người nghiện rượu bia làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp (THA) là yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh động mạch vành. Người có bệnh thiếu máu cục bộ mạn tính kèm theo huyết áp cao, nên kiểm soát huyết áp <130/80 mmHg.
  • Rối loạn lipid máu: Có một mối liên quan bền vững, liên tục, độc lập giữa nồng độ cholesterol toàn phần (TC) hoặc cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-C) với các biến cố tim mạch do xơ vữa động mạch.
  • Đái tháo đường: Là 1 trong các yếu tố nguy cơ tim mạch chính của bệnh lý tim mạch do xơ vữa động mạch. Đái tháo đường làm tăng gấp 2 lần biến cố tim mạch (bao gồm bệnh lý Động mạch vành, đột quỵ và tử vong chung liên quan tới bệnh lý mạch máu).

2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?

Nếu có biểu hiện các triệu chứng dưới đây, người bệnh cần lưu ý vì có thể là biểu hiện của bệnh tim thiếu máu cục bộ:

Cơn đau thắt ngực:

  • Vị trí: Thường ở sau xương ức và là 1 vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng. Hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4, 5.
  • Hoàn cảnh xuất hiện cơn đau: Thường xuất hiện khi người bệnh gắng sức, sau căng thẳng hoặc khi gặp lạnh, sau bữa ăn quá no hoặc khi hút thuốc lá, cơn đau nhanh chóng giảm biến mất trong vòng vài phút khi giảm các yếu tố trên.
  • Tính chất: Cảm giác cơn đau như thắt lại, bó nghẹt, hoặc bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá, bỏng rát vùng ngực. Một số bệnh nhân có biểu hiện khó thở, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi, yếu sức...
  • Thời gian: Cơn đau thường kéo dài khoảng vài phút (3 - 5 phút), có thể dài hơn nhưng thường không quá 20 phút. Trong trường hợp cơn đau của người bệnh kéo dài lâu hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần hướng đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim.

Khó thở: Người bệnh có thể gặp triệu chứng khó thở đi kèm cơn đau thắt ngực, hoặc khi gắng sức, khi làm việc nhà, triệu chứng khó thở nặng lên khi người bệnh nghỉ ngơi cũng thấy khó thở.

Một số triệu chứng khác: Người bệnh có thể không biểu hiện rõ cơn đau thắt ngực mà chỉ cảm giác tức nặng ngực, khó chịu ở ngực, hoặc có cảm giác như cứng hàm sau khi gắng sức,...

Triệu chứng khi thăm khám người bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ:

  • Đếm mạch, đếm nhịp tim: Nếu người bệnh thiếu máu cơ tim thành dưới làm cho thiếu máu nút nhĩ thất, gây nhịp tim chậm. Trong trường hợp hoạt hóa thần kinh giao cảm sẽ gây nhịp tim nhanh lúc nghỉ. Tuy nhiên, nhịp tim nhanh, không đều cũng có thể là biểu hiện rối loạn nhịp tim do thiếu máu hoặc bất thường dẫn truyền cơ tim.
  • Đo huyết áp: Mục đích để chẩn đoán tăng huyết áp, hoặc hạ huyết áp trên người bệnh (do suy tim hoặc dùng quá liều thuốc).
  • Khám tim: Khám các dấu hiệu của cơ tim giãn, phì đại thất trái, rối loạn vận động của tim khi sờ tim, nghe tim thấy tiếng thổi (trong trường hợp thiếu máu cơ tim cấp), hẹp van động mạch chủ, hở hai lá (do rối loạn chức năng cơ nhú, bất thường bẩm sinh của tim).
  • Khám các dấu hiệu suy tim: Bác sĩ sờ diện đập của tim thấy bóng tim to, nhịp tim nhanh lúc thăm khám, nghe phổi thấy ran ẩm tại hai phế trường phổi, hoặc dấu hiệu tràn dịch màng phổi khi thăm khám ( Gõ đục, Rì rào phế nang giảm). Khám gan to, ấn đau, tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan tĩnh mạch cổ, khám phù đều hai chi dưới.
  • Khám các dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại vi: Bác sĩ sờ tìm khối phình động mạch chủ bụng, bắt mạch cảnh và mạch chi, nghe mạch cảnh, thận, đùi đánh giá nuôi dưỡng chi dưới, phát hiện trường hợp hẹp và tắc mạch.
  • Khám tìm các dấu hiệu của tăng cholesterol: Tìm các dấu hiệu tích tụ cholesterol trên da như u xanthoma trên trên da, mí mắt, trên gân đặc biệt gân Achilles, gợi ý tới tăng cholesterol máu tính chất gia đình xảy ra cả ở người trẻ.
  • Khám các dấu hiệu khác để chẩn đoán phân biệt như: Tiếng cọ trong viêm màng ngoài tim, viêm khớp ức sườn, các dấu hiệu tràn khí màng phổi,...

Các thăm dò cận lâm sàng:

Các xét nghiệm nên được tiến hành ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ ( hội chứng động mạch vành mạn tính) bao gồm: Các xét nghiệm sinh hóa cơ bản, điện tâm đồ khi nghỉ, có thể theo dõi Holter điện tâm đồ, X-quang ngực thẳng, siêu âm tim khi nghỉ, siêu âm tim gắng sức,...

  • Xét nghiệm sinh hóa cơ bản: Xét nghiệm hs Troponin để loại trừ hội chứng động mạch vành cấp. Ngoài ra có thể làm công thức máu, chức năng gan, chức năng thận, chỉ số lipid máu, xét nghiệm đường máu, HbA1C sàng lọc bệnh đái tháo đường và, xét nghiệm hormon giáp, siêu âm tuyến giáp để đánh giá chức năng tuyến giáp (những bệnh lý làm nặng lên tình trạng bệnh động mạch vành).
  • Điện tâm đồ và Holter điện tâm đồ: Bệnh nhân đau thắt ngực ổn định có tới > 60% là điện tâm đồ bình thường ngoài cơn đau. Điện tâm đồ trong cơn đau: Có thể thấy hình ảnh thay đổi sóng T và đoạn ST (ST chênh xuống, sóng T âm). Tuy nhiên, kể cả khi điện tâm đồ bình thường cũng không thể loại trừ được chẩn đoán có bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • X-quang tim phổi thẳng: X-quang giúp đánh giá ứ trệ tuần hoàn phổi, mức độ giãn các buồng tim, hoặc để phân biệt với các nguyên nhân khác. Nên chụp X-quang ngực cho bệnh nhân lâm sàng không điển hình, có triệu chứng suy tim hoặc nghi ngờ bệnh lý hô hấp khác kèm theo.
  • Siêu âm tim: Siêu âm Doppler tim và 2D qua thành ngực có vai trò đánh giá cấu trúc và chức năng tim, giúp chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tim khác cũng có thể gây đau ngực ( như bệnh cơ tim phì đại có tắc nghẽn đường ra thất trái, hẹp khít van động mạch chủ, viêm màng ngoài tim,...). Ngoài ra, còn siêu âm còn giúp đánh giá vùng thiếu máu cơ tim (giảm vận động vùng), thủ thuật có thể tiến hành trong cơn đau ngực hoặc ngay sau cơn đau ngực. Siêu âm tim còn đánh giá sức căng cơ tim, giúp phát hiện suy tim với EF bảo tồn, mục đích là để giải thích cho những triệu chứng liên quan khi bệnh nhân gắng sức.
  • Siêu âm tim gắng sức: Cho người bệnh gắng sức thể lực (đạp xe, thảm chạy) hoặc dùng thuốc (dobutamine) sau đó siêu âm tim giúp chẩn đoán rối loạn vận động vùng của thiếu máu cơ tim hoặc khả năng phục hồi của cơ tim.

3. Thiếu máu cục bộ cơ tim điều trị như thế nào?

3.1. Thay đổi lối sống trong bệnh lý thiếu máu cục bộ cơ tim

  • Bỏ thuốc lá.
  • Chế độ ăn lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, hạn chế rượu bia.
  • Kiểm soát cân nặng, tập luyện thể dục đều đặn hàng ngày.
  • Nếu có rối loạn tâm lý: Stress, trầm cảm cần phải điều trị.
  • Tiêm phòng cúm hàng năm.

3.2. Bệnh tim thiếu máu cục bộ uống thuốc gì?

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh và nguyên nhân gây ra bệnh tim thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc điều trị nội khoa hoặc can thiệp. Các bác sĩ có thể kê kết hợp nhiều loại thuốc, người bệnh bắt buộc dùng theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua và sử dụng, tự tăng giảm liều thuốc để tránh hậu quả không mong muốn:

Nhóm nitrat:

Có tác dụng làm giãn hệ động mạch vành và hệ tĩnh mạch, giải phóng nitric oxide (NO) và giảm tiền gánh, từ đó giảm triệu chứng đau thắt ngực. Bao gồm:

  • Các nitrat tác dụng ngắn: Nitroglycerin xịt hoặc ngậm dưới lưỡi (liều 0,3 - 0,6 mg mỗi 5 phút, cho đến tối đa 1,2 mg trong 15 phút), dùng trong cơn đau ngực cấp hoặc dự phòng đau thắt ngực sau các hoạt động gắng sức, cảm xúc mạnh hay thời tiết lạnh, có tác dụng tức thời.
  • Các nitrat tác dụng dài: Nếu sử dụng thường xuyên trong thời gian dài mà không có khoảng nghỉ hoặc giảm liều nitrat trong khoảng 10 đến 14 giờ, sẽ làm mất hiệu quả của thuốc.

Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm:

Chẹn bêta giao cảm là thuốc khởi đầu trong điều trị giảm đau ngực ở hầu hết bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ

  • Thuốc giúp làm giảm gánh nặng thiếu máu cục bộ, cải thiện sống còn ở bệnh nhân có giảm chức năng thất trái hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim. Lợi ích của việc điều trị chẹn beta giao cảm lâu dài đã được chứng minh đối với bệnh nhân có hội chứng động mạch vành mạn tính.
  • Thuốc chẹn beta giao cảm nên được sử dụng ở tất cả bệnh nhân có giảm chức năng tâm thu thất trái (siêu âm tim có EF ≤ 40%) hoặc người bệnh tiền sử nhồi máu cơ tim, trừ khi có chống chỉ định của thuốc chẹn bêta giao cảm. Các thuốc đã được chứng minh làm giảm nguy cơ tử vong là: Metoprolol succinate, Bisoprolol và Carvedilol,.

Nhóm thuốc chẹn kênh Canxi:

  • Chia thành hai nhóm Dihydropyridine (Amlodipine, Felodipine, Lacidipine, Nifedipine) và Nondihydropyridine (Diltiazem và Verapamil).
  • Cả 2 nhóm này đều có vai trò trong cải thiện cung cấp oxy cơ tim do giảm sức cản mạch vành, tăng dòng chảy động mạch hệ thống, giảm co bóp cơ tim, giảm sức cản mạch hệ thống và giảm huyết áp, từ đó làm giảm nhu cầu oxy cơ tim. Tuy nhiên, nhóm thuốc chẹn kênh Canxi hiện chưa có bằng chứng chứng minh làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ.

Các nhóm thuốc khác:

  • Ivabradine: Có tác dụng kiểm soát tần số tim và triệu chứng đau thắt ngực của người bệnh. Ivabradine có thể sử dụng kết hợp cùng hoặc thay thế thuốc chẹn beta giao cảm khi người bệnh không dung nạp với thuốc chẹn bêta
  • Nicorandil: Là một dẫn xuất nitrat của nicotinamide được sử dụng với mục đích phòng ngừa và điều trị đau thắt ngực lâu dài, có thể kết hợp với thuốc chẹn beta giao cảm.
  • Trimetazidine: Là thuốc điều chỉnh chuyển hóa năng lượng cơ tim, giúp cải thiện tình trạng đau ngực, giảm nhu cầu oxy cơ tim,.

Ngoài ra, còn có các thuốc phòng ngừa biến cố tim mạch ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ (Hội chứng động mạch vành mạn tính):

Thuốc kháng kết tập tiểu cầu:

  • Aspirin: Thuốc hoạt động thông qua ức chế không hồi phục cyclooxygenase (COX-1), là thuốc nền tảng trong điều trị phòng ngừa biến cố huyết khối động mạch.
  • Liều Aspirin 75 - 100 mg/ngày được chỉ định cho những bệnh nhân tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc tiền sử đã tái thông động mạch vành, hoặc xem xét ở bệnh nhân không có tiền sử nhồi máu cơ tim hay đã tái thông động mạch vành nhưng có bằng chứng hình ảnh rõ ràng của bệnh động mạch vành.
  • Clopidogrel 75mg/ ngày được chỉ định ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ trong tình huống nói trên để thay cho Aspirin khi bệnh nhân có chống chỉ định với Aspirin.
  • Dùng Aspirin kết hợp với thuốc chống huyết khối thứ 2 (kháng kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông khác) nên được cân nhắc sử dụng trong phòng ngừa tắc mạch thứ phát ở bệnh nhân có nguy cơ cao chảy máu thấp và nguy cơ tắc mạch lại cao.

Thuốc điều trị hạ lipid máu:

  • Statin được chỉ định cho tất cả bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ với mục tiêu giảm LDL-C ≥ 50% so với mức nền (khi bệnh nhân chưa được điều trị bằng bất kỳ thuốc hạ lipid máu nào) và mục tiêu LDL-C < 1,4 mmol/L (< 55 mg/dL).
  • Nếu mục tiêu không đạt được với liều tối đa dung nạp được của nhóm Statin, khuyến cáo phối hợp thêm thuốc Ezetimibe hoặc thuốc ức chế PCSK9.

Thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể Renin- Angiotensin:

  • Thuốc ức chế men chuyển nên được sử dụng ở tất cả bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ có tăng huyết áp, đái tháo đường, siêu âm tim có phân suất tống máu thất trái (EF) ≤ 40%, có bệnh thận mạn, trừ khi có chống chỉ định với nhóm thuốc này.
  • Thuốc ƯCMC nên cân nhắc ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ có nguy cơ rất cao biến cố tim mạch.
  • Thuốc ƯCTT được khuyến cáo ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ khi không dung nạp với ức chế men chuyển.

Hy vọng thông tin trên đây giúp người bệnh biết thêm thông tin về dấu hiệu, triệu chứng và thuốc điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Tuy nhiên, người bệnh bắt buộc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý điều trị tại nhà, tự tăng giảm liều thuốc để tránh hậu quả không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan