Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP dạ dày

Vi khuẩn HP dạ dày có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm tại dạ dày - tá tràng, đặc biệt là bệnh ung thư dạ dày. Vậy triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP điển hình là gì?

1. Đôi nét về vi khuẩn HP dạ dày

Vi khuẩn HP là từ viết tắt của Helicobacter pylori. Sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa, loại vi khuẩn này có thể phát triển âm thầm mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Do vậy, rất nhiều người mắc loại vi khuẩn này mà không biết. Trong suốt thời gian đó, vi khuẩn HP làm thay đổi dần môi trường niêm mạc ở dạ dày, tăng nồng độ axit. Nhiều năm sau, vi khuẩn HP xâm nhập vào niêm mạc dạ dày, làm xuất hiện các vết loét dạ dày.

Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng tình trạng nhiễm khuẩn HP dạ dày lại là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng, ung thư dạ dày.

2. Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP dạ dày

Niêm mạc dạ dày chính là lớp màng bảo vệ của dạ dày. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HP tấn công niêm mạc dạ dày. Khi tổn thương ngày càng nghiêm trọng thì sẽ xuất hiện tình trạng viêm, loét, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Lúc này, các triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng sẽ xuất hiện. Các triệu chứng vi khuẩn HP dạ dày có thể kéo dài vài phút hoặc hàng giờ, gồm:

  • Đau, nóng rát bụng và dạ dày, đặc biệt là khi đói bụng;
  • Buồn nôn, ói mửa;
  • Chán ăn;
  • Thường xuyên ợ hơi;
  • Phình bụng;
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Đi ngoài phân đen khi có chảy máu dạ dày.

Người bệnh nên đi thăm khám ngay khi xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Phân có máu, phân màu đỏ sẫm hoặc màu đen như bã cà phê;
  • Khó thở;
  • Nôn ra máu;
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu do thiếu máu/cơn đau quá nặng;
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân;
  • Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội;
  • Màu da nhợt nhạt do thiếu máu cấp tính hoặc mãn tính vì chảy máu.

3. Cách chẩn đoán vi khuẩn HP dạ dày

Tuy nhiễm HP là nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày nhưng không phải tất cả các trường hợp mắc bệnh này đều có vi khuẩn HP trong dạ dày. Do đó, bệnh nhân thường được chỉ định xét nghiệm chẩn đoán HP dạ dày khi:

  • Bị bệnh loét dạ dày - tá tràng hoặc có tiền sử bị loét dạ dày - tá tràng;
  • Tiền sử gia đình có người thân bị ung thư dạ dày;
  • Người sử dụng thuốc chống viêm hay aspirin trong thời gian dài.

Bệnh nhân nên ngừng sử dụng các thuốc kháng sinh (nếu có) trong vòng 4 tuần và các thuốc ức chế tiết acid (nếu có) trong 2 tuần trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán HP dạ dày. Sau khi thăm khám, xác định các triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện 1 hoặc nhiều thủ thuật xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra hơi thở (Breath Test): Còn gọi test hơi thở ure hoặc test hơi thở C13. Đây là 1 phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, chính xác, cho kết quả nhanh. Trước khi kiểm tra hơi thở 15 - 30 phút, người bệnh được cho uống viên thuốc hoặc dung dịch ure có gắn nguyên tử carbon đồng vị C13. Nếu trong dạ dày có vi khuẩn HP thì chất này sẽ tác động lên urease (1 men do vi khuẩn HP tiết ra), phân hủy ure thành CO2 và NH3, giải phóng CO2 qua hơi thở. Bác sĩ sẽ đo nồng độ carbon được đánh dấu bừng C13 trong hơi thở trước và sau khi uống thuốc. Từ đó, bác sĩ chẩn đoán sự tồn tại và nồng độ của HP trong cơ thể. Phương pháp này có thể sử dụng cho người từ 6 tuổi trở lên;
  • Xét nghiệm phân: Vi khuẩn HP trong dạ dày được cơ thể đào thải qua phân. Do đó, xét nghiệm phân là một trong những phương pháp chẩn đoán, phát hiện vi khuẩn HP hiệu quả. Xét nghiệm này gồm xét nghiệm kháng nguyên trong phân bệnh nhân và xét nghiệm PCR phân. Xét nghiệm kháng nguyên phân là tìm các protein (kháng nguyên) liên quan tới nhiễm HP trong phân. Còn xét nghiệm PCR phân là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase trong phân, giúp phát hiện vi khuẩn HP, các đột biến kháng lại thuốc kháng sinh điều trị HP;
  • Nội soi: Là thủ thuật đưa 1 ống dò dài (có gắn camera ở đầu) vào miệng bệnh nhân, đi qua cổ họng và thực quản, tiến đến dạ dày và tá tràng. Phương pháp nội soi cho phép bác sĩ xem xét tình trạng thực quản, niêm mạc dạ dày và tá tràng. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô dạ dày để làm xét nghiệm tìm vi khuẩn HP hoặc dùng mẫu mô này nuôi cấy vi khuẩn để tìm xem có sự có mặt của HP, làm kháng sinh đồ để tìm loại kháng sinh nhạy cảm, bị kháng với HP;
  • Phương pháp chẩn đoán khác: Chụp X-quang dạ dày thực quản, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp CT,... Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm thêm sinh thiết để chẩn đoán ung thư dạ dày.

Dựa trên các triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh. Khi được xác định nhiễm HP, bệnh nhân nên tuân thủ đúng hướng điều trị của bác sĩ để tiêu diệt triệt để loại vi khuẩn này, tránh nguy cơ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan