Viêm gan C có lây qua đường máu không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Viêm gan C là bệnh lây nhiễm. Hiện nay chưa có vắc - xin phòng ngừa viêm gan C. Do đó, cần hiểu rõ các con đường lây nhiễm viêm gan C để chủ động phòng tránh, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

1. Viêm gan C là gì?

Viêm gan C là tình trạng nhiễm trùng gan do virus viêm gan C HCV gây ra. Đây là một trong những virus gây viêm gan nguy hiểm nhất, ảnh hưởng rất lớn tới chức năng gan.

Không những có sức tấn công mạnh mẽ mà virus viêm gan C sau khi xâm nhập vào cơ thể thường không có biểu hiện gì rõ rệt. Bệnh diễn biến âm thầm. Người bệnh chỉ phát hiện ra các triệu chứng bất thường của gan khi đã ở giai đoạn trễ. Đa số các trường hợp phát hiện viêm gan C ở giai đoạn đầu thường là do tình cờ.

Viêm gan C có thể tiến triển thành viêm gan mãn tính và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: xơ gan, ung thư gan, suy gan.

virus viêm gan c
Hepatitis C là một trong những virus gây viêm gan nguy hiểm nhất

2. Triệu chứng của viêm gan C

Trong giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng cụ thể. Sau khi virus xâm nhập cơ thể được khoảng 1 - 3 tháng, người bệnh bắt đầu có các triệu chứng như:

  • Vàng da, vàng mắt;
  • Nước tiểu chuyển sang màu sẫm đậm;
  • Phân có màu nhạt;
  • Sốt nhẹ;
  • Người mệt mỏi, đau nhức các vùng cơ khớp;
  • Chán ăn;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Đau bụng.

Người bệnh ở giai đoạn muộn, khi gan đã có những tổn thương nghiêm trọng sẽ xuất hiện các triệu chứng suy chức năng gan mãn tính như:

  • Dễ chảy máu, Các vết bầm tím lâu khỏi (do suy giảm chức năng tạo ra các yếu tố đông cầm máu)
  • Cơ thể ngứa ngáy (do suy giảm chức năng thải độc)
  • Phù chân, báng bụng (do giảm tổng hợp Albumin)
  • Sút cân nghiêm trọng (do giảm khả năng trao đổi chất, chức năng bài tiết mật gây chán ăn, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, hạn chế hấp thu dinh dưỡng)
  • Có hiện tượng mạch máu nổi như mạng nhện trên da (do gan xơ gây cản trở tuần hoàn trở về tim, dẫn đến giãn các mạch máu cầu nối gián tiếp trở về tim gây ra biểu hiện tuần hoàn bàng hệ).

Khi có các dấu hiệu bất thường kể trên nên đến ngay các cơ sở y tế để các bác sĩ tiến hành kiểm tra, chẩn đoán bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời. Lắng nghe cơ thể để thấy được những thay đổi dù chỉ là nhỏ nhất.

Khám sàng lọc trước khi mang thai: Quan trọng nhưng đang bị lơ là
Nên đi khám ngay khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường

3. Viêm gan C lây qua đường nào?

Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm. Con đường lây nhiễm phổ biến của viêm gan C chính là lây qua đường máu. Theo tổ chức Y tế Thế giới, những cách dễ lây truyền virus viêm gan C nhất bao gồm:

  • Dùng chung kim tiêm với người mắc viêm gan C;
  • Sử dụng chung hoặc tái sử dụng các thiết bị y tế chứa virus viêm gan C chưa được khử trùng đúng cách;
  • Nhận máu hoặc truyền máu từ các sản phẩm máu chưa được kiểm tra kỹ càng, cẩn thận.

Ngoài lây viêm gan C qua đường máu, cũng có 1 số con đường lây nhiễm viêm gan C ít phổ biến hơn như:

  • Quan hệ tình dục với người nhiễm viêm gan C;
  • Viêm gan C lây truyền từ mẹ sang con;
  • Người chăm sóc bệnh nhân viêm gan C, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và các đồ vật vệ sinh cá nhân của người bệnh như: bàn chải đánh răng, khăn mặt, cốc uống nước, bát, đũa, thìa, quần áo...;
  • Xăm hình bằng các dụng cụ xăm chưa được sát khuẩn, có chứa virus viêm gan C.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính năm 2015 có khoảng 1,75 triệu người trên toàn thế giới mắc viêm gan C. Một người bệnh mắc viêm gan C có thể lan rộng trong các tế bào chỉ trong 2 - 24 tuần.

viêm gan C
Viêm gan C là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến

Viêm gan C là bệnh lý rất nguy hiểm. Điều đáng nói là hiện nay chưa có vắc - xin chủng ngừa virus viêm gan C. Do đó, mọi người cần hết sức cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với người mắc viêm gan C, người làm việc thường xuyên tiếp xúc với các loại kim tiêm hoặc dụng cụ y tế...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

451 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan